Lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Ảnh: Phạm Thắng. |
Tại hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, e ngại việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả như đề ra.
“Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu bia nhưng chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia khi có thể khiến hàng nhập lậu tăng. Người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu trong khi tầng lớp thấp hơn chuyển sang cơ chế tự cung, tự cấp, thậm chí bán lấy lãi”, bà Cúc nhận định.
Nguy cơ thất thu ngân sách
Về mục tiêu hạn chế tiêu thụ bia, rượu trong cộng đồng, chuyên gia thuế đánh giá đây là đích đến khó thực hiện. Thực tế, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn những tác động của chính sách mới đến hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội tư vấn thuế cũng đề nghị xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Luật Thuế TTĐB có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chính sách này sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, doanh thu lẫn lợi nhuận doanh nghiệp về trung và dài hạn, ảnh hưởng đến nguồn thu VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế.
Với tỷ lệ tăng cao và tiến độ điều chỉnh liên tục hàng năm như dự thảo, chuyên gia kinh tế khẳng định sản lượng của doanh nghiệp sẽ sụt giảm nặng nề, hậu quả là Chính phủ thất thu thuế. Do đó, cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam nhằm tránh gây sốc cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các phương án điều chỉnh thuế suất của Bộ Tài chính chưa rõ khả năng tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách nếu xem xét chung với các nguồn thu khác như thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân.
“Cần đánh giá toàn diện hơn và có bằng chứng cụ thể cả tích cực lẫn tiêu cực về tác động của thuế TTĐB với kinh tế - xã hội, từ đó hình thành cơ sở đảm bảo tăng thu ngân sách được bền vững”, chuyên gia chính sách nhấn mạnh.
Trong điều kiện môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước Covid-19, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi kết quả đạt được liệu có phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan.
Vị chuyên gia cũng đề xuất chỉ tăng thuế 1 lần vào năm 2026, sau đó giãn cách 2-3 năm để có thời gian đánh giá lại các mục tiêu lẫn tác động khác nhau thay vì tăng tuyệt đối vào năm 2030.
TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất tăng thuế theo từng giai đoạn để đánh giá kết quả đạt được. Ảnh: VBA. |
Liên quan tới vấn nạn rượu, bia bất hợp pháp tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết khoảng 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý. Đây chủ yếu là rượu thủ công do dân tự nấu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Tình trạng này không những gây lo ngại về sức khỏe người sử dụng mà còn gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, tạo gánh nặng cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý 153 vụ liên quan đến mặt hàng rượu với số tiền xử phạt 1,5 tỉ đồng và 38 vụ liên quan đến mặt hàng bia với số tiền xử phạt 587 triệu đồng.
“Đây thực sự là con số rất nhỏ so với thực tế”, vị Phó cục trưởng nhận định.
Ông Lê cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tiêu biểu như sự chênh lệch lớn về thuế giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp, chi phí tuân thủ hay xu hướng chấp nhận các sản phẩm bất hợp pháp của người tiêu dùng do thu nhập thấp, nhận thức kém, thông tin không rõ ràng, bị hấp dẫn do quảng cáo, xu hướng sính hàng ngoại xách tay.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030 đối với rượu trên 20 độ và bia. Với rượu dưới 20 độ, cơ quan này đề xuất mức thuế 50% từ năm 2026 và tăng lên cao nhất 70% vào năm 2030.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu bia còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.