Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị có lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường yêu cầu quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng trong Luật Điện lực sửa đổi.

Giá điện sinh hoạt đang bị tính cao hơn giá điện sản xuất. Ảnh: Lê Hiếu.

Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 36 nhằm thảo luận dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu ý kiến rằng cơ quan soạn thảo cần làm rõ, cụ thể hóa các chính sách về giá điện, về việc xóa bỏ bù chéo.

Bù chéo trong giá điện được hiểu là việc bán điện sinh hoạt giá cao để bù đắp, trợ giá cho điện sản xuất vốn được tính giá rẻ hơn.

Xóa bỏ bù chéo giá điện

Theo đó, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện 2 thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Vì vậy, việc bổ sung quy định chính sách về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện. Việc này cũng giúp áp dụng cơ chế giá điện phù hợp với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao.

bu cheo gia dien,  quyet dinh gia dien anh 1

Việc xóa bỏ tình trạng bù chéo giá điện nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất. Ảnh: EVN.

Tại kết luận phiên họp, Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra, các cơ quan Quốc hội.

Trong đó, bao gồm nội dung về đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch cho thị trường quyết định kết nối với thị trường khu vực và thế giới, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.

Nhà nước sẽ điều tiết hợp lý thông qua công cụ thị trường, thuế, phí và các quỹ và chính sách an sinh xã hội, phù hợp luật hóa việc điều hành giá điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Chuyển thẩm quyền quyết định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện

Dự thảo Luật cũng đề xuất Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng.

Theo luật hiện hành, Thủ tướng có quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phân cấp quyết định điều chỉnh.

Tuy nhiên, điện là hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô.

Do đó, dự thảo đề nghị Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó nêu cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá được rút xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng hiện nay.

Cơ chế này nhằm đảm bảo giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp biến động thực tế, thông số đầu vào sản xuất và bù đắp các chi phí, lợi nhuận hợp lý, bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về xây dựng khung giá phát điện của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện; giá tạm giữa bên bán và mua điện.

Thường trực Ủy ban nhận thấy các quy định về giá điện hầu hết đều giao Bộ Công Thương xây dựng, thẩm định.

Nội dung này đã được quy định tại Luật Điện lực năm 2004. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá; trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá điện, dịch vụ về điện để thống nhất với Luật Giá.

Đồng thời, nghiên cứu cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện thông qua quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá mặt hàng này.

Samsung Việt Nam muốn tăng dùng điện tái tạo với giá hợp lý

Samsung Việt Nam đánh giá cao cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và muốn tăng dùng điện tái tạo với giá hợp lý.

Giá mua điện mặt trời mái nhà có thể cao hơn mức 671 đồng/kWh

Bộ Công Thương đề xuất giá mua bán điện dư phát lên lưới của năm hiện tại không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm liền trước. Do các bên mua bán tự thỏa thuận.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu sớm có giá điện 2 thành phần

Việc triển khai giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng) giúp tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm