Thời gian qua, tại An Giang râm ran tin đồn “Một kho báu có niên đại hàng trăm năm của vua Gia Long (1762-1820), trong đó gồm nhiều vàng và đồ cổ đang nằm dưới nền nhà của một gia đình ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn”. Vì tin đồn này mà gia đình ông Trương Văn Cồ (ấp Núi Nước, thị trấn Ba Chúc) lao đao, khốn khổ khi những người mê tìm kho báu liên tục “ghé thăm”.
Một đồn mười, mười đồn trăm
Giữa tháng 9/2015, anh Nam (43 tuổi, ngụ TP HCM) và anh Tâm (30 tuổi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) thông tin với Pháp Luật TP HCM: Có một kho vàng do vua Gia Long để lại đang nằm dưới nền nhà của gia đình ông Trương Văn Cồ và bà Ngô Thị Điểu (thường gọi là bà Tư, là bà con của anh Nam và anh Tâm) ở ấp Núi Nước. “Thông tin về kho vàng đã được báo cáo với chính quyền địa phương nhưng họ không quan tâm” - hai anh khẳng định.
Để tăng thêm sức nặng cho lời nói của mình, anh Nam còn đưa ra một mảnh vỡ của phiến đá lớn được cho là cửa hầm kho báu. Phiến đá rộng chừng 10 cm2, khá mềm, có nhiều vệt đục đẽo thô sơ. “Phiến đá rất lạ, nó vỡ ra từ phiến đá lớn nơi chôn giấu kho báu” - anh Nam nói.
Riêng anh Tâm thì cho rằng nhiều năm trước bà Tư đã phát hiện kho vàng nhưng không dám lấy. “Sau đó bà Tư gặp nhiều giấc mơ kỳ lạ về vua Gia Long nên càng giấu kín chuyện. Mãi về sau bà mới kể cho con của mình rồi báo chính quyền” - anh Nam nói với phóng viên.
Để xác tín thông tin trên, ngày 12/9 chúng tôi có mặt tại ấp Núi Nước, thị trấn Ba Chúc. Nhiều hàng xóm của gia đình ông Cồ cho hay đã biết tới chuyện này, một số người còn khẳng định chắc chắn kho vàng đang nằm dưới nền nhà của ông Cồ. Những câu chuyện kỳ bí liên quan tới kho báu được họ kể cho chúng tôi nghe.
Vị trí được người dân cho rằng có kho báu. |
Theo đó, khoảng 10 năm trước, trong lúc đào đất đắp nền nhà, gia đình ông Cồ phát hiện một phiến đá lớn, đục đẽo thô sơ, bề dày chừng 20 cm, dài 2 m, rộng 1 m; trên bề mặt khắc nhiều chi tiết được cho là ký tự cổ. Phía dưới phiến đá có kho báu nhưng không ai dám xâm phạm do lo sợ sẽ bị thần linh trừng phạt.
Đến năm 2012, gia đình ông Cồ dỡ ngôi nhà lợp lá dừa nước đã cũ để dựng nhà xi măng, trong lúc đào móng lại phát hiện một phiến đá y hệt. Nhiều người biết chuyện liền tìm tới nghe ngóng, một đồn mười, mười đồn trăm. Thế là từ đó gần nhà ông Cồ xuất hiện nhiều người rà tìm kho báu, nhiều người tò mò từ nơi khác cũng kéo tới hóng tin gây phiền toái cho cả khổ chủ lẫn chính quyền địa phương.
Khốn khổ vì tin đồn
Ông Trương Văn Cồ (87 tuổi) hiện sống cùng vợ và con trai út trong ngôi nhà nhỏ mới xây dựng, tường ve xanh yên bình trong tàng cây râm mát. Chòm xóm quanh nhà đa phần là anh em, họ hàng của ông. Hai ông bà tuổi cao, khỏe mạnh; theo đạo Hiếu Nghĩa nên râu tóc như sương; dái tai dài, khuôn mặt quắc thước, lồ lộ phúc tướng.
“Thiệt tình, đúng là trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Tôi mà biết