Thất bại của những Công Phượng, Xuân Trường khi xuất ngoại cho thấy cầu thủ Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng tương xứng với vị thế của đội tuyển quốc gia ở châu Á.
Bản hợp đồng với Sint-Truidense sẽ đưa Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam thứ hai trong lịch sử chơi bóng tại châu Âu. Đây là lần thứ 3 Công Phượng xuất ngoại sau 4 năm. Cả hai lần trước, anh đều thất bại trong việc thể hiện mình.
Ngoài Đặng Văn Lâm ở Muangthong United, chưa một cầu thủ Việt Nam nào chứng minh được năng lực khi xuất ngoại. Nửa năm sau Asian Cup 2019, cầu thủ Việt Nam vẫn chưa đạt được vị thế tương xứng với những thành công của đội tuyển quốc gia và U23 - thứ mà chính họ đã giành lấy khi khoác áo đội tuyển.
Cầu thủ Việt Nam ở đâu?
Những chiến tích liên tiếp dưới triều đại Park Hang-seo chứng minh bóng đá Việt Nam không hề ăn may. Với tư cách đội vô địch Đông Nam Á, tốp 8 Asian Cup, Á quân U23 châu Á, các đội tuyển Việt Nam thực sự đã trở thành một thế lực trên bình diện châu lục. Lẽ ra với từng ấy chiến tích, cầu thủ Việt Nam phải bước ra châu lục và có một vị thế xứng đáng hơn.
Nhưng trong 8 đội có mặt tại tứ kết Asian Cup 2019, Việt Nam, Trung Quốc và UAE là 3 đội không có người nào chơi bóng ở nước ngoài. Khác với Việt Nam, giải vô địch Trung Quốc và UAE đều ở tốp đầu châu Á, có những CLB hùng mạnh và đang chơi tại AFC Champions League.
Khi tuyển Việt Nam bước ra châu lục, thế hệ Park Hang-seo đã chứng minh họ đủ sức chơi ngang ngửa, thậm chí đánh bại nhiều đội mạnh ở châu Á. Kết quả ấy là bằng chứng cho thấy cầu thủ Việt Nam không thua kém cầu thủ các nước quá nhiều về chuyên môn. Những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải có trình độ và đã chứng minh được ở tầm châu lục. Vị thế của tuyển Việt Nam lẽ ra phải giúp họ có mặt ở những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu lục.
Thực tế không được như vậy.
Tuyển thủ Việt Nam chứng tỏ được năng lực dưới màu áo đội tuyển nhưng tại các CLB, họ không thể hiện được khả năng của mình. |
Hậu Asian Cup 2019, ba cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, chỉ duy nhất một người thành công (Đặng Văn Lâm). Xuân Trường tiếp tục thất bại vì lý do thể lực, Công Phượng không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Nhưng hãy nhớ, Văn Lâm vốn trưởng thành từ môi trường bóng đá Nga, không phải là sản phẩm “made in Vietnam”. Những cầu thủ trưởng thành từ nội địa, những “sản phẩm” thực sự của hệ thống đào tạo Việt Nam dường như đều có lỗi, đều gặp vấn đề mỗi khi “xuất khẩu”.
Ở Asian Cup, ta đã chứng kiến Xuân Trường chuyền bóng xé tan hàng thủ Nhật Bản, Công Phượng đi bóng khiến hậu vệ Ngoại hạng Anh Maya Yoshida vất vả cản phá. Điều đó cho thấy cầu thủ Việt Nam có xu hướng chơi hay hơn khi khoác áo các đội tuyển quốc gia. Vẫn những con người ấy, họ chơi tốt hơn hẳn khi được đứng trong một tập thể thuần Việt, ăn ý, hiểu nhau, được thi đấu trong một hệ thống quen thuộc, được nhìn thấy “người nhà” ở mọi nơi.
Xuyên suốt lịch sử bóng đá Việt Nam, điều này đã được thể hiện khá nhiều lần. Tuyển Việt Nam tập hợp những cầu thủ trong nước đã nhiều lần làm nên chuyện ở sân chơi châu lục, nhiều lần vượt qua các giới hạn của nền bóng đá dưới triều đại Alfred Riedl, Toshiya Miura, Henrique Calisto và mới nhất là Park Hang-seo.
Đứng riêng lẻ, họ chỉ là những cầu thủ của vùng trũng bóng đá. Khi hợp lại, họ tạo thành một tập thể mạnh mẽ. Đó cũng là điều HLV Park Hang-seo đã nhận ra. Khi được hỏi về tính cách điển hình của cầu thủ Việt, ông Park nói “đoàn kết” là đặc trưng đầu tiên. Ông bảo: “Khi họ có mục tiêu rõ ràng, khát khao, quyết tâm của họ là vô cùng mạnh mẽ”.
Không nhiều cầu thủ Việt Nam có khả năng giao tiếp tiếng Anh như Đặng Văn Lâm. |
Điều họ còn thiếu
Lý do họ thất bại khi xuất ngoại có lẽ không chỉ nằm ở khía cạnh chuyên môn.
Đa số cầu thủ Việt Nam lớn lên cùng quả bưởi làm bóng như Lê Công Vinh, tập bóng để thoát nghèo như Bùi Tiến Dũng. Không nhiều người nghĩ tới những điều xa xôi như tỏa sáng ở nước ngoài. Với phần lớn cầu thủ Việt, được lên đội một, kiếm được vài bản hợp đồng, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài hay xa hơn được lên đội tuyển đã là một thành công lớn lao. Họ không được đào tạo, không được chuẩn bị cho những điều khác nữa.
