Ngành sách tại Nhật Bản thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ các nhà xuất bản lớn cho đến hiệu sách độc lập vẫn tìm cách để thích nghi và giải quyết khó khăn.
"Đại dịch đã làm chúng tôi bối rối trong khoảng thời gian đầu, nhưng rồi mọi người tìm cách thích nghi. Với rất nhiều người, sách là điều không thể thiếu, nhất là trong lúc này", Yoshio Tsujiyama, chủ hiệu sách tại Tokyo, chia sẻ trên nhật báo Yomiuri Shimbun.
Sách vẫn là một trong những nhu cầu hàng đầu của người Nhật trong đại dịch. Ảnh: The Japan Times. |
"Sách là nhu cầu thiết yếu của mọi người"
Bên trong hiệu sách Shubundo ở khu mua sắm Suginami-ku (Tokyo), ông Go Takahata đang ngồi tính toán doanh thu nửa đầu năm 2021. Ông vui mừng khi doanh số đã bắt đầu tăng trở lại. Sách nghiên cứu, văn học lẫn truyện tranh, tạp chí đều bán chạy. Đặc biệt, sách và dụng cụ thư pháp tăng gấp 5 lần bình thường.
"Nhu cầu của người mua hàng vẫn rất lớn. Lúc giãn cách xã hội, tôi ngần ngại mở cửa tiệm vì sợ lây nhiễm nên đã chuyển qua bán online, lượng đơn hàng đổ dồn liên tục", ông Go Takahata nói.
Cùng trong khu mua sắm Suginami-ku, hiệu sách của ông Yoshio Tsujiyama vẫn đón khách đến mua giữa lúc đại dịch. Cửa hàng của ông Tsujiyama đáp ứng cả người đến mua trực tiếp lẫn đặt qua trực tuyến.
"Cửa hàng của tôi vẫn mở, dù thường xuyên không có người đứng quầy, khách hàng vẫn đến mua rồi tự động thanh toán. Sách là nhu cầu thiết yếu của mọi người, tôi nghĩ cửa hàng của mình đã giúp đỡ được nhiều người trong mùa đại dịch này", Yoshio Tsujiyama bày tỏ.
Sách là nhu cầu thiết yếu của mọi người, tôi nghĩ cửa hàng của mình đã giúp đỡ được nhiều người trong mùa đại dịch này.
Ông Yoshio Tsujiyama
Thống kê từ Viện Nghiên cứu Xuất bản của Hiệp hội Nhà xuất bản Sách và Tạp chí Nhật Bản cho thấy tổng doanh thu ước tính cho các ấn phẩm báo in và điện tử vào năm 2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, lên xấp xỉ 1.600 tỷ yên (14,6 tỷ USD).
Điều này cho thấy sức mua của khách hàng trong đại dịch có sự tăng trưởng, thậm chí là tăng hơn so với thời điểm trước dịch. Theo Viện Nghiên cứu Xuất bản, sự bùng nổ của manga Kẻ giết quỷ: Kimetsu no Yaiba đã góp phần nào nâng cao doanh số xuất bản vào năm 2020, bao gồm cả ấn bản in và ấn phẩm kỹ thuật số.
Viện Nghiên cứu Xuất bản cũng đưa ra nhận xét việc phải giãn cách xã hội, dành thời gian ở nhà thường xuyên khiến sách trở thành nhu cầu thiết yếu giữa đại dịch.
Một cuộc khảo sát độc lập được Japan Trend Research thực hiện đầu năm 2021 với gần 2.000 người về việc mua sách trong thời điểm đại dịch. Kết quả là 14,1% cho biết họ tăng lượng mua, trong khi 75,5% không thay đổi và 10,4% nói mua ít sách hoặc tạp chí hơn.
Lý do được người Nhật Bản đưa ra cho việc mua sắm sách nhiều hơn bởi họ dành thời gian ở nhà, nhu cầu mua sắm hàng hóa khác cũng giảm bớt thời đại dịch.
Tìm giải pháp gỡ khó
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng trong thời điểm đại dịch, từ các nhà xuất bản hay phát hành lớn cho đến hiệu sách độc lập đều nghĩ giải pháp để cải thiện việc kinh doanh.
Các cửa hiệu vẫn mở cửa và thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, hạn chế thanh toán tiền mặt. Nhiều nơi mua cả máy khử trùng sách bằng tia UV để khách hàng có thể khử khuẩn trước khi mang chúng về nhà.
Thậm chí, nhiều chủ hiệu sách vì muốn hạn chế việc tiếp xúc, đã quyết định "mở cửa một nửa", nghĩa là không có nhân viên hoặc người bán phục vụ khách hàng.
Người muốn mua sách tìm đến cửa hàng, chọn sách và tự thanh toán bằng cách đặt tiền mặt vào chỗ quy định hoặc quẹt thẻ rồi rời đi. Toàn bộ quá trình mua sách thực hiện bằng sự chỉ dẫn của các thông báo treo ở tiệm.
Máy khử bằng tia UV được các hiệu sách và thư viện ứng dụng tại Nhật. Ảnh: Yomiuri Shimbun. |
Masanobu Ishizuka, biên tập của một nhà xuất bản tại Nhật, chia sẻ trên Yomiuri Shimbun: "Nhu cầu đọc sách của mọi người gia tăng, cả sách về cuộc sống, tiểu thuyết viễn tưởng lẫn các sách y học đều có số lượng đặt hàng lớn qua Internet".
Các nhà xuất bản ở Nhật Bản không bán trực tiếp cho các cửa hàng mà sử dụng nhà phân phối lớn như Amazon. Nhiều tựa sách ghi nhận số lượng đặt hàng lớn, thậm chí vượt mức số lượng sách vừa được in, dẫn đến tình trạng một số hiệu sách đã đặt trước vẫn không có sách để bán.
Mặt khác, việc giao hàng thông qua các kênh phân phối lớn phần nào bị tắc nghẽn do quá tải, các nhà xuất bản đã phải tìm kiếm các lựa chọn khác.
Nhà xuất bản Akishobo Inc. có trụ sở tại Tokyo, đã mở cửa hàng trực tuyến của riêng mình và bắt đầu bán sách trực tiếp cho độc giả.
Một nhân viên của Akishobo trả lời trên The Japan Times: "Chúng tôi muốn tìm cách mới để kết nối độc giả với sách, khi các kênh phân phối không đảm bảo được việc này, chúng tôi phải tự làm".
Các hiệu sách độc lập cũng bắt đầu mở nhiều kênh online phân phối sách. Khách hàng có thể mua sách trên website riêng của cửa hàng hoặc gửi yêu cầu mua sắm qua mail cho các hiệu sách.
Việc giao sách tại Nhật cũng không giới hạn, được thực hiện thông qua đơn vị giao hàng để mang đến cho khách. Bên cạnh, để chủ động, các nhà xuất bản hoặc đơn vị kinh doanh cũng tự lập đội ngũ giao hàng riêng.
Ông Daikichido, người sở hữu một hiệu sách độc lập tại Osaka, trả lời báo Yomiuri Shimbun: "Tôi bán qua mọi kênh từ website riêng, mail cho đến các mạng xã hội như Twitter, Facebook... Khách hàng cũng không quá câu nệ trong thời gian này nếu việc giao hàng có đôi chút chậm trễ. Tôi thấy vui khi vẫn kinh doanh được trong thời điểm này".