Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đề xuất giảm thuế cho các nhà xuất bản

Trong đại dịch, nhiều nhà xuất bản rơi vào thế "thu không đủ bù chi". Họ kiến nghị giảm thuế, giảm mức đóng bảo hiểm, nhằm bớt đi gánh nặng, tìm cách vượt qua đại dịch.

Giam thue cho nha xuat ban anh 1

Gần hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, các nhà xuất bản, công ty hoạt động trong ngành sách, cũng như nhiều doanh nghiệp nói chung, đang gặp khó khăn.

Phát hành tê liệt, ngành sách gặp khó

Báo cáo tình hình sáu tháng đầu năm của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, nêu: Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm, có chỗ đã rơi vào khủng hoảng đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị sách tại Hà Nội và TP.HCM phải đóng cửa hoàn toàn.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho biết trong gần hai năm qua, doanh thu của đơn vị sụt giảm sâu. Những thời điểm giãn cách, doanh thu về 0 như các đợt giãn cách tháng 4/2020 hay tháng bảy, tháng tám hiện nay.

Sụt giảm doanh thu sâu ảnh hưởng các vấn đề đời sống của cán bộ, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Hiện nay, sách không được xem là mặt hàng thiết yếu nên dù có các đơn hàng, nhà xuất bản cũng không thể xuất đơn. Điều này khiến hàng hóa tồn đọng trong kho, ảnh hưởng việc quay vòng vốn trong sản xuất.

“Đây là thách thức lớn với một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và phải tự lo nguồn vốn sản xuất, kinh doanh; tự trả lương cho cán bộ như Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam”, bà Hoa Phượng nói.

Dù cố gắng thực hiện các biện pháp, ngành sách vẫn khó có nguồn thu trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học - thông tin trong những mảng sách không phải thiết yếu, sách văn học ít thiết yếu hơn, xếp sau sách giáo khoa và các mảng khác.

“Phát hành tê liệt rồi, phát hành trực tuyến cũng giảm sâu, dù chúng tôi đẩy mạnh truyền thông trên mọi kênh, quảng bá trên trang thương mại điện tử, mạng xã hội”, ông Vũ nói.

Là đơn vị có trụ sở ở TP.HCM, các hoạt động của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 hiện nay.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản - cho biết hồi đầu năm, các hoạt động bán sách vẫn còn túc tắc. Đến hơn một tháng nay, cửa hàng sách đóng cửa, bán sách trực tuyến cũng không thể thực thi vì khó giao hàng.

Khi các đơn vị bưu chính thông báo ngưng vận chuyển sách, hoạt động kinh doanh của nhà xuất bản đóng băng hoàn toàn. “Bây giờ, hoạt động kinh doanh ngừng hết rồi, chúng tôi chỉ còn làm bản thảo, biên tập để đó thôi, chứ không thể phát hành”, bà Thủy chia sẻ.

Nguồn thu duy nhất của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM lúc này là ebook. Kho sách điện tử của nhà xuất bản có khoảng 2.000 cuốn, đầu tư tiền bạc, công sức 10 năm nay nhưng chưa thể thu lời. Trong tình thế dịch bệnh hiện nay, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM thực hiện các gói ưu đãi cho bạn đọc vùng giãn cách, phong tỏa. Doanh thu của sách điện tử cũng rất nhỏ.

Hiện nay, lương, phụ cấp cho nhân viên nhà xuất bản đã cắt, giảm. “Mọi cái đang xử lý theo dạng tạm ứng. Nói chung tiền thu về không đủ bù chi”, bà Thủy cho biết.

Giam thue cho nha xuat ban anh 2

Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Quận đoàn quận Phú Nhuận tặng sách cho người dân khu cách ly hôm 16/7. Ảnh: TTXVN.

Đề xuất chính sách ưu đãi để vượt qua đại dịch

Để vượt qua khó khăn của đại dịch, các nhà xuất bản đã đưa ra những đề xuất cụ thể.

Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết hiện tại, cơ quan chủ quản chưa có biện pháp hỗ trợ với Nhà xuất bản Văn học. Ông kiến nghị cơ quan chủ quản cho vay nguồn vốn sản xuất, tạm thời chi trả lương nhân viên trong thời gian khó khăn này.

Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị VNPost hỗ trợ thêm phí vận chuyển sách trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

“Về thuế phí, năm 2020, chúng ta đã có một số ưu đãi cho ngành xuất bản, được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội giảm 0,5%, VAT được giãn nộp 6 tháng. Năm nay, dịch bệnh phức tạp hơn nhiều, đề xuất các nhà xuất bản được giảm tiếp thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức giảm lên 40-50%, bảo hiểm xã hội giảm 1-2%, hoãn nộp trong vòng sáu tháng đến một năm bảo hiểm xã hội”, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học nói.

Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp vì ngành xuất bản bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch Covid-19. Mặt khác, xuất bản là một ngành đặc thù.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng

Chung kiến nghị với Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021.

“Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đề xuất giảm 50% vì ngành xuất bản bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch Covid-19 do không bán được hàng trong các đợt giãn cách. Mặt khác, xuất bản cũng như báo chí, là một ngành đặc thù phục vụ công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là trong việc nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam thông qua các xuất bản phẩm… Sách là món ăn tinh thần thiết yếu cho người dân mùa dịch”, bà Phượng đề xuất.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng nên giảm lãi suất vay ngân hàng đối với các khoản vay (nếu có); tạo điều kiện để các nhà xuất bản tiếp cận các gói vay hỗ trợ lãi suất để trả lương cho cán bộ hoặc đầu tư vực dậy sản xuất, kinh doanh khi hết dịch.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng đề xuất một số chính sách đối với các nhà xuất bản như: Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội của quý III, IV đến cuối năm 2022; miễn nộp tiền thuê đất của năm 2020 và năm 2021; miễn giảm 100% tiền thuê gian hàng trong thời gian tạm dừng kinh doanh của năm 2021.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy đề xuất những chính sách, biện pháp thiết thực. Ví dụ, hàng năm, hệ thống thư viện có ngân sách đặt hàng ở các nhà xuất bản, thì nên duy trì việc đặt sách này.

Hiện nay, ngành sách chỉ có thể trông chờ vào chiếc phao cứu sinh là phát hành trực tuyến. Nhưng lĩnh vực này cũng rất hạn chế do điều kiện giãn cách.

Nếu sách được xem là mặt hàng thiết yếu, điều này không chỉ giúp các nhà xuất bản lưu thông bán sách; mà về lâu dài còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách vở trong đời sống văn hóa, tinh thần.

Ngành sách tìm hướng đi trong đại dịch

Để vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các nhà xuất bản, phát hành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tập trung kinh doanh trực tuyến.

Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng hóa thiết yếu

Chiều 16/8, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, có văn bản kiến nghị đưa sách giáo khoa và sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe vào nhóm hàng hóa thiết yếu.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm