Nhiều loại rùa quý hiếm tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Anh Nhàn. |
Chiều 5/10, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp với Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp nhận hàng chục cá thể rùa tại chùa Ngọc Hoàng (Quận 1).
Theo sư cô Thích Ngộ Tâm, những cá thể rùa này được phật tử phóng sinh và được chùa Ngọc Hoàng tiếp nhận trong hồ nước ở giữa khuôn viên. Mỗi ngày, các tăng ni đều dùng trái cây, rau cải... thả xuống cho rùa ăn.
"Phật tử phóng sinh rùa từ nhiều năm trước, có những cá thể rùa đã ở đây được 15-20 năm. Những năm gần đây, có yêu cầu cấm phóng sinh nên chùa đã ngừng tiếp nhận rùa của các phật tử", sư cô Thích Ngộ Tâm thông tin thêm.
62 cá thể rùa quý hiếm được Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Anh Nhàn. |
Trao đổi với Zing, ông Cầm Văn Tùng, đại diện Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết đợt tiếp nhận ở chùa Ngọc Hoàng là có nhiều rùa nhất từ trước đến nay.
Theo kiểm đếm, có 62 cá thể rùa quý hiếm trong khuôn viên chùa. Các cá thể nằm trong nhóm 2B, động vật quý hiếm cần được bảo tồn. "Con rùa lớn nhất nặng 15 kg. Chi cục cần nhờ chuyên gia thẩm định độ tuổi, nhưng theo nhận định ban đầu, có cá thể rùa 20-30 năm tuổi", ông Tùng cho biết.
Các cá thể rùa ở chùa Ngọc Hoàng chủ yếu thuộc 5 loại: Rùa răng, rùa đất lớn, rùa đất Sê-pôn, rùa hộp lưng đen, rùa núi vàng. Một số loài rùa ngoại lai như rùa tai đỏ, rùa cá sấu sẽ được Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiến hành tiêu hủy.
Ông Cầm Văn Tùng cho biết các loài rùa sau khi tiếp nhận sẽ được đưa lên Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Sau đó, rùa tiếp tục được theo dõi, chăm sóc rồi mới tiến đến phương án đưa về tự nhiên.
Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiến hành kiểm tra, phân loại cá thể rùa. Ảnh: Anh Nhàn. |
Về thủ tục, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiến hành tiếp nhận các loại rùa quý hiếm. Sau đó, đơn vị lập phương án xác lập quyền sở hữu toàn dân để UBND TP.HCM phê duyệt.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm TP.HCM khuyến cáo người dân không nên tự ý phóng sinh động vật quý hiếm vào chùa. Người dân cần giao cho cơ quan chức năng hoặc Chi cục Kiểm lâm để tiến hành chăm sóc, theo dõi, đặc biệt đối với các cá thể rùa quý hiếm.
Đầu tháng 7, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khảo sát hơn 400 ngôi chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở TP.HCM và ghi nhận nhiều nơi còn tình trạng nuôi nhốt, phóng sinh rùa.
Hành vi mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hay bất kể khu vực khác khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các loài rùa là vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hoạt động săn bắt, buôn bán rùa trái phép, ảnh hưởng tới quần thể rùa trong tự nhiên và môi trường.
Mọi hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, buôn bán các loại rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đăng ký theo quy định là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng hoặc xử lý hình sự lên đến 12 năm tù.