Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị phạt lao động công ích với người vi phạm 16-30 tuổi

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc xử lý hành chính, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất người vi phạm phải chịu phạt lao động công ích.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sáng 18/6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hình phạt lao động công ích.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) là một trong số các đại biểu nêu ra quan điểm này.

“Việc áp dụng hình thức này tác động trực tiếp đến người vi phạm vì sức lao động không thể thay thế được”, bà Hoa phân tích.

phat lao dong cong ich nguoi vi pham hanh chinh anh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng phạt lao động công ích sẽ tác động trực tiếp đến người vi phạm. Ảnh: quochoi.vn.

Theo bà, lao động công ích sẽ có tác động tích cực trong việc hình thành ý thức pháp luật, qua đó người vi phạm nhận thấy bổn phận, trách nhiệm của mình với cộng đồng và với những người xung quanh.

Đánh giá hình thức phạt tiền, bà Hoa cho rằng thực tế không phải lúc nào cũng hiệu quả. “Ví dụ, người bạo lực gia đình bị xử phạt tiền thì nguồn tiền là nguồn chung, dẫn đến nạn nhân của bạo lực gia đình lại là ‘nạn nhân kép’ vừa chịu bạo lực, vừa phải dùng tiền của gia đình đi nộp phạt”, nữ đại biểu phân tích. Chính điều này cũng khiến người bị bạo hành cân nhắc khi tố cáo.

Bà Hoa đề nghị cân nhắc bổ sung hình phạt lao động công ích, đi kèm với đó là các cơ chế giám sát rõ ràng, làm rõ một số vấn đề như: Lao động công ích gồm những gì, thời gian lao động bao lâu; cơ chế bảo vệ người vi phạm để tránh tình trạng lạm dụng, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thế nào…

Chung góc nhìn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhắc lại khi thảo luận về Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quan điểm này đã được nêu ra trước Quốc hội.

phat lao dong cong ich nguoi vi pham hanh chinh anh 2

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình định). Ảnh: quochoi.vn.

Vì vậy, ông cho rằng hình thức không mới, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh và đối tượng áp dụng phù hợp biện pháp phạt lao động công ích sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc xử lý vi phạm hành chính.

Để phù hợp điều kiện hạ tầng, nhân lực và văn hoá của Việt Nam, ông Cảnh đề nghị chỉ áp dụng phạt lao động công ích với người vi phạm trong độ tuổi 16-30 tuổi, bởi đây là độ tuổi được quy định trong Luật Thanh niên.

Với nhóm đối tượng này, ông Cảnh cho rằng cần có hình thức xử phạt, giáo dục kịp thời. “Nhưng phạt tiền hiệu quả không cao khi đối tượng này còn được hỗ trợ từ gia đình và chưa chịu áp lực cao về tài chính từ người lệ thuộc”, nam đại biểu nói.

Ông đề xuất thêm nơi lao động công ích có thể là nơi cư trú, nơi học tập, làm việc và được giám sát bởi chính quyền địa phương tại đây.

“Như Luật phòng chống tác hại của rượu bia, chúng ta không đủ con người, thiết bị để theo dõi, xử phạt, nhưng khi luật ra đời đã giúp giảm người vi phạm về sử dụng rượu, bia. Việc đưa lao động công ích vào luật cũng sẽ giảm đáng kể vi phạm hành chính”, ông Cảnh kỳ vọng.

Có nên cắt điện, nước để cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính?

Việc bổ sung quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với cá nhân, tổ chức kinh doanh có vi phạm hành chính được nhiều đại biểu tán thành, song còn ý kiến băn khoăn.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm