Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất tăng thêm một phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được chỉnh lý theo hướng tăng thêm một phó chủ tịch HĐND thành phố. Theo đó, thường trực HĐND TP Hà Nội có không quá 11 thành viên.

Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành việc tăng số lượng phó chủ tịch HĐND TP.

Ý kiến khác cho rằng, quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND và cơ cấu của thường trực HĐND, ban của HĐND tại dự thảo luật là chưa bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

them pho chu tich HDND anh 1

Dự thảo Luật Thủ đô điều chỉnh theo hướng phân quyền mạnh mẽ hơn cho thành phố trong việc tổ chức bộ máy. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng số lượng phó chủ tịch HĐND và đổi mới cơ cấu tổ chức của thường trực HĐND, ban của HĐND TP là điều kiện cần cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND TP thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mới được phân quyền theo dự thảo luật.

Vì vậy, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định thường trực HĐND TP có không quá 11 thành viên (gồm chủ tịch HĐND, không quá 3 phó chủ tịch HĐND, các ủy viên) và đều hoạt động chuyên trách.

Các ban của HĐND TP có số lượng phó trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 2 người mỗi ban và có bộ phận chuyên trách để giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian ban không họp.

“Đây cũng là điểm đặc thù của Luật Thủ đô so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, cơ quan Thường trực của Quốc hội nêu.

Về ý kiến đề nghị bổ sung thêm 1 phó chủ tịch UBND TP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng cụ thể phó chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định.

Hiện tại, theo quy định, UBND TP đang được bố trí 5 phó chủ tịch và thêm 1 phó chủ tịch do thực hiện công tác luân chuyển cán bộ (nhiều hơn 1 người so với quy định chung) nên cơ bản đã đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.

Do đó, cơ quan Thường trực Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Mô hình chính quyền thành phố trực thuộc Thủ đô

Liên quan đến mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố, có ý kiến cho rằng, quy định trong dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa luật hóa được nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô.

Quy định trong dự thảo cũng chưa thể hiện được các chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò của mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung về thành phố thuộc thành phố trong dự thảo luật, để khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố thuộc thành phố sẽ quyết định nội dung này.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ ý nghĩa của việc thành lập thành phố thuộc thành phố và thành phố thuộc thành phố có tương đương với chính quyền ở quận; nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố có gì khác với chính quyền cấp huyện?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là đơn vị hành chính đô thị tương đương cấp huyện. Do đó, cơ sở pháp lý để thành lập thành phố thuộc thành phố đã đầy đủ.

Hà Nội trình phương án hoàn thành gần 400 km đường sắt đô thị

UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8 km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301 km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỷ USD.

https://vietnamnet.vn/de-xuat-tang-them-mot-pho-chu-tich-hdnd-tp-ha-noi-2285243.html

Quang Phong/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm