Tập đoàn Alibaba, do tỷ phú Jack Ma đồng sáng lập, quyết định tái cơ cấu lớn sau hơn 20 năm hoạt động. Ảnh: Reuters. |
Theo kế hoạch cải tổ, từng bộ phận chính của Alibaba như thương mại điện tử, truyền thông đại chúng hay điện toán đám mây sẽ có quyền tự chủ cao hơn, có thể độc lập gọi vốn và có kế hoạch niêm yết công khai của riêng mình.
Giới đầu tư phản ứng khá tích cực với thông tin trên. Cổ phiếu của Alibaba đã tăng 8% giá trị trên sàn New York trước giờ mở cửa.
Bloomberg nhận định các ông lớn công nghệ Trung Quốc ít khi có cải tổ lớn và mang tính hệ thống. Tuy vậy, động thái của Alibaba có thể “mở đường” cho các công ty khác, khi phi tập trung hóa hoạt động kinh doanh và quy trình ra quyết sách cũng là điều mà giới chức Trung Quốc mong muốn.
“Đây là một động thái trong định hướng chính sách của Trung Quốc nhằm giảm tính độc quyền của các ông lớn công nghệ”, ông Marvin Chen, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, nói. “Động thái này mang tính bao trùm và ảnh hưởng tới cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đây có thể là hình mẫu để ngành công nghiệp phát triển”.
Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang sẽ trực tiếp lãnh đạo bộ phận điện toán đám mây - chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong định hướng phát triển Alibaba trong dài hạn. Ông Zhang cũng sẽ tiếp tục điều hành công ty mẹ sau khi tái cơ cấu.
Ông Jiang Fan, lãnh đạo bộ phận thương mại quốc tế hiện nay, sẽ trở thành người đứng đầu bộ phận kinh doanh kỹ thuật số toàn cầu sau tái cơ cấu. Trong khi đó, bà Trudy Dai sẽ đứng đầu sàn thương mại điện tử Taobao Tmall.
Tuyên bố của Alibaba được đưa ra cùng thời điểm với việc nhà đồng sáng lập Jack Ma hồi hương sau hơn một năm sống ở nước ngoài.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.