Nếu nhìn cách MU kết thúc Premier League mùa giải 2019/20, nhiều cổ động viên đội bóng này sẽ cảm thấy rất quen.
Ba vòng cuối, MU chơi thiếu thuyết phục. Họ ghi bàn nhờ penalty, hưởng lợi thế nhờ VAR và các sai lầm của đối thủ.
Leicester City thậm chí chơi hay hơn MU trong suốt 2/3 thời gian cho đến khi tiền vệ trung tâm của họ phạm sai lầm và phải trả giá bằng quả phạt đền.
Trước đó mấy phút, bóng dội xà khung thành David de Gea sau cú đánh đầu của Jamie Vardy. Một MU “ăn rùa” có vẻ đã trở lại.
Trong bóng hình Sir Alex
Không nhiều người để ý MU đã kết thúc mùa giải với thống kê vô tiền khoáng hậu. Họ là đội đầu tiên trong lịch sử Premier League được hưởng 14 quả penalty trong một mùa giải.
MU chính là đội được hưởng lợi nhiều nhất từ VAR và các quyết định của trọng tài (thống kê từ Opta), với tổng cộng thêm 10 điểm lợi thế mùa này.
Vài ngày trước trận gặp Leicester, truyền thông Anh làm cuộc phân tích bài bản để giải mã cái gọi là “VARchester United” - ám chỉ việc MU được thiên vị từ các trọng tài.
Kết quả cuối cùng khá bất ngờ, trong số 13 quả penalty MU được hưởng tại Premier League kể từ đầu mùa, có 2 quả 11 m trong số đó các trọng tài đã nhận định sai.
MU lập kỷ lục về số penalty được nhận tại Premier League mùa này. Ảnh: Getty. |
Việc MU được các trọng tài ưu ái mùa này rõ ràng là sự thật. Tuy nhiên, sự ưu ái của các trọng tài không phải là gian lận. VAR được áp dụng để hạn chế sự sai sót của các trọng tài và trong chừng mực nào đó, đã hoạt động không tới nỗi nào.
Và MU phải làm thế nào mới thường được hưởng các quyết định có lợi từ VAR? Họ đã chơi thứ bóng đá tốc độ, bắt đối phương phải phạm sai lầm và trả giá.
Martial khiến đối thủ phạm lỗi sau khi chớp thời cơ từ pha để mất bóng của tiền vệ Leicester. Lingard trừng phạt sai lầm của thủ môn Kasper Schmeichel.
Tốc độ của Martial hay Rashford là nguyên nhân khiến nhiều trung vệ ở Premier League phải phạm lỗi mùa này.
Ngay việc MU vượt qua Leicester City 2-0 với phong thái “rất rùa” ở vòng cuối cùng Premier League cũng là dạng bản lĩnh trong lối chơi.
Khi bạn thắng bằng may mắn một lần hay hai lần, người ta có thể coi đó là sự ngẫu nhiên. Khi bạn liên tục thắng nhờ may mắn, đó có thể được coi là dạng năng lực.
Trong những năm tháng đỉnh cao, Sir Alex xây nên những chiến thắng cho MU theo cách may mắn như thế. Sir Alex đã tạo nên "Quỷ đỏ" không bỏ cuộc, chiến đấu đến cùng và ép đối thủ phải phạm sai lầm.
Ba tuần trước, Solskjaer bật mí bí quyết giúp MU chơi tốt nằm ở hai từ “thái độ” và “niềm tin”.
Chỉ có tinh thần thi đấu mới có thể lý giải được phần lớn những bàn thắng phút bù giờ của MU dưới thời Sir Alex.
Đó là lý do Solskjaer được MU mời về làm HLV. Nhiều người tin MU đặt Solskjaer ngồi vào ghế HLV trưởng đội bóng do lời bảo đảm của Sir Alex.
HLV người Na Uy chưa bao giờ giấu việc sao chép phong cách huấn luyện của Alex Ferguson. Solsa thổ lộ ông đã bắt đầu ghi chép các bài học huấn luyện của Ferguson từ 2 thập niên trước. Khi nhận lời làm HLV MU, việc đầu tiên Ole làm là bốc máy gọi điện cho huyền thoại người Scotland.
Với việc giúp MU dự Champions League mùa tới, Solsa có mùa giải viên mãn. HLV người Na Uy gầy dựng lại bầu không khí quen thuộc như dưới thời Sir Alex. Các cầu thủ thoải mái chơi thứ bóng đá phóng khoáng, cống hiến hết mình cho màu áo.
David Beckham bảo anh thấy cách Ole đối xử với Greenwood hay Pogba giống hệt cách Ferguson từng làm với mình.
Ole đã thành công trong việc bảo vệ, xây dựng lại các giá trị quen thuộc của MU dưới thời Sir Alex.
Đó dường như mới chính là thứ giúp MU đoạt vé dự Champions League, chứ không phải những phát kiến ấn tượng về chiến thuật của bản thân HLV người Na Uy.
MU thăng hoa nhờ bản hợp đồng đắt tiền Bruno Fernandes, giống như cách Ferguson làm với Robin van Persie hay Rio Ferdinand.
Solsa tạo ra phòng thay đồ lành mạnh, thứ bóng đá tự do, mà nói như lời Pogba thì “lần đầu tiên kể từ khi đến MU anh mới lại tận hưởng việc chơi bóng”.
Solsa cần tạo ra dấu ấn riêng mới mong giúp MU vô địch. Ảnh: Getty. |
Solskjaer cần đi con đường riêng của mình
Có thể nói, việc chọn Solsa là biện pháp sửa chữa những lỗi lầm của ban lãnh đạo MU sau khi ký hợp đồng Louis van Gaal hay Jose Mourinho.
Tuần trước, David Moyes bảo Solsa thực ra chẳng tài năng hơn gì ông, đơn giản là HLV người Na Uy được trao nhiều thời gian hơn mà thôi.
Moyes có quyền trách móc, vì nhiệm kỳ của ông tại Old Trafford kéo dài 10 tháng. Cựu HLV Everton bị sa thải khi MU đang đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng. Ở mùa giải đầu tiên làm HLV trưởng MU, Solsa đưa “Quỷ đỏ” về đích ở vị trí thứ 6.
Tuy nhiên, chính lời đánh giá năng lực Ole chẳng hơn gì mình của Moyes lại nói lên điểm hạn chế lớn nhất của thuyền trưởng Manchester United hiện tại.
Ngay cả khi MU đã trở lại top 4 Premier League, rất ít người tin Ole là một HLV ngang tầm với Pochettino hay Allegri, những người đang thất nghiệp và từng được đồn đoán ngồi vào ghế nóng tại Old Trafford.
Những vòng cuối của Premier League, Ole tỏ ra lúng túng với việc xoay vòng cầu thủ hay duy trì thứ bóng đá tốc độ và đầy cảm hứng như quãng thời gian trước đó.
Và có lẽ vì các cầu thủ MU chơi bóng dựa nhiều vào tinh thần, nên khi họ hết “cảm hứng”, lối chơi của MU cũng trở nên bế tắc.
Solsa chắc chắn còn phải học nhiều. Ông có thể thành công trong việc sao chép và đeo lên mình chiếc mặt nạ mang tên Alex Ferguson.
Tuy nhiên, hiếm ai trong bóng đá đỉnh cao có thể thành công khi chọn trở thành bản sao của người khác. Pep Guardiola trưởng thành từ ngôi trường nổi tiếng của Johan Cruyff, nhưng ông tự tạo ra phong cách riêng với những dấu ấn đậm nét về chiến thuật.
Jueergen Klopp, Diego Simeone hay Zinedine Zidane, những HLV hàng đầu thế giới hiện tại chẳng là bản sao của ai cả. Họ tự tạo ra những phong cách và dấu ấn độc đáo cho mình.
Dấu ấn đậm nét hay nổi bật về mặt chiến thuật mà Ole tạo ra ở MU sau 2 mùa giải nắm quyền là gì, ngoại trừ những yếu tố như tinh thần thi đấu? Không ai thấy rõ được điều đó.
Sau top 4 Ngoại hạng Anh sẽ là gì? Với tầm vóc của MU, Solskjaer phải hướng đến các danh hiệu. Để cạnh tranh với Real, Bayern, Man City hay Liverpool, Ole cần vươn tầm trở thành HLV đẳng cấp. Ông chắc chắn không thể làm điều đó nếu cứ tiếp tục nấp sau chiếc mặt nạ của Sir Alex.
Bảng xếp hạng top 6 Premier League cùng các suất dự cúp châu Âu mùa sau. Đồ hoạ: Minh Phúc. |