Phan Văn Đức, ngôi sao chân đất điển hình của SLNA, từng được HLV Lee Young-jin căn dặn: “Thầy bảo tôi khi chơi bóng, em phải luôn đặt mục tiêu của mình lên phía trước, em phải phấn đấu để ra nước ngoài chơi bóng chứ không chỉ bằng lòng với việc thi đấu tại Việt Nam”.
Dù có đủ chuyên môn, cầu thủ Việt Nam vẫn thiếu nhiều kỹ năng phụ để tồn tại trong môi trường nước ngoài. Ngoài nhóm cầu thủ Gia Lai, phần lớn đội hình tuyển Việt Nam chỉ nói được vài câu tiếng Anh cơ bản. Suốt từ thời Công Vinh 2008 tới Văn Lâm 2019, người hâm mộ Việt Nam vẫn ồ lên kinh ngạc mỗi khi nhận ra một cầu thủ Việt có khả năng trao đổi trực tiếp với báo chí quốc tế.
Và nên nhớ, ngoại ngữ không phải thứ duy nhất họ cần trang bị. Dù bóng đá có chung một ngôn ngữ, vẫn còn vô vàn khía cạnh khác mà cầu thủ phải thích nghi, từ sinh hoạt, văn hóa, giao tiếp tới ẩm thực, thời tiết để trở thành một “công dân quốc tế”.
Hãy nhớ xem Đặng Văn Lâm, một cầu thủ Việt kiều, đã khó khăn như thế nào ngày mới trở lại V.League, ta sẽ thấy thử thách đang chờ những Quang Hải, Văn Hậu sẽ còn lớn gấp bội.
Lương Xuân Trường, khi trở về Việt Nam sau 2 năm ở Hàn Quốc, từng chia sẻ với Zing.vn: “Khi tôi mới sang Hàn, tôi là cầu thủ Việt Nam đầu tiên. Tất cả mọi thứ ở đây với tôi đều mới mẻ, tất cả đều thực sự khó khăn”.
Bàn về tình trạng ấy, HLV Alfred Riedl cũng chung nhận định: “Rất khó cho cầu thủ Việt Nam xuất ngoại bởi họ quá nặng tình, quá gần gũi với quê hương, đất nước, với gia đình, bạn bè. Tôi biết một trong những cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại là Lê Công Vinh. Tuy nhiên, cậu ấy đâu thể ở lại Bồ Đào Nha quá lâu”.
HAGL là CLB có ý thức rõ ràng nhất trong việc trang bị cho cầu thủ trở thành một “công dân quốc tế”. |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Khi rất nhiều cầu thủ xuất ngoại đều chưa thành công, vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở bản thân họ. Trang bị cho các cầu thủ vì thế cũng là nhiệm vụ của các CLB, của cả nền bóng đá.
Thành công của thế hệ Park Hang-seo đã tạo ra cơ hội tuyệt vời cho cầu thủ Việt Nam bước ra thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thủ Việt nhận được nhiều sự quan tâm từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả từ châu Âu. Cơ hội “vàng ròng” ấy sẽ không xuất hiện nhiều.
Trang bị từ chuyên môn tới kỹ năng, từ trái bóng tới ngoại ngữ, tri thức hay các kỹ năng tưởng như rất đơn giản như sử dụng máy tính, lựa chọn thực phẩm, ăn uống đúng cách, tất cả những điều đó không thể chỉ là trách nhiệm của cầu thủ. Những người như Quang Hải, Công Phượng, Văn Lâm đã làm tròn nhiệm vụ của họ trên thảm cỏ. Họ cần những bộ máy chuyên nghiệp, những ê kíp hỗ trợ từ chuyên môn tới truyền thông, bên lề.
Đã qua rồi thời đại của những nỗ lực đơn lẻ, tự hoàn thiện mình của cá nhân như Lê Công Vinh hay tập thể như HAGL.
Lưu ý, “tuổi xuất khẩu” của cầu thủ Việt Nam đang ngày càng giảm xuống. Công Vinh lần đầu ra nước ngoài năm 24 tuổi. Mốc tương tự của Công Phượng, Xuân Trường là 21, còn Đoàn Văn Hậu có thể là 20. Càng trẻ nghĩa là càng ít kinh nghiệm, càng ít kinh nghiệm nghĩa là vai trò của quá trình đào tạo, của định hướng ban đầu càng trở nên quan trọng.
Khi Văn Lâm, Xuân Trường sang Thái Lan thi đấu, họ đều được CLB chủ quản cấp cho một căn biệt thự, xe riêng, đầu bếp riêng. Đó là bằng chứng cho thấy người Thái hiểu sự hỗ trợ quan trọng thế nào với quá trình hòa nhập. Những ngôi sao lớn hơn, các nền bóng đá mạnh hơn thậm chí có một đội ngũ riêng, có những khóa học ngắn hạn dành cho các ngôi sao trước mỗi chuyến phiêu lưu.
Không ai biết được kỷ nguyên vàng của Park Hang-seo sẽ kéo dài bao lâu. Bởi thế, chúng ta càng cần tận dụng cơ hội này. Nếu cầu thủ Việt Nam tiến ra thế giới, nâng tầm trình độ và bước tới đẳng cấp cao hơn, bóng đá Việt Nam có điều kiện biến sự phát triển về lượng hiện tại thành sự thay đổi về chất. Có như thế, chúng ta mới tận dụng hết được thành công này, tạo được tiền đề đủ mạnh mẽ cho những bước nhảy vọt mới trong tương lai.
Đã đến lúc cầu thủ Việt Nam nhận được vị trí xứng đáng với vị thế của đội tuyển chúng ta - vị thế của đội bóng tốp 8 châu lục.