Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất xây cầu bộ hành, hầm chui trong sân bay Tân Sơn Nhất

Sở GTVT TP.HCM đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sớm nghiên cứu xây cầu bộ hành hoặc đường hầm nội bộ giải quyết ùn ứ cho sân bay.

Nhằm cải thiện tình trạng ách tắc giao thông nội khu sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 18/11, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sớm xây cầu bộ hành hoặc hầm chui trong sân bay.

Cầu đi bộ và đường hầm có vai trò kết nối thông suốt cho ga quốc nội và nhà giữ xe TCP; đồng thời, giúp giải quyết giao cắt giữa người đi bộ và dòng xe di chuyển trên các làn đường nội bộ A, B, C, D.

Tan Son Nhat anh 1

Đường nội khu sân bay cần có thêm cầu bộ hành hoặc hầm chui để giải tỏa xung đột xe và người đi bộ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về cơ sở hạ tầng của sân bay, Sở GTVT yêu cầu Cảng ưu tiên bổ sung thang máy để khách dễ di chuyển lên các tầng 1, 2, 3 đón xe. Hiện, sân bay chỉ có 2 thang, không đáp ứng kịp nhu cầu hành khách.

Tại các làn đường nội bộ, Sở GTVT đề nghị Cảng bố trí tăng cường gờ giảm tốc, báo hiệu an toàn và ghế ngồi ở khu vực đón xe... Mặt khác, Cảng cần sắp xếp nhiều lực lượng bảo vệ, hướng dẫn hành khách theo quy định phân làn mới.

Tan Son Nhat anh 2

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu sân bay bổ sung thang máy phục vụ khách vì 2 thang hiện hữu gần như quá tải. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đề nghị của Sở GTVT được đưa ra trong bối cảnh quy định phân làn ôtô tại sân bay Tân Sơn Nhất mới được áp dụng. Trong đó, làn A (khu vực sát nhà ga quốc nội) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay. Việc đón khách tại đây bị cấm.

Hai làn tiếp theo B và C dành cho các phương tiện đón khách ngoại trừ xe taxi, xe kinh doanh vận tải. Làn D nằm trong nhà xe TCP chỉ dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách. Riêng xe công nghệ phải di chuyển lên tầng 3-5 của nhà xe để đón khách.

Trao đổi với Zing, đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết sau 3 ngày áp dụng quy định mới, tuyến đường chính dẫn vào nhà ga không còn cảnh ùn tắc, hành khách đi, đến sân bay bằng ôtô có thể tiếp cận sảnh nhà ga nhanh hơn. Thậm chí tại làn B, C còn rất vắng vẻ vì lượng xe cá nhân đưa đón khách không nhiều.

Điểm bất cập là xe công nghệ (Grab Car, Be Car) với giá cước thường rẻ hơn taxi nhượng quyền, không còn được tiếp cận khách tại làn D nhà ga như các hãng taxi. Thay vào đó, các tài xế xe công nghệ phải đỗ xe từ tầng 3 đến tầng 5 của nhà để xe và đợi hành khách tự di chuyển lên.

Về vấn đề này, đại diện sân bay thừa nhận vị trí làn D chỉ dành cho các hãng taxi nhượng quyền dừng đón trả khách. Các hãng này đã ký hợp đồng với sân bay nên phải được hưởng quyền lợi tương ứng.

Trong hoàn cảnh cảng hàng không muốn bảo vệ quyền lợi cho các đối tác nhượng quyền, hành khách lại muốn tiếp cận dịch vụ vận chuyển giá rẻ... nhà chức trách hàng không có vai trò rà soát và điều chỉnh cho phù hợp.

Theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất cho phép phục vụ 25.000 lượt khách mỗi ngày và 25 triệu lượt khách mỗi năm. Nhưng 3 năm trở lại đây, sân bay rơi vào quá tải vì đón gần 40 triệu lượt khách mỗi năm.

Hành khách vác hàng leo 4 tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất Từ ngày 14/11, tài xế công nghệ phải đón khách ở tầng cao bên trong bãi đậu xe TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất. Hành khách phải đi bộ 4 tầng mới bắt được xe vì thang máy quá tải.

'Để khách vác hành lý leo thang bộ ở Tân Sơn Nhất là quá phản cảm'

"Một sân bay lớn chỉ vì muốn phân rạch ròi làn đón xe mà không đầu tư gì cho khách hàng thuận lợi rồi nói là do dân muốn thế thì thật thiếu trách nhiệm", độc giả Mai Anh bình luận.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm