Theo Guardian, Tokyo đã thông qua gói ngân sách quốc phòng trị giá 46 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm ngoái. Đây là lần thứ sáu liên tiếp ngân sách quốc phòng hàng năm của Nhật Bản gia tăng và đạt con số kỷ lục.
Các quan chức quốc phòng Nhật Bản khẳng định họ cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Bệ phóng tên lửa tại trụ sở bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
"Trong khi Triều Tiên tăng cường năng lực sử dụng tên lửa đạn đạo, chúng tôi cần tăng cường năng lực của chính mình", Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói.
Gói ngân sách mới được chính phủ thông qua sau khi Nhật Bản khẳng định sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis từ Mỹ nhằm gia tăng khả năng xác định và đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
Khoảng 6,4 triệu USD sẽ được dành riêng để chuẩn bị cho màn ra mắt hệ thống này, vốn được lên kế hoạch hoạt động vào năm 2023 với chi phí lên tới 1,7 tỷ USD.
Ngoài ra, trước áp lực từ các thành viên diều hâu trong đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe, Nhật Bản sẽ sở hữu tên lửa hành trình và có thể sử dụng chúng trong các cuộc xung đột quân sự có liên quan đến Triều Tiên.
Khoảng 17 triệu USD sẽ được dùng để mua tên lửa hành trình của Na Uy với tầm bắn 500 km từ các máy bay tàng hình F-35. Tokyo đồng thời lên kế hoạch mua tên lửa hành trình do Mỹ sản xuất với tầm bắn lên tới 900 km.
Ngoài các trạm radar trên đất liền, Nhật Bản cũng đầu tư vào hệ thống đánh chặn tầm xa mới, vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong vũ trụ.
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản chỉ tăng trong những năm gần đây. Đồ họa: Economist. |
Việc Tokyo mạnh tay chi tiêu để mua sắm trang thiết bị quân sự từ Mỹ được cho là bắt nguồn từ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump khi ông cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ chính mình.
Trước đó, tính riêng trong năm 2017, tên lửa của Triều Tiên hai lần bay qua Nhật Bản và rơi xuống vùng biển phía bắc nước này, khiến cư dân trên đảo Hokkaido lo ngại.