Mất liên lạc với Liên đoàn Bóng đá Thái Lan là bê bối mới nhất của HLV Akira Nishino trong thời kỳ cầm quyền tại tuyển Thái. Từ cấp U23 tới đội tuyển, từ đấu trường khu vực tới châu lục, từ thành tích tới thái độ, HLV Nishino đều đã thất bại ở Thái Lan.
Vậy tại sao người Thái vẫn khẳng định niềm tin vào HLV này?
Nishino vẫn chưa bị sa thải bất chấp thành tích tồi tệ của tuyển và U23 Thái Lan. Ảnh: Minh Chiến. |
Thành tích tồi tệ nhất trong nhiều năm qua
HLV Nishino tới Thái Lan với hai mục tiêu lớn là vòng loại thứ ba World Cup và Olympic Tokyo.
Ở vòng loại World Cup, Thái Lan chơi không đến nỗi nào trong giai đoạn khởi đầu. Tuyển Thái chỉ đứng thứ ba, nhưng kém ngôi đầu của tuyển Việt Nam không quá xa. Quan trọng hơn, ông Nishino đã thực sự thổi hồn Nhật Bản vào lối chơi của tuyển Thái. Hai lần gặp Việt Nam, tuyển Thái Lan đều hòa trên thế thắng.
Mọi thứ chỉ trở thành cơn ác mộng khi vòng loại trở lại ở UAE. Chấn thương của Chanathip Songkrasin, việc Theerathon Bunmathan từ chối đội tuyển, còn Teerasil Dangda xuống phong độ khiến Thái Lan tổn thất nặng nề về lực lượng. Hậu quả, họ thua UAE, thua Malaysia, bị Indonesia cầm hòa và khép lại chiến dịch vòng loại thứ hai với vị trí thứ 4 trong 5 đội tại bảng G.
Ở cấp U22, Thái Lan thảm bại tại SEA Games 2019, giải đấu mà Nishino biện hộ chỉ là nơi tập duyệt cho U23 châu Á. Để rồi một tháng sau, ở đấu trường châu lục, tất cả những gì U23 Thái Lan làm được chỉ là vòng tứ kết, đồng nghĩa với ngồi nhà xem Olympic.
Trước Nishino, huyền thoại Kiatisuk Senamuang buộc phải từ chức dù chỉ thua trên một mặt trận là vòng loại World Cup. Trước đó, ông và cộng sự mang về cho Thái Lan hai danh hiệu AFF Cup, 3 lần đăng quang SEA Games.
Người tiền nhiệm Milovan Rajevac cũng bị sa thải rất nhanh ngay sau trận thua 1-4 trước Ấn Độ dù sau đó, Thái Lan vẫn qua vòng bảng Asian Cup.
Cả Kiatisuk và Rajevac đều ngay lập tức bị trảm sau những thất bại đầu tiên. Nhưng Nishino thì không. Chia sẻ trên Bangkok Post cách đây ít ngày, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompunmuang khẳng định sẽ không thảo luận về tương lai của Akira Nishino.
Ngay cả khi mất liên lạc với HLV người Nhật Bản, FAT cũng không sa thải Nishino. Họ bổ nhiệm trợ lý Anurak Srikerd lên tạm quyền trong khi chờ liên lạc lại với ông thầy 66 tuổi.
So với Kiatisuk và Rajevac, đó thực sự là một sự thiên vị kỳ lạ.
Nhóm ngôi sao của bóng đá Thái đều đang chơi bóng tại Nhật Bản. Ảnh: Changsuek. |
Sa thải Nishino và bài toán khó với Nhật Bản
Trao đổi với Zing, cây viết Paul Murphy của ESPN tin rằng: “Tôi không muốn bình luận về cách ứng xử trong vụ việc vừa qua của HLV Nishino. Tôi chỉ muốn nói về hiệu quả công việc. Nishino đã thất bại trong hầu hết mục tiêu với bóng đá Thái Lan. Nishino phải ra đi. Sự thay đổi là cần thiết sau những kết quả không đủ tốt”.
Đồng quan điểm với Murphy, biên tập viên Kao Barley Jaroencher của đài Thairath ngán ngẩm: “Nếu đúng như những gì FAT mô tả, HLV Nishino thật kém chuyên nghiệp. Sau khi kết thúc SEA Games 2019, ông ấy cũng vội vã về Nhật Bản như vậy. Năm ngoái, ông ta cũng về quê rất nhiều lần”.
Trên các diễn đàn, cổ động viên Thái Lan cũng lên tiếng đòi sa thải HLV Nishino.
Nhưng FAT dường như vẫn đang băn khoăn trong việc đưa ra quyết định cuối cùng.
Năm 2017, FAT ký với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) một thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Thỏa thuận ghi rõ: “Đôi bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức và phát triển hệ thống giải quốc nội cùng đội tuyển quốc gia, trao đổi hiểu biết trong hoạt động huấn luyện, thương mại cùng nhiều lĩnh vực khác có liên quan”.
Chủ tịch Poompunmuang thậm chí xin người Nhật chia sẻ bản kế hoạch hướng tới năm 2050 của bóng đá Nhật Bản. Ông tin việc sao chép công thức thành công của tuyển Nhật và J.League là con đường sáng cho bóng đá Thái Lan. Nói trong buổi lễ năm ấy, Poompunmuang bảo: “Tôi đã nhận được những sự hỗ trợ từ ông Tashima (Chủ tịch JFA Kozo Tashima - PV). Thái Lan muốn có bước tiến lớn, bởi vậy chúng tôi đã tìm tới sự hỗ trợ từ JFA. Tôi tin điều đó sẽ biến tuyển Thái Lan trở thành một đội tốp đầu châu Á giống như Nhật Bản”.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompunmuang hạnh phúc trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với bóng đá Nhật Bản năm 2017. Ảnh: Bangkok Post. |
Khi Thái Lan sa thải Rajevac, họ nhận được hàng chục bản CV từ khắp thế giới. Và người Thái đã chọn Nishino, một HLV Nhật Bản.
Thái Lan có thể dễ dàng sa thải Kiatisuk, một HLV bản địa, hay Rajevac, một người châu Âu. Nhưng bất kỳ hành động nào với Nishino đều có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác chiến lược cùng Nhật Bản, thứ rất quan trọng trên hành trình dài hạn của bóng đá Thái.
Quan sát bóng đá Thái những năm qua, dễ thấy họ đang sao chép mô hình Nhật Bản. Tuyển Thái Lan và Nhật Bản cùng theo đuổi phong cách kiểm soát, nhỏ ngắn, ưu tiên những cầu thủ kỹ thuật, khéo léo. Những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Thái đều đang chơi bóng ở Nhật Bản.
Thai League được xây dựng giống hệt J.League từ đỉnh là giải cấp một tới hệ thống giải hạng dưới tổ chức theo từng vùng địa lý. Các CLB Thái Lan có cách hoạt động, tiếp thị, tham gia nhiều hoạt động xã hội, bên lề giống hệt những đội Nhật Bản. Không phải vô lý mà thủ thành Đặng Văn Lâm chuyển thẳng từ Thái Lan tới Nhật Bản chứ không phải Hàn Quốc hay một nền bóng đá tiên tiến nào khác.
Bản thân Nishino cũng là một HLV đẳng cấp, tên tuổi đã được thừa nhận ở tầm thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh, sa thải Nishino cũng khiến tuyển Thái Lan gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm người thay thế. Người kế nhiệm HLV này cũng sẽ đối diện áp lực cực lớn.
Người Thái vì thế có lẽ muốn có HLV Nishino thêm một cơ hội. Vấn đề là ông thầy Nhật Bản còn tha thiết không sau những thất bại nặng nề thời gian qua?