Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất cho bán thuốc điều trị Covid-19 đại trà

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM hy vọng không lâu nữa, thuốc điều trị phong phú, không khan hiếm như vừa qua thì sẽ được bán đại trà.

Thuốc điều trị Covid-19 sẽ được bán đại trà khi sản xuất trong nước Ông Tăng Chí Thượng cho biết 2 công ty nắm bản quyền thuốc điều trị Covid-19 đã đồng ý nhượng quyền cho Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Y tế xem xét cấp phép sản xuất trong nước.

Sáng 8/12, HĐND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 2 của kỳ họp thứ 4 với phần thảo luận và phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai.

Số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng dần

Báo cáo với HĐND TP.HCM đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thông tin từ ngày 1/10, TP.HCM bỏ giãn cách thì số ca mắc, ca nặng và tử vong giảm khá rõ so với giai đoạn bùng phát trước đó. Tuy nhiên, từ 20/10 tới nay, số ca mắc, ca nặng cũng như ca tử vong có dấu hiệu tăng dần.

TP đang quản lý và chăm sóc 85.351 F0. Trong đó, 66.564 F0 đang điều trị tại nhà, 5.295 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84,2%; tại tầng 2, số F0 đang điều trị là 11.692 trường hợp, chiếm 13,7%; tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 trường hợp, chiếm 2,1%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn.

“So với đầu tháng 9, khi dịch bùng phát dữ dội, TP.HCM khi đó có 154.550 F0, giờ là 85.000 F0. Số F0 thời điểm đó đang điều trị tại nhà chiếm 58%, tầng 2 - 25%, tầng 3 - 18%. Khác biệt là số cách ly tại nhà hiện nay rất nhiều. Ngày cao điểm nhất, TP.HCM có 1.058 F0 rất nặng, phải thở máy; hiện, TP.HCM có 400 ca thở máy”, ông Tăng Chí Thượng so sánh.

phien chat van cua HDND TP.HCM anh 1

Toàn cảnh kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 4. Ảnh: Phạm Ngôn.

Qua các con số này, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ số ca mắc đang ở xu hướng tăng dần 3 tuần vừa qua. Cụ thể, ngày 12-18/11, TP.HCM có 8.432 ca mắc mới; ngày 19-25/11, TP.HCM có 8.721 ca mới; ngày 26/11-2/12, TP có 9. 301 ca mới.

Ông Thượng nhận định điều này không bất ngờ khi TP mở cửa trở lại với các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc tăng. Hiện, đánh giá cấp độ dịch của TP vẫn ở cấp 2 dù số ca mắc tăng.

Tuy nhiên, về phía y tế, ông Thượng đưa ra cảnh báo TP vẫn đang ở giai đoạn dịch, có giai đoạn tạm kiểm soát được nhưng đáng lo ngại khi số ca mắc, ca nặng và tử vong tăng nhẹ. Mỗi ngày, TP vẫn ghi nhận số ca tử vong chứ chưa trở lại bình thường như trước đây.

Lập quy trình xử lý F0 trong tình hình mới

Về kiểm soát dịch, trước diễn biến phức tạp, TP đã tăng cường hoạt động kiểm soát dịch tại từng địa bàn và quận, huyện; xây dựng quy trình xử lý F0 thích ứng với tình hình mới, gồm kiểm soát tại cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, tại cộng đồng và trường học.

Thứ 2, TP tăng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu hàng không, hàng hải, đặc biệt từ vùng xuất hiện biến chủng Omicron.

Thứ 3, Sở Y tế tăng cường quản lý F0 tại nhà, lập tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động và đã tổ chức 382 trạm để hỗ trợ các địa phương. TP cũng xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong quản lý F0 tại nhà, rõ ràng về trách nhiệm của từng bộ phận, cơ sở. Sở cũng phân bổ thuốc đặc trị cho F0 có triệu chứng, phối hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

Thứ 4, về công tác điều trị, sở xây dựng kịch bản 7 tình huống tương ứng với số F0 tăng dần. Ngành y tế duy trì bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và dã chiến. Thành phố lập thêm bệnh viện quận, huyện để bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực bệnh viện tầng 2-3 và xây dựng mô hình 3 tầng trong một bệnh viện, phân luồng để chuyển tuyến dễ dàng, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19.

Thứ 5, ngành y tế đang tổ chức hội nghị trực tiếp với cấp quận, huyện để triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ.

Theo ông Thượng, khi phân tích ca tử vong thì điểm chung là tập trung ở người cao tuổi (trên 90% là trên 50 tuổi); có bệnh nền, phổ biến là tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận gan và điều trị ung thư; người chưa tiêm vaccine (52-54% hoàn toàn chưa tiêm vaccine).

Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ tập trung vào 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhóm này bằng cách tiêm vaccine (tiêm đủ, tiêm bổ sung, tiêm nhắc); tăng cường 5K. Thứ 2 là phát hiện điều trị sớm và theo dõi từ xa với các giải pháp như đi từng ngõ, gõ từng nhà; cập nhật danh sách nhóm nguy cơ…

phien chat van cua HDND TP.HCM anh 2

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn sáng 8/12. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại biểu Phạm Văn Rậm chất vấn Giám đốc Sở Y tế rằng theo báo cáo, số lượng nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc gần đây đáng lo ngại, ngành y tế đã tham mưu, có chính sách gì để thu hút nguồn nhân lực tiếp tục công tác trong bối cảnh dịch đang phức tạp.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết hiện nay việc phân bổ nhân lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ở TP, gần như ở mức thấp nhất, khoảng 2,3 nhân viên y tế/10.000 dân.

Do đó, ngành y tế xây dựng đề án, đề xuất cơ chế chính sách nâng cao năng lực y tế. Cụ thể là chính sách giữ chân nhân viên y tế, để nhân viên y tế yên tâm công tác.

“Nhân viên y tế kiệt sức, hơn 8 tháng họ không được nghỉ ngơi với mức thu nhập quá thấp”, ông nói và cho biết trước mắt ngành y tế có chính sách hỗ trợ thu nhập.

Thứ 2 là chính sách thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các tuyến cơ sở. Theo luật, bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ về các bệnh viện quận, huyện công tác thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Chúng tôi kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ về các tuyến y tế cơ sở thực hành 12 tháng và 6 tháng tại bệnh viện, rút ngắn thời gian. Nếu được thông qua, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ đến các trạm y tế.

Để các bác sĩ an tâm, ngành y tế đề xuất TP hỗ trợ mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng khi thực hành công tác.

Thứ 3 là tăng định viên cho trạm y tế. Hiện tại, dân số ở mỗi phường, xã trên địa bàn rất khác nhau. Tuy nhiên, biên chế trạm y tế vẫn như nhau, điều này rất bất cập.

Theo ông Thượng, đối với các trạm y tế, ngoài lực lượng bác sĩ, các trạm này rất cần thêm hộ lý, bảo vệ, nhân lực khác… Ngoài ra, lực lượng nhân viên y tế công cộng cũng rất cần thiết.

Xử phạt F0 mắc bệnh nhưng không khai báo

Linh mục Trần Quang Vinh đặt câu hỏi về việc hiện nay có tình trạng F0 rất nhiều nhưng tự chữa, không khai báo vì nhiều yếu tố như nếu khai thì ảnh hưởng đến công việc.

“Việc này khiến không đảm bảo phòng bệnh cho người xung quanh cũng như ảnh hưởng tới cuộc sống của người nhiễm. Sở Y tế có cách nào phát hiện và giúp nhóm này nhận thức được vấn đề để phòng chống dịch tốt hơn?”, linh mục chất vấn.

phien chat van cua HDND TP.HCM anh 3

Linh mục Trần Quang Vinh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng chia sẻ không giống trước đây, F0 được phát hiện qua xét nghiệm từng đơn vị, còn hiện chỉ xét nghiệm đối tượng nghi ngờ. Ông Thượng thừa nhận có tình trạng người dân tự phát hiện nhiễm bệnh qua xét nghiệm nhanh nhưng không khai báo do lo ngại phiền phức. Số F0 này vẫn lưu thông, đi làm gây nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

Ông Thượng cho rằng thứ nhất, công tác truyền thông phải được ưu tiên để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm mỗi công dân trong phòng chống dịch.

Thứ hai là tăng cường quy chế phối hợp trong quản lý F0 trên địa bàn. Ngày 25/11, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định quy chế phối hợp, quản lý, tổ chức, chăm sóc F0 tại nhà và cơ sở thu dung điều trị. Quy chế này nêu rõ công việc, trách nhiệm của từng bộ phận, Sở Y tế, HCDC, Trung tâm Y tế, trạm y tế, trạm y tế lưu động, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn. “Nếu tất cả đơn vị làm tốt thì chắc chắn có hiệu quả”, ông nói

Thứ 3 là tăng cường kiểm tra, xử phạt bởi chỉ trông vào ý thức là rất khó. Ngành y tế sẽ tham mưu và triển khai quy định về xử phạt theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. F0 đã biết bệnh nhưng không khai báo, gây ảnh hưởng tới người khác sẽ bị xử lý.

Đề xuất bán thuốc điều trị Covid-19 tại quầy

Đại biểu Đặng Quốc Toàn đặt câu hỏi khi nào thuốc điều trị Covid-19 được bán rộng rãi tại quầy thuốc, tạo sự chủ động cho bác sĩ, người dân.

Trả lời vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng nhắc lại giai đoạn đầu, F0 điều trị tại nhà nhưng chưa có thuốc nên ngành y tế rất bối rối, số ca ở nhà trở nặng rất nhiều.

phien chat van cua HDND TP.HCM anh 4

Đại biểu Đặng Quốc Toàn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Còn hiện nay, hầu hết người dân được tiêm vaccine, thuốc điều trị cũng đã có, đặc biệt là thuốc kháng virus (Molnupiravir) đã chứng minh hiệu quả sau thời gian thử nghiệm. Gần đây, thị trường có thêm loại thuốc điều trị Covid-19 của Mỹ do Pfizer sản xuất đã chứng minh hiệu quả. Đặc biệt, ông Thượng cho biết 2 công ty nắm bản quyền đã đồng ý nhượng quyền cho Việt Nam. Bộ Y tế thời gian tới xem xét cấp phép sản xuất trong nước.

“Hy vọng không lâu nữa, thuốc điều trị phong phú và không khan hiếm như vừa qua”, ông Thượng kỳ vọng.

Giám đốc Sở Y tế cũng mong muốn Bộ trưởng Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép bán thuốc điều trị Covid-19 đại trà. Khi đó, người dân có thể đến hiệu thuốc mua và tự uống như thuốc cảm cúm bình thường.

Về thuốc Molnupirvir, ông Thượng cho biết TP vừa tiếp nhận bổ sung 25.000 liều hôm qua và Sở Y tế đã phân bố ngay cho các địa phương. “Số này cũng chưa đủ nên chúng tôi kêu gọi ưu tiên cho nhóm nguy cơ”, ông Thượng cho hay.

Đại biểu HĐND, cử tri muốn chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM nội dung gì?

Người dân TP.HCM mong chính quyền sớm có câu trả lời cho kế hoạch trở lại trường của học sinh lớp 1. Các vấn đề về phục hồi kinh tế, phòng chống tham nhũng cũng được họ quan tâm.

2022 - nam phuc hoi cua TP.HCM hinh anh

2022 - năm phục hồi của TP.HCM

0

GRDP năm 2021 giảm gần 13% so với chỉ tiêu đề ra, tuy vậy, UBND TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6-6,5%. Chuyên gia kinh tế đánh giá chỉ tiêu này khả thi.

Thu Hằng - Thư Trần

Ảnh: Phạm Ngôn

Bạn có thể quan tâm