Phát biểu tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X diễn ra sáng 7/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
Ông cho biết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xác định chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị cũng đã thống nhất đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6% đến 6,5%.
HĐND TP cần giám sát thực chất
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng tăng trưởng GRDP 6-6,5% là chỉ tiêu phấn đấu rất cao, thể hiện quyết tâm rất lớn trong bối cảnh của thành phố nhằm đáp ứng sự khát khao hồi phục và phát triển thời gian tới.
"HĐND cần cụ thể hóa bằng những giải pháp hiệu quả", Bí thư TP.HCM nói.
Năm 2022, phương hướng của TP là triển khai chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, gắn với chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược, kế hoạch khác.
Ông đề nghị HĐND quan tâm thảo luận cụ thể việc xây dựng và triển khai chiến lược y tế, trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; tăng cường nhân lực y tế; nâng cao ý thức xã hội về phòng, chống dịch.
Về Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị, ông đề nghị đổi mới hình thức, phương thức giám sát, bảo đảm tính thực chất.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (trái) trao đổi với nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trước kỳ họp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nhận định TP đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn do đại dịch, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ TP.HCM đặt quyết tâm chính trị rất cao khi đề xuất mức tăng trưởng từ 6 đến 6,5%.
Song, ông cũng nhắc nhở tình hình dịch bệnh hiện diễn biến phức tạp trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Đại biểu HĐND cần dành thời gian quan tâm bàn từng giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của toàn dân, triển khai kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và chuyển quyết tâm chính trị của thành phố thành hiện thực.
"Tôi có niềm tin rằng cả hệ thống chính trị và người dân thành phố sẽ đồng tâm, hiệp lực, nhất định vượt qua khó khăn trước mắt, thực hiện tốt việc kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, từng bước đưa TP.HCM trở lại với nhịp độ phát triển bình thường vốn có", ông nói.
Năm 2022, TP phấn đấu đạt tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, chia sẻ qua 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại TP cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại.
"Đây là kỳ họp rất quan trọng để chúng ta đánh giá toàn diện những nỗ lực, cố gắng của TP trong thời gian qua, đồng thời, tìm ra hướng đi mới phù hợp trong tình hình hiện nay", bà Lệ nhận định.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2022, TP đề ra 20 chỉ tiêu. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6-6,5%, duy trì tỷ trọng dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
UBND TP.HCM đưa ra 7 giải pháp, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”. Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung khắc phục gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công…
Về xã hội, TP.HCM sẽ tập trung chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, nhà ở cho người dân. Trong năm 2022, TP đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho 140.000 người lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế...