Trải qua 2 năm hứng chịu nhiều tổn thương cả về y tế, kinh tế và xã hội, mục tiêu năm 2022 của TP.HCM có thể gói gọn trong 3 chữ: Năm phục hồi.
Năm 2021, đại dịch gần như "nhấn chìm" sự phát triển kinh tế của TP khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính bị kéo xuống -6,78%, thấp nhất trong vòng 35 năm qua. Trước tình hình đó, năm 2022 trở thành năm bản lề để TP.HCM vực dậy, lấy lại những gì đã mất và tạo sức bật nhằm đạt chỉ tiêu đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.
UBND TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm phục hồi này. Ở điều kiện bình thường, đây là chỉ tiêu "dưới sức" của TP. Thế nhưng, trước những mất mát 2 năm qua, liệu chỉ tiêu này có khả thi khi đại dịch vẫn chưa thực sự kết thúc.
Kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM khóa X diễn ra từ 7-9/12 sẽ trả lời câu hỏi này và đi đến một kế hoạch thống nhất để thực hiện hóa những chỉ tiêu của TP trong năm 2022 cũng như 4 năm tiếp theo.
Năm 2021 nhiều thiệt hại
Để có thể khắc phục hậu quả của đại dịch, TP.HCM cần nhìn nhận được những mất mát để rút ra các bài học trong 2 năm qua.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chia sẻ thiệt hại nặng nề nhất và không thể đo lường được chính là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Về kinh tế, GRDP của TP.HCM giảm thấy rõ. Thông thường, GRDP của TP.HCM khoảng 8% và cao hơn bình quân chung cả nước, có lúc gấp 1,2-1,5 lần. Năm 2020, kinh tế chỉ tăng 1,36%, trong khi cả nước là 2,91%.
Theo tính toán của UBND TP.HCM, ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của TP.HCM khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế TP.HCM từ 2019 đến nay | ||||
Nguồn: UBND TP.HCM | ||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | |
GRDP | % | 7.8 | 1.36 | -6.78 |
Kinh tế đi xuống dẫn đến hệ quả thu ngân sách giảm. Năm 2019, TP.HCM thu ngân sách 410.000 tỷ đồng. Năm 2020, con số này giảm xuống 371.000 tỷ đồng và năm 2021 ước tính là 370.000 tỷ đồng. Như vậy, so với năm 2019, TP.HCM mất gần 80.000 tỷ đồng ngân sách 2 năm qua. Đây cũng là thiệt hại chung của cả nước bởi TP.HCM chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia.
Một thiệt hại nữa là thương hiệu của TP.HCM trên trường quốc tế, đặc biệt sự an toàn, bị tổn thương nặng nề. Cùng với đó là hàng loạt mất mát như nhiều dự án, công trình đình trệ; cơ sở hạ tầng vốn dĩ đã quá tải lại ngày càng xuống cấp do dịch như trường học, bệnh viện…
Ông Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM) đánh giá năm qua do dịch bệnh, TP.HCM đã sử dụng "gần tới giới hạn" các nguồn lực nên chỉ phát triển ở mức độ khiêm tốn, chưa đột phá.
Ở góc độ tích cực, dù kinh tế giảm sâu (gần 13%) so với mục tiêu, thu ngân sách của TP.HCM năm 2021 vẫn ước đạt 101,53%. Đây là một trong những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy kết quả từ những nỗ lực của TP.
Tuy nhiên, phân tích sâu về con số này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải tỉnh táo, hiểu đúng tình hình. Đầu tiên, do Chính phủ, Quốc hội đã lường trước những khó khăn năm 2021 nên dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ban đầu đặt ở mức thấp. Do đó, thu ngân sách đạt so với dự toán nhưng thực chất thấp hơn trước đây.
Thu ngân sách TP.HCM từ 2019 tới nay | ||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | |
Giao dự toán thu NSNN | tỷ đồng | 399125 | 405828 | 364893 |
Thu NSNN | 409923 | 371384 | 370483 |
Bên cạnh đó, nguyên nhân tích cực là 6 tháng đầu năm, kinh tế TP vẫn còn tăng trưởng tốt. Trong giai đoạn giãn cách, TP duy trì được nguồn thu từ xuất nhập khẩu, giá cả một số mặt hàng tăng nên nguồn thu thuế tăng theo. Một số ngành vẫn tăng trưởng dương như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm... nên TP có nguồn thu thuế trong lĩnh vực này.
Ông cho rằng cần hiểu rõ những nguyên nhân này để thấy rằng thu ngân sách của TP vẫn giảm so với các năm từ 2019 trở về trước chứ thực tế không tăng, đòi hỏi những nỗ lực cao hơn trong năm 2022.
Mục tiêu GRDP đạt 6-6,5% liệu có khả thi?
Trong kế hoạch trình HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM đặt chỉ tiêu GRDP năm 2022 là 6-6,5%. PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng mục tiêu này cho thấy lãnh đạo TP đang "thử thách chính mình".
"Khi đặt ra mục tiêu cao thì lãnh đạo TP phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nên điều này thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đảng bộ và lãnh đạo nhân dân TP", ông nói.
Ở góc độ kinh tế, ông Ngân nhận định chỉ tiêu này là khả thi.
Thứ nhất, lịch sử tăng trưởng của TP.HCM luôn ở mức cao, bình quân là 8%. Thứ hai, về bối cảnh chung trên thế giới, xu hướng là tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức cao, khoảng 4,5-4,9%. TP.HCM trước nay thường tăng trưởng gấp đôi tỷ lệ này. Bên cạnh đó, với mức độ hội nhập của TP.HCM, các nước có quan hệ tốt với Việt Nam như Mỹ, châu Âu phục hồi tốt thì TP cũng sẽ phát triển theo.
Thứ ba, năm 2021, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thấp nên tăng trưởng 2022 sẽ dễ đạt được hơn trên nền này.
Điểm quan trọng thứ tư là năm 2022, TP.HCM không còn bất ngờ trước dịch bệnh nữa mà đã có chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế. “Không còn lúng túng như trước đây, không còn tình trạng ngăn sông cấm chợ, không còn đóng cửa, giãn cách xã hội nên tính chủ động cao hơn”, ông Ngân nhận định.
Các trung tâm thương mại tại TP.HCM bắt đầu đông đúc kể từ khi thành phố mở cửa trở lại. Ảnh: Phương Lâm. |
Một điểm thuận lợi trong năm tới là Quốc hội đã duyệt dự toán vốn đầu tư công năm 2022 cho TP.HCM cao hơn nhiều so với năm 2021, từ khoảng 30.000 tỷ đồng lên 51.785 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ điều tiết ngân sách tăng từ 18 lên 21% góp phần tạo đà tăng trưởng.
Dự kiến cuối tháng 12/2021 đầu tháng 1/2022, Quốc hội sẽ họp bàn và thống nhất gói kích thích kinh tế quốc gia. Nguồn vốn này được kỳ vọng tạo sự lan tỏa đến các địa phương, trong đó có TP.HCM.
“Với các yếu tố đó, ta có cơ sở để tin rằng năm 2022, GRDP của TP.HCM sẽ đạt mức tăng 6-6,5%. Nhưng dù có đạt được mục tiêu này thì tăng trưởng của năm 2022 cũng mới chỉ bằng 2020, tức mới ở giai đoạn phục hồi trở lại. Điều đó cho thấy tại sao TP.HCM gọi năm 2022 là Năm phục hồi”, ông Trần Hoàng Ngân phân tích.
Nói về các ưu tiên để có thể đạt được mục tiêu trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân và đại biểu HĐND Trần Quang Thắng đều có chung nhận định rằng ưu tiên trước hết phải là kiểm soát dịch.
Sau đó, TP cần tận dụng tối đa các cơ chế hiện có như chính sách đặc thù từ Nghị quyết 54. Cụ thể là chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để có quỹ đất phục vụ giao thông, nhà ở, sản xuất; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để có vốn đầu tư hạ tầng; đấu giá tài sản công không còn sử dụng…
Nhiều mặt bằng tại các quận trung tâm TP.HCM vẫn đang chờ người thuê mới. Ảnh: Phương Lâm. |
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM Trần Quang Thắng cho rằng giải pháp phát triển cho TP không phải mới, đã được nêu ra nhiều lần, vấn đề là thực hiện hóa mục tiêu đã đặt ra từ những năm trước và từ đầu nhiệm kỳ. Ông nhấn mạnh TP cần ưu tiên thực hiện các dự án nền tảng nhưng còn đình trệ, chủ yếu là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện y tế, giáo dục.
TP cần rà soát lại các dự án lâu nay tắc nghẽn và khẩn trương thúc đẩy. Trong đó, những dự án giao thông trọng điểm, có tính liên vùng cần được chủ trọng như khép kín vành đai 2; thực hiện vành đai 3; đầu tư hạ tầng công nghệ, viễn thông…
"TP.HCM cần sử dụng công cụ đang có một cách hữu hiệu nhất để phục hồi kinh tế. Tôi kỳ vọng vào sự phát triển trong năm tới, nhưng chúng ta cũng phải thận trọng với biến thể mới Omicron khi thế giới vẫn chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm của nó", đại biểu HĐND TP đưa ra cảnh báo.