Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thử nghiệm việc đưa vi khuẩn bệnh than vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này. Nguồn tin nói rằng Bình Nhưỡng đang tiến hành các cuộc thử nghiệm về nhiệt và áp lực để xem các vi khuẩn bệnh than có thể sống sót ở nhiệt độ cao hay không.
Đầu đạn của ICBM khi quay trở lại bầu khí quyển dưới ma sát của không khí, nhiệt độ bề mặt đầu đạn có thể lên đến 7.000 độ C. Nhiệt độ này có thể tiêu diệt hầu hết sự sống nếu không được che chắn bằng lớp cách nhiệt. Theo báo cáo của Asahi, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công việc bảo vệ sự sống cho vi khuẩn ở nhiệt độ cao.
Asahi nhận định Bình Nhưỡng đang tập trung vào vũ khí sinh học vì họ chưa tự tin có thể phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân đến nước Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn cộng đồng kiểm soát vũ khí tin rằng Triều Tiên đã có khả năng tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân, hoặc có thể làm như thế trong tương lai gần.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: CNN. |
Tuy vậy, các chuyên gia hoài nghi báo cáo của Asahi vì rất khó để giữ vi khuẩn bệnh than sống sót trong nhiệt độ cao khi đầu đạn quay trở lại khí quyển. Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts nói với National Interest: “Tôi không tin vi khuẩn than có thể sống sót bên trong ICBM dưới mọi hình thức”.
Joshua H. Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí James Martin, cho rằng kết hợp vũ khí sinh học vào ICBM là điều vô nghĩa. “Tôi rất hoài nghi vấn đề này. Những gì bạn cần để phát tán vi khuẩn bệnh than là một máy phun chứ không phải là tên lửa”, Pollack nói.
Ông Pollack cho rằng đưa vũ khí sinh học lên tên lửa là một ý tưởng nghèo nàn. Vị chuyên gia nhận định đó có thể là một tin đồn. Triều Tiên có vũ khí sinh học và có thể được sử dụng nếu xảy ra chiến tranh nhưng lắp nó lên tên lửa để phát tán không phải là giải pháp khả thi.