Sáng 10/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận theo 2 hướng chủ yếu: coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Coi là biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn tối đa
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh thực tế quá trình giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, dù đầy đủ các điều kiện rồi, có trường hợp vẫn chây ỳ không chấp hành.
Khi đó, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng được tính đến. Do đó, ông ủng hộ cần quy định cơ chế này để chính quyền cơ sở có thể áp dụng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Hải Quân. |
Đồng tình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Trần Văn Minh ủng hộ quy định này và coi đây là biện pháp cưỡng chế, nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương.
Từ thực tế giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường trong những năm qua, ông Minh cho biết có nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường, không những không chấp hành mà còn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
“Chính quyền địa phương cũng rất bức xúc. 20 tỉnh, thành chúng tôi đi giám sát đều cho rằng vì không có biện pháp bổ sung để thi hành nên nhiều nơi vẫn tiếp tục vi phạm”, ông Minh nói.
Ông cũng nhắc lại kiến nghị của các địa phương về việc cần quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để xử lý vi phạm hành chính.
Song, nữ đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) lại đề nghị cần phải có quy định chi tiết hơn vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
“Các đối tượng liên quan cùng làm việc, sinh sống thì tính thế nào? Một cá nhân vi phạm ảnh hưởng đến cả tổ chức thì sao?”, bà Minh đặt vấn đề và đề nghị nên thận trọng cụ thể chế tài này.
Áp dụng sai sẽ phải bồi thường, rất phức tạp
Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng không đồng tình về đề xuất coi ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hành chính mà chỉ coi đây là “biện pháp ngăn chặn”, áp dụng trong trường hợp sử dụng điện, nước là tiền đề, điều kiện để vi phạm hành chính.
“Dù là xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự thì đều phải đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Như thế mới ‘tâm phục khẩu phục’”, ông Xuyền nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng nên coi quy định cắt điện nước là một biện pháp ngăn chặn. Ảnh: quochoi.vn. |
Chung quan điểm, đại biểu Ngô Trung Thành - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - phân tích khi áp dụng biện pháp này cần suy xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao.
Theo ông, coi đó là biện pháp ngăn chặn sẽ tốt hơn cưỡng chế, bởi nếu áp dụng không đúng sẽ phải tính toán bồi thường, rất phức tạp.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lại thẳng thắn cho rằng quy định cắt điện nước là giải pháp không cần thiết..
Ông cho rằng ngừng cung cấp điện nước sẽ có tác động ghê gớm, thậm chí có thể gây hậu quả lớn, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng. "Một xí nghiệp có hàng nghìn công nhân mà dừng cung cấp nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người", ông nói.
Vì thế, thay vì cắt điện, nước, ông Thể đề xuất tăng khung hình phạt vi phạm hành chính gấp 10-50 lần hiện nay để răn đe. "Đây cũng là biện pháp tác động vào kinh tế người vi phạm, nhưng không gây ảnh hưởng đến xã hội và người vi phạm phải chấp hành. Ai không chấp hành thì xử phạt cao hơn", ông Thể góp ý.