Sáng nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) với nhiều điểm mới, như việc bổ sung một số hình thức trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước (TSNN), tổng giá trị TSNN đến 31/7 là 1.040.451,98 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng). Trong đó, tại các cơ quan Nhà nước hơn 281.000 tỷ đồng, các đơn vị sự nghiệp hơn 718.500 tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37.600 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án gần 3.200 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiên Dũng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Bộ trưởng Tài chính đánh giá công tác quản lý tài sản Nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài, do ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng chưa cao. Ngoài ra, công nghệ quản lý còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm cũng khiến việc quản lý tài sản Nhà nước bị buông lỏng.
Một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước hiện hành chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản khác, như: tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước; hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lcông cộng; đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác...
Nếu như Luật Tài sản Nhà nước năm 2008 có 6 chương 39 điều thì dự thảo Luật lần này có tới 10 chương 137 điều, mở rộng phạm vi điều chỉnh các loại hình tài sản, nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công. Từ xe công, đường xá, thậm chí cả vùng trời, vùng biển, hay tần số vô tuyến điện, cũng thuộc diện quản lý của Tài sản Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, hiện giá trị khai thác được từ tài sản Nhà nước mỗi năm là gần 100.000 tỷ đồng. Nhưng với luật sửa đổi lần này, dự kiến tới năm 2020 con số đó sẽ tăng thêm hơn 20%. Dự thảo cũng hướng tới giảm chi, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia khai thác đầu tư sử dụng hiệu quả tài sản công.
Người đứng đầu Bộ Tài chính nêu rõ, khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác.
Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, ôtô phục vụ chức danh và ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng chưa trình Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm, do “cần thêm thời gian nghiên cứu”.
“Chúng tôi muốn có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị thật chu đáo, nên đề nghị được thực hiện Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm kể từ năm 2018 đến hết năm 2020”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Thay vào đó, Bộ Tài chính trình Quốc hội định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Năm 2016, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Các khoản chi tiêu, trong đó có chi đầu tư xây dựng cơ bản cũng căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng này. Đến đầu tháng 10, Chính phủ dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,3-6,5%.
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,3-6,5% trong 3 tháng cuối năm phải cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều.
“Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2016, nhưng đến giờ cũng chưa lấy gì làm chắc chắn GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu, cân đối thu ngân sách thế nào. Cân đối ngân sách hàng năm đã vậy, còn cân đối 3 năm, 5 năm chắc chắn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều”, Bộ trưởng nhấn mạnh.