Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách là mặt hàng thiết yếu của người dân trong mùa dịch

Thạc sĩ Thái Thu Hoài cho rằng sách là hàng hóa rất cần thiết, góp phần ổn định tâm lý người dân trong đại dịch.

Dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư khiến nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều hoạt động ngưng trệ, người dân hạn chế ra khỏi nhà, trừ khi mua nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Những mặt hàng vật chất thiết yếu cần thiết được luân chuyển. Tuy nhiên, vấn đề hàng thiết yếu về mặt tinh thần cũng thực sự quan trọng, trong đó có sách.

Sach la mat hang thiet yeu anh 1

Nhiều đơn hàng sách của Nhã Nam bị hoàn trả vì không gửi đến được độc giả ở vùng dịch. Ảnh: Nhã Nam.

Tầm quan trọng của sách trong đại dịch

Thạc sĩ Thái Thu Hoài - Phó trưởng khoa Xuất bản, phát hành, ĐH Văn hóa TP.HCM - cho rằng sách góp phần giải tỏa tâm lý căng thẳng trong tình hình dịch bệnh, là nhu cầu rất cần thiết để góp phần ổn định tâm lý người dân.

"Sách góp phần kéo họ ra khỏi sự lo lắng của những tin tức không chính thống, những tin tức gây cảm giác tiêu cực, căng thẳng tâm lý, hoang mang tinh thần dẫn đến việc mất phương hướng", bà Hoài nói.

Những ngày này, sách giúp giữ chân người dân ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội tốt hơn. Sách đóng vai trò kết nối, đánh thức đam mê tìm hiểu, làm động lực chuẩn bị cho những hoạt động khi trở lại cuộc sống bình thường.

Đồng cảm về vai trò của sách trong bối cảnh hiện tại, bà Võ Thiên Hương - phụ trách truyền thông NXB Kim đồng - bày tỏ sách là sản phẩm văn hoá thiết yếu về mặt tinh thần, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Người dân có nhiều thời gian hơn với sách.

"Tại sao không tạo điều kiện để sách đến tay độc giả như món ăn tinh thần thiết yếu để nâng cao văn hóa đọc và kiến thức, cũng như bớt bị chi phối bởi các thông tin sai lệch vẫn còn trên mạng xã hội", bà Hương nêu vấn đề.

Sach la mat hang thiet yeu anh 2

Sách được Thành đoàn TP.HCM và Hội Xuất bản Việt Nam tặng người dân ở khu cách ly. Ảnh: Thành đoàn TP.HCM

Sách nên là mặt hàng thiết yếu nuôi dưỡng tinh thần

Nhận định vai trò quan trọng về mặt tinh thần của sách là thế, nhưng thực tế hiện nay, sách chưa được xem là mặt hàng thiết yếu. Dù nhà xuất bản, công ty sách nhận được số lượng đơn hàng sách trực tuyến nhiều hơn trước, khâu vận chuyển bị ách tắc, sách không đến được với người mua hoặc bị hoàn trả.

Là độc giả thường xuyên mua sách, anh Cường Chung (quận 5, TP.HCM) cho biết nhà sách không thể giao hàng đến địa chỉ của anh, vì sách không thuộc danh mục hàng thiết yếu.

Cùng cảnh ngộ đó, bạn Trinh Nguyễn (Đại học Kinh tế TP.HCM) không thể nhận hàng khi mua sách tham khảo cho môn học. Lý do là nơi bạn ở đang ở khu vực bị phong tỏa.

"Với cương vị người làm sách, tôi mong các cơ quan chức năng xem sách như loại mặt hàng thiết yếu để người dân mua được dễ dàng hơn", bà Thiên Hương đề xuất.

Tại sao không tạo điều kiện để sách đến tay độc giả như món ăn tinh thần thiết yếu để nâng cao văn hóa đọc và kiến thức, cũng như bớt bị chi phối bởi các thông tin sai lệch vẫn còn trên mạng xã hội.

Bà Võ Thiên Hương

Thạc sĩ Thu Hoài cũng cho rằng nên đưa sách vào danh mục hàng thiết yếu, kinh doanh sách được xem là dịch vụ thiết yếu. Theo đó, sách được lưu thông đến tay người dân.

Các nhà sách có thể thiết lập hệ thống cung ứng hàng trực tiếp và trực tuyến trên nguyên tắc thiết lập “Đường dây xanh” riêng, độc lập với các mặt hàng khác, chịu sự kiểm soát an toàn dịch qua việc kiểm tra bằng thẻ xanh cho nhân viên, thẻ xanh cho sách và cung ứng sách đúng quy định giãn cách.

Nên thiết lập mạng lưới cung ứng "sách xanh” cho các chốt bảo vệ như một nhà sách lưu động phục vụ cộng đồng dân cư trong khu vực giãn cách. Sách trao đổi sẽ được khử khuẩn theo đúng quy định của ngành y tế trước khi chuyển giao người sử dụng, đảm bảo tốt các nguyên tắc chống dịch.

Cũng theo thạc sĩ Thu Hoài, những loại sách phục vụ cho học tập, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo với học sinh, sinh viên, sách y học thường thức, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chăm sóc sức khỏe tại nhà, sách về chế độ dinh dưỡng... cần được nhanh chóng đưa đến với người dân.

Ngoài ra, độc giả cũng nên đọc những sách văn học, nghệ thuật thể loại tâm lý lứa tuổi, các thể loại sách giải trí, truyện ngắn và sách thiếu nhi...

Giữa đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn kiên định sách là mặt hàng thiết yếu, liều thuốc tinh thần quý giúp người dân của họ vượt qua dịch bệnh. Hoạt động kinh doanh sách trực tuyến vẫn được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện tối đa.

"Chúng ta cần phải đặt sách vào đúng vị trí, thấy được tầm quan trọng của sách, là món ăn tinh thần không thể thiếu, từ đó để có chính sách thích hợp trong điều kiện mới, nhằm đảm bảo đời sống tinh thần của người dân trong tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay", bà Hoài nói.

Đề xuất sách là mặt hàng thiết yếu

Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành đề nghị đưa sách vào nhóm mặt hàng thiết yếu để phục vụ đời sống tinh thần người dân trong lúc giãn cách xã hội.

Đình Ba

Bạn có thể quan tâm