Vua Charles III từ lâu đã xây dựng đế chế của riêng mình trước khi thừa kế ngai vàng từ người mẹ quá cố.
Ông đã dành nửa thế kỷ để biến bất động sản hoàng gia thành một đế chế trị giá hàng tỷ USD. Đây cũng là một trong những kênh “hái ra tiền” nhất trong việc kinh doanh của hoàng gia, theo New York Times.
Khối tài sản khổng lồ
Trong khi mẹ của ông, Nữ hoàng Elizabeth II, giao phó phần lớn trách nhiệm liên quan đến tài sản của mình cho người khác, Vua Charles III lại tham gia sâu hơn vào việc phát triển bất động sản cá nhân, được gọi là Công quốc Cornwall.
Trong thập kỷ qua, ông đã tập hợp một nhóm các nhà quản lý chuyên nghiệp, những người đã giúp tăng giá trị và lợi nhuận tài sản của ông lên khoảng 50%.
Ngày nay, Công quốc Cornwall sở hữu sân chơi cricket nổi tiếng, vùng đất nông nghiệp ở miền Nam nước Anh, bất động sản cho thuê bên bờ biển, văn phòng ở London và kho siêu thị ở ngoại ô. Khối bất động sản rộng lớn của ông tạo ra khoản thu hàng triệu USD mỗi năm từ việc cho thuê.
Công quốc Cornwall sở hữu sân cricket Oval nổi tiếng. Ảnh: Reuters. |
Công quốc Cornwall được định giá khoảng 1,4 tỷ USD. Trong khi công dân Anh thường phải trả thuế thừa kế khoảng 40%, Vua Charles được miễn thuế này.
Bên cạnh đó, ông sẽ chuyển quyền kiểm soát công quốc của mình cho Thân vương William để tiếp tục phát triển nó mà không phải trả thuế doanh nghiệp.
Sự gia tăng tài sản của hoàng gia và tài sản cá nhân của Vua Charles trong thập kỷ qua diễn ra vào thời điểm nước Anh phải đối mặt với việc thắt lưng buộc bụng. Bên cạnh đó, ông Charles III lên ngôi khi Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Laura Clancy, tác giả cuốn sách “Điều hành công ty gia đình: Chế độ quân chủ quản lý hình ảnh của họ và tiền bạc của chúng ta như thế nào”, từng nhận định Vua Charles làm thay đổi các tài sản từng ngủ yên của hoàng gia.
“Công quốc đã được thương mại hóa đều đặn trong vài thập kỷ qua. Nó được điều hành giống như một doanh nghiệp thương mại, với CEO và hơn 150 nhân viên”, bà nói.
Bà cho rằng những gì từng được coi là một "mảnh đất của quý tộc" giờ đây hoạt động như một tập đoàn.
Công quốc Cornwall được thành lập vào thế kỷ XIV như một cách để tạo thu nhập cho người thừa kế ngai vàng và về cơ bản đã tài trợ cho các chi phí tư nhân và chính thức của ông Charles.
Vào năm ngoái, khoản lợi nhuận từ Công quốc Cornwall là 28 triệu USD, trong khi mức lương ông nhận được khi còn là thái tử chỉ hơn 1,1 triệu USD.
Vai trò của Vua Charles III trong Công quốc Cornwall
Tài sản hoàng gia nói chung được chia thành bốn nhóm. Đầu tiên, và nổi bật nhất, là Crown Estate, nơi giám sát tài sản của chế độ quân chủ thông qua một hội đồng quản trị. Ông Charles, với tư cách là nhà vua, sẽ giữ vai trò chủ tịch, nhưng ông không có tiếng nói cuối cùng về cách doanh nghiệp này được quản lý.
Crown Estate, trị giá hơn 19 tỷ USD, bao gồm các trung tâm mua sắm, đường phố sầm uất ở khu West End của London và trang trại gió.
Lợi nhuận của Crown Estate được chuyển đến Kho bạc Anh. Đổi lại, hoàng gia nhận được khoản thanh toán được gọi là trợ cấp hoàng gia dựa trên khoản lợi nhuận đó.
Khoản trợ cấp gần nhất mà mà hoàng gia nhận được rơi vào khoảng 100 triệu USD. Hoàng gia, bao gồm cả Vua Charles III, sử dụng khoản tiền này cho các nhiệm vụ chính thức của hoàng gia. Số tiền này không bao gồm chi phí an ninh, vốn do chính phủ chi trả.
Gia đình Vua Charles III trong Đại lễ Bạch kim của nữ hoàng. Ảnh: New York Times. |
Tiếp đến là Công quốc Lancaster, vốn trị giá 949 triệu USD và thuộc sở hữu của bất kỳ ai ngồi trên ngai vàng. Tuy nhiên, giá trị của nó không là gì so với Công quốc Cornwall, nguồn tài chính quan trọng thứ ba của hoàng gia.
Tạo ra hàng chục triệu USD mỗi năm, Công quốc Cornwall đã tài trợ cho chi tiêu cá nhân và chính thức cho Vua Charles III, đồng thời cung cấp tài chính cho Thân vương William và Vương phi Kate.
Công quốc Cornwall không phải nộp thuế doanh nghiệp như hầu hết doanh nghiệp ở Anh.
“Khi ông Charles lên quản lý ở tuổi 21, công quốc này không ở trong tình trạng tài chính tốt”, Marlene Koenig, một chuyên gia và nhà văn về hoàng gia, cho biết. Ông Charles đóng vai trò tích cực hơn trong Công quốc Cornwall vào những năm 1980 và bắt đầu thuê những nhà quản lý có kinh nghiệm.
Từ đó, công quốc này đã có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, bà nhận định.
Vào năm 2017, hồ sơ Paradise tiết lộ rằng công quốc của ông Charles đã đầu tư hàng triệu USD vào các công ty ngoại biên, bao gồm cả một doanh nghiệp có đăng ký tại Bermuda do một trong những người bạn thân nhất của ông điều hành.
Nguồn tiền cuối cùng, và bí mật nhất, là tài sản riêng của gia đình. Theo Rich List, danh mục tài sản hàng năm của Anh được công bố trên Sunday Times, nữ hoàng sở hữu tài sản trị giá khoảng 430 triệu USD. Chúng bao gồm tài sản cá nhân của bà, chẳng hạn lâu đài Balmoral và dinh thự Sandringham. Phần lớn tài sản cá nhân của bà đã được giữ kín.
Vua Charles cũng lãnh đạo một quỹ từ thiện. Quyền quản lý quỹ này của ông đã gây tranh cãi, gần đây nhất là vào mùa xuân năm nay, khi tờ Sunday Times đưa tin rằng ông Charles đã nhận 3 triệu euro (khoảng 3,05 triệu USD) tiền mặt - bao gồm tiền trong túi mua sắm và một chiếc vali - từ cựu Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber al-Thani.
Số tiền này được chuyển đến quỹ của ông, vốn tài trợ cho các hoạt động từ thiện trên khắp thế giới. Ông Charles không được hưởng lợi về mặt tài chính từ những đóng góp như vậy.
Ông Charles cũng đã gây tranh cãi với chiến dịch vận động và quan điểm thẳng thắn của mình. Ông đã vận động các bộ trưởng cấp cao của chính phủ thông qua hàng chục lá thư về những vấn đề chính trị. Mặc dù luật pháp Anh không yêu cầu điều đó, quy định hoàng gia yêu cầu sự trung lập về chính trị.
Tuy nhiên, trong bài diễn văn nhậm chức hôm 10/9, Vua Charles III khẳng định “sẽ không còn có thể dành nhiều thời gian và công sức cho các tổ chức từ thiện và các vấn đề mà tôi rất quan tâm”.