Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất thu 'phí chia tay' khi xuất cảnh như BOT đặt nhầm chỗ

Chuyên gia cho rằng kiến nghị thu "phí chia tay" khi xuất cảnh với mục đích xúc tiến, quảng bá du lịch hay hỗ trợ hoạt động xuất, nhập cảnh là vô lý.

Thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 12/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đề xuất thu "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh với mức khoảng 3-5 USD/người mỗi lần.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh khi làm thủ tục để xuất cảnh, công dân đã trả lệ phí cho các thủ tục hành chính. Theo ông, việc yêu cầu đóng thêm một khoản phí dù rất nhỏ để bảo hộ công dân, nâng cao công tác xuất cảnh hay xúc tiến, quảng bá du lịch đều không hợp lý.

"Như BOT đặt nhầm chỗ"

TS Hiếu cho rằng việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của các Đại sứ quán và Nhà nước nên không thể đề xuất người dân đóng thêm một khoản phí khi xuất cảnh cho mục đích này.

Còn về mục đích đầu tư nâng cấp máy móc để đảm bảo việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn, ông Hiếu cũng cho rằng cơ quan chức năng đã có ngân sách dành cho việc đó nên không thể áp dụng thêm "phí chia tay".

phi chia tay khi xuat canh anh 1
TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định đề xuất thu thêm phí khi xuất cảnh là vô lý. Ảnh: Văn Hưng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch HanoiRedTours, khẳng định không thể lấy lý do tăng thêm ngân sách cho quỹ xúc tiến, quảng bá du lịch để đề xuất thu "phí chia tay".

"Tất cả loại phí khi đưa ra phải nói rõ mục đích sử dụng và phải gắn trực tiếp với người nộp, đem lại lợi ích cho họ và người liên quan. Nếu nói để làm quỹ thu hút khách du lịch vào Việt Nam thì không phù hợp, như "BOT đặt nhầm chỗ". Không thể bắt người Việt đi ra nước ngoài đóng phí để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam vì chuyện đó không liên quan tới họ", ông Hoan nói với Zing.vn.

Với câu hỏi nếu đề xuất này đi vào thực tế sẽ tác động ra sao đến hoạt động du lịch, ông Hoan cho biết bất kỳ một khoản thu nào liên quan đến khách hàng đều có ảnh hưởng. 

Ông cũng cho rằng nhiều người có thể chấp nhận đóng thêm phí khi xuất cảnh nhưng cơ quan chức năng phải chứng minh được khoản phí đó mang lại lợi ích cụ thể gì cho họ chứ không thể thu mà không rõ mục đích để làm gì.

Đánh giá chung về chính sách thuế, phí, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Tăng bất kỳ thuế, phí gì thì cơ quan công quyền phải có cơ sở, phải giải thích sử dụng phí đó để làm gì, giải trình kế hoạch sử dụng như thế nào. Chứ không thể làm theo kiểu thấy chỗ nào tăng được thì muốn tăng. Rất bất hợp lý".

Sáng 13/6, trước ý kiến trái chiều về nhiều loại phí cũng như tính khả thi trong thực tiễn khi đặt thêm "phí chia tay", đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, người đề xuất phí này, cho rằng nếu đóng thì không nhiều, "chỉ bằng bữa ăn sáng" của một người.

"Đó là mong muốn của tôi và tôi đề xuất ý tưởng như vậy. Còn câu từ hay cách thức thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, làm sao cho thuận tiện nhất. Mục đích cao nhất là làm sao công dân Việt Nam khi xuất, nhập cảnh được thuận lợi, khi ra nước ngoài được bảo vệ", ông Hưng chia sẻ.

phi chia tay khi xuat canh anh 2
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 13/6. Ảnh: Minh Quân.

Nhật Bản không thu phí khi xuất cảnh với công dân

Với trường hợp được đại biểu Nguyễn Quốc Hưng lấy ví dụ khi đề xuất thu "phí chia tay" là Nhật Bản, nước này áp dụng mức phí 1.000 yen (9 USD) với mọi khách du lịch quốc tế sau khi kết thúc chuyến đi tại Nhật Bản từ ngày 7/1. 

Tên đầy đủ của khoản phí này là "Thuế đối với khách du lịch nước ngoài" hay còn được gọi là "Sayonara Tax" (Phí tạm biệt).

Khoản phí này cũng chỉ áp dụng đối với khách du lịch nước ngoài, cơ quan này không đề cập đến thu phí đối với công dân Nhật. Riêng những người chỉ quá cảnh tại Nhật Bản và rời đi trong vòng 24 giờ cũng như em bé dưới 2 tuổi sẽ được miễn đóng phí.

"Khoản phí này sẽ giúp tạo môi trường thoải mái cho khách du lịch, nâng cao việc tiếp cận thông tin về các thắng cảnh và giúp khách du lịch khám phá nền văn hóa, tài nguyên thiên nhiên độc đáo của đất nước này", thông báo của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) ghi.

phi chia tay khi xuat canh anh 3
Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục chuyến bay ở sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Trên thế giới hiện có khoảng gần 40 nước thu phí khi xuất cảnh, trong đó một số quốc gia chỉ thu phí này với người ra nước ngoài bằng đường hàng không. Phí có thể thu trực tiếp ở sân bay hoặc được gộp vào giá vé máy bay.

Hầu hết quốc gia thu phí khi xuất cảnh nằm ở châu Á và châu Mỹ, trong khi rất ít nước châu Âu áp dụng loại phí này. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, có 6 nước thu phí xuất cảnh gồm Brunei, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Đề xuất thu ‘phí chia tay’ khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Quốc hội suy nghĩ về việc thu phí "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài, với mức 3-5 USD/người/lần.


Việt Đức

Bạn có thể quan tâm