Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đề xuất sách là mặt hàng thiết yếu

Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành đề nghị đưa sách vào nhóm mặt hàng thiết yếu để phục vụ đời sống tinh thần người dân trong lúc giãn cách xã hội.

Sach la mat hang thiet yeu anh 1

Thanh Thảo (sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) đặt mua trực tuyến 6 đơn sách hôm 25/7. Đến ngày 12/8, gần 20 ngày trôi qua, Thảo vẫn chưa nhận được sách. Thông thường, mua sách qua các nhà phát hành, sàn thương mại điện tử mất 2-5 ngày sẽ nhận được. Trong bối cảnh giãn cách hiện tại, trường hợp của Thảo là phổ biến.

Trông chờ vào phát hành sách trực tuyến

Bài đăng về hiện tượng lâu nhận được sách khi mua online trên một diễn đàn của người thích đọc sách nhận được sự quan tâm của nhiều người. Các thành viên kể câu chuyện của họ, hoặc chậm hoặc không thể nhận được sách trong mùa giãn cách.

Trong khi ở nhà nghiêm chỉnh chấp hành giãn cách, nhiều người khao khát có sách đọc. Sách có thể là người bạn tinh thần, giúp giữ chân mọi người ở nhà trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Chúng ta ăn cơm, ăn bánh mì để nuôi dạ dày, nhưng não cũng cần món ăn tinh thần là sách. Vậy sách phải là mặt hàng thiết yếu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books

Sách khó lưu thông đã tác động trực tiếp tới hoạt động của các nhà xuất bản, công ty phát hành. Từ khi dịch bùng phát lần thứ tư, TP.HCM và Hà Nội - hai thị trường lớn của ngành sách - đã phải đóng cửa rất nhiều hiệu sách, hoạt động xuất bản cũng cắt giảm.

Đến đầu tháng bảy, Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) đóng cửa 80/117 nhà sách, doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đóng cửa 6 nhà sách, doanh thu chỉ còn 76% so với cùng kỳ năm 2020. NXB Trẻ đóng cửa tất cả cửa hàng sách của mình.

“Số doanh nghiệp và các cơ sở bán sách tạm dừng hoạt động tiếp tục tăng lên, đời sống của đại bộ phận nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có việc làm, nghỉ ở nhà, thu nhập không đáng kể”, trích báo cáo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong bối cảnh ấy, nhiều nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành trông chờ vào “chiếc phao” thương mại điện tử. Tuy chuỗi nhà sách đóng cửa, đội ngũ online của Fahasa vẫn hoạt động, nhận được đơn hàng, đặc biệt từ các trường học (chuẩn bị vào năm học mới).

Trong bối cảnh hiện tại, thương mại điện tử đóng góp lớn cho doanh thu Fahasa, mỗi tháng hơn 30 tỷ đồng. Các đơn vị xuất bản, công ty như Thái Hà Books, Nhã Nam, Alpha Books… cũng bán qua các nhà phát hành sách trực tuyến, đồng thời mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Sach la mat hang thiet yeu anh 2

Thời điểm khai trường đang đến gần. Sách được xem là mặt hàng thiết yếu sẽ giúp các đơn vị dễ dàng vận chuyển sách tới từng học sinh. Ảnh minh họa: Thu Thủy.

Phải xem sách là mặt hàng thiết yếu

Trông chờ vào bán sách trực tuyến là vậy, song trong tình thế hiện tại, việc vận chuyển sách gặp khó. Bà Phan Thị Thu Hà - Phó giám đốc NXB Trẻ - cho biết trước đây, nhà xuất bản vẫn có thể giao hàng qua một số đơn vị. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng, giờ đây, nhà xuất bản không thể giao sách đi các nơi được nữa.

“Do sách chưa được xác định là mặt hàng thiết yếu nên việc đưa sách đến bạn đọc rất khó khăn. Tuần vừa rồi, nhà xuất bản có khoảng 500 đơn hàng bán qua kênh online, nhưng không thể giao được sách, cứ chờ vậy. Đơn sách tồn đọng nhiều”, bà Phan Thị Thu Hà nói.

Ông Phạm Minh Thuận - Chủ tịch HĐQT Fahasa - cho biết hiện nay, sách không được coi là mặt hàng thiết yếu nên rất thiệt thòi trong khâu vận chuyển. Đến giờ, Fahasa vẫn có thể hợp tác với đối tác vận chuyển.

“Vì là hệ thống phát hành lớn nên chúng tôi có thể xin được một số giấy phép xanh để vận chuyển, nhưng vẫn gặp khó”, ông Phạm Minh Thuận nói.

Chỉ còn 2-3 tuần nữa là các trường vào năm học mới. Việc đưa sách đến trường rất khó.

Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Fahasa

Cấp bách hơn là vấn đề vận chuyển sách giáo khoa. “Chỉ còn 2-3 tuần nữa là các trường vào năm học mới. Vẫn còn hàng trăm tỷ cuốn sách giáo khoa đang nằm ở các kho. Việc đưa sách đến trường rất khó”, ông Phạm Minh Thuận nói.

Chủ tịch Fahasa thông tin đơn vị này đang đẩy mạnh dự án cung cấp sách và đồ dùng học tập đến tận nhà học sinh. Hiện nay, Fahasa nhận được rất nhiều đơn hàng đến các trường.

“Với đội ngũ công nghệ, chúng tôi có thể cá thể hóa, mỗi đơn hàng có thể được xác nhận, gửi đến từng nhà học sinh. Nếu coi sách là mặt hàng thiết yếu, việc vận chuyển sách đến từng học sinh sẽ thuận tiện hơn”, ông Thuận thông tin.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - hiện nay, ngành sách sống bằng kênh online. “Tôi nghĩ chúng ta nên đẩy mạnh ebook, audio book. Phát hành qua Fonos, chúng tôi đã thu được những đồng tiền đầu tiên từ sách nói”, Chủ tịch Thái Hà Books chia sẻ.

“Chúng ta ăn cơm, ăn bánh mì để nuôi dạ dày, nhưng não cũng cần món ăn tinh thần là sách. Vậy sách phải là mặt hàng thiết yếu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Nhật Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - cho rằng nhu cầu đọc sách khi đang giãn cách, cách ly tăng: “Trong không gian bốn bức tường của ngôi nhà, cần có sách làm bạn”.

Ông Nhật Anh nói nên coi sách là mặt hàng thiết yếu. “Đó là nút tháo gỡ quan trọng nhất cho ngành sách lúc này”, người đứng đầu công ty Nhã Nam nhận định.

Rất nhiều lãnh đạo nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành kiến nghị trong thời gian giãn cách này, nên coi sách là mặt hàng thiết yếu.

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - nói trong lúc khó khăn hiện nay, cần tập trung giải quyết ba vấn đề. Trong đó, vấn đề hàng đầu là sách phải được xem là mặt hàng thiết yếu.

Ông Lê Hoàng cho rằng các đơn vị trong ngành sách cần quyết tâm, tăng cường trao đổi online, cùng tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, tìm cách kiến nghị phù hợp.

Trong khi chờ sách được coi là thiết yếu, mỗi đơn vị trong ngành sách cần lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp. Tùy thuộc từng địa phương đang thực hiện giãn cách, cách ly ra sao để có thể lựa chọn hình thức giao hàng, vận chuyển, nhằm cung cấp sách đến tay người đọc.

Nhiều nước công nhận sách là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch

Giữa lúc thế giới đang phải lựa chọn đâu là ưu tiên trong thời kỳ đại dịch, một số quốc gia vẫn kiên định với việc quyết định sách là mặt hàng thiết yếu.

Ngành sách tìm hướng đi trong đại dịch

Để vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các nhà xuất bản, phát hành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tập trung kinh doanh trực tuyến.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm