Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đưa ra một đề xuất mới. Ông mong muốn cơ quan soạn thảo xem xét đưa quy định thu "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài vào luật.
Thu phí xuất cảnh để đầu tư cho du lịch?
Đại biểu đoàn Hà Nội lấy dẫn chứng năm 2018, Quốc hội Nhật Bản ban hành đạo luật, theo đó, mỗi công dân ra nước ngoài phải đóng "phí chia tay" khoảng 1.000 yen/người (hơn 9 USD). Nguồn thu từ đây được sử dụng để thực hiện một số dự án phát triển "công nghiệp không khói".
Cũng theo ông Hưng, Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm thu được khoảng 400 triệu USD từ việc thu phí. Sau đó, họ dùng chính nguồn tiền này để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh cho công dân tốt hơn, cũng như xây dựng hạ tầng giao thông, du lịch ở các vùng còn khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng. Ảnh: Quochoi.vn. |
Từ thực tế đã phân tích, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Quốc hội suy nghĩ việc thu phí "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài, với mức khoảng 3-5 USD/người/lần.
"Số tiền này nên trích một phần cho các cơ quan ngoại giao để có kinh phí bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân Việt Nam khi ra nước ngoài. Một phần khác giúp cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc và những việc khác để đảm bảo việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn", ông Hưng nói.
Ông còn đề nghị trích một phần số tiền thu "phí chia tay" cho vào quỹ xúc tiến phát triển du lịch, giúp cho việc quảng bá, đẩy mạnh sự phát triển của nền du lịch nước nhà.
Đề nghị cấm lợi dụng chức vụ để làm giả giấy tờ xuất cảnh
Trong khi đó, trước tình trạng nhiều trường hợp bỏ trốn trước khi bị khởi tố, các đại biểu đề nghị thắt chặt quy định cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nghi phạm tội.
Đề cập đến những hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng quy định này chủ yếu áp dụng với đối tượng là công dân có nhu cầu xuất nhập cảnh và cán bộ công chức thừa hành mà chưa điều chỉnh đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp.
Theo bà Khánh, đó mới là những người có quyền chỉ đạo cấp dưới và có quyền quyết định việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn. |
Vì không quy định nên dẫn đến một số vụ án xuất cảnh trái phép và bị truy nã quốc tế như vừa qua. “Tôi đề nghị bổ sung thêm một hành vi của người có chức vụ quyền hạn là lợi dụng chức vụ quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, xuất nhập cảnh trái quy định”, bà Khánh nói.
Nữ đại biểu của đoàn Hà Nội một lần nữa đề nghị Bộ Công an sớm xem xét, kết luận việc Hà Nội phối hợp với công ty Nhật Cường trong ứng dụng thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bà Khánh cho rằng phải làm rõ việc liên thông này có thực hiện được không, rồi tính cách khai thác để tránh lãng phí công sức của người dân và Nhà nước đã bỏ ra trong thời gian qua.
Đại biểu Dương Đình Thông. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đại biểu Dương Đình Thông (Đoàn Bắc Giang) cho biết các trường hợp bị tạm hoãn xuất nhập cảnh theo quy định gồm bị can, bị cáo, người bị tố cáo, người bị kiến nghị khởi tố…
Nhưng theo ông Thông, qua kiểm tra, xác minh nếu có căn cứ xác định một người nào đó bị nghi phạm tội và xét thấy cần ngăn chặn người này bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì cần tạm hoãn xuất cảnh.
“Tạm hoãn xuất cảnh với người thuộc diện tình nghi tội phạm là cần thiết nhưng quy định phải chặt chẽ, phù hợp với các luật có liên quan. Việc kiểm tra xác minh phải thực hiện bởi những cơ quan có thẩm quyền để tránh lạm dụng, vi phạm quyền cơ bản của công dân là tự do đi lại”, ông Thông góp ý.