Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất 2 tuyến đường bộ 4.800 tỷ kết nối sân bay Long Thành

Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ với mức đầu tư hơn 4.800 tỷ vào dự án xây sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Chính phủ vừa trình xin ý kiến Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Báo cáo do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng ký trình.

2 tuyến đường bộ hơn 4.800 tỷ

Trong báo cáo vừa trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 và 2 vào dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. 

Theo đó, tuyến số 1 dài 3,8 km sẽ kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh là 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85 đến 120 m.

san bay Long Thanh anh 1
Thiết kế bên trong nhà ga của sân bay quốc tế Long Thành.

Tuyến số 2 dài 3,5 km sẽ kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác cảng hàng không Long Thành, đồng thời tuyến số 1 sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào Dự án cảng hàng không Long Thành.

Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng), diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.

Xin điều chỉnh diện tích đất quốc phòng

Ngoài các vấn đề về hạng mục và nguồn vốn đầu tư, lần này, Chính phủ còn xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh diện tích đất trong giai đoạn 1 của dự án, gồm cả diện tích đất quốc phòng.

Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha.

Việc điều chỉnh này nhằm xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của cảng như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…

“Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (5.000 ha) đã được Quốc hội thông qua”, Chính phủ nêu rõ trong báo cáo.

Lần này, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.

Phần dùng chung này sẽ được ưu tiên phục vụ cho các hoạt động quân sự (huấn luyện, tác chiến...), phục vụ cho các hoạt động dân dụng khi nhu cầu khai thác tăng.

Hơn 4,7 tỷ USD đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1

Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến có tổng mức đầu tư gần 111.700 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD).

Công trình giao thông hàng không này được xác định là cấp đặc biệt, sẽ được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật trong thời gian từ 2020-2025.

Chính phủ xác định quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách mỗi năm với tổng diện tích 373.000 m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm và các hạng mục phụ trợ.

Kiến nghị Quốc hội cho phép ACV làm nhiều hạng mục sân bay Long Thành

Trong 4 hạng mục quan trọng ở giai đoạn 1 của sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện 3 hạng mục.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm