Đường Mai Thị Lựu trước cổng chùa Ngọc Hoàng (quận 1) đông nghịt người sáng 30/1. Ảnh: Anh Nhàn. |
Từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 30/1, dòng người liên tục đổ về chùa Phước Hải hay còn gọi là chùa Ngọc Hoàng (đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP.HCM) để viếng chùa, cầu mong một năm mới nhiều bình an, may mắn.
Nhu cầu của du khách tăng cao khiến bãi giữ xe chùa Ngọc Hoàng kín chỗ từ sớm. Xung quanh, một số người dân tổ chức các điểm giữ xe tự phát song những nơi này cũng sớm được lấp đầy.
Tại một bãi gửi xe tự phát trên vỉa hè đường Mai Thị Lựu, mỗi lượt xe máy vào gửi sẽ phải trả trước 20.000 đồng/xe. Người trông xe cho biết giá gửi xe cao do dịp lễ, lượng người đổ về đông, các bãi giữ xe đều đã kín chỗ.
Đông nghịt người viếng chùa Ngọc Hoàng trong ngày mùng 9 Tết. Ảnh: Anh Nhàn. |
Chị Thanh Trang (24 tuổi, TP Thủ Đức) phải đi 4 chỗ mới tìm được nơi giữ xe. Lần đầu đến viếng chùa, chị này bất ngờ trước khung cảnh đông đúc không tưởng.
"Tới nhà xe nào tôi cũng chỉ nhận được cái xua tay thông báo đã hết chỗ gửi xe. Tôi phải tới nhà xe gần đầu đường Nguyễn Văn Giai gửi xe rồi đi bộ một đoạn vào viếng chùa", chị Trang bày tỏ.
Còn chị Nguyễn Như Ngọc (24 tuổi, quận 1) cho biết phải loay hoay tìm chỗ để xe gần 15 phút. "Không ngờ đi chùa cầu duyên lại vất vả đến thế. Bên trong chánh điện chùa cũng đông đúc không tưởng", nữ du khách thở dài.
Trước cổng chùa, lực lượng dân phòng, công an túc trực nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Đường Mai Thị Lựu, đoạn qua chùa Ngọc Hoàng cũng được rào chắn và cấm ôtô lưu thông. Theo ghi nhận, đến đầu giờ chiều, đoạn đường trên vẫn còn đông đúc, ùn ứ nhẹ.
Một điểm giữ xe tự phát cạnh chùa Ngọc Hoàng từ chối nhận xe vì quá tải. Ảnh: Anh Nhàn. |
Bên trong chánh điện chùa Ngọc Hoàng, dòng người xếp hàng chờ đợi làm lễ. Nhà chùa phát loa thông báo khuyến khích người dân chỉ dùng đèn cầy để cầu nguyện, không dùng nhang để tránh khói ngạt. Dịp này, có hơn 10 bảo vệ nhà chùa điều phối, nhắc nhở du khách trong lúc hành lễ.
Chùa Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải) được xem là nơi cầu duyên, cầu con linh thiêng tại TP.HCM. Chùa được xây dựng đầu thế kỷ 20 và thờ Ngọc Hoàng, Kim Hoa Thánh Mẫu, Thần tài... theo tín ngưỡng người Hoa.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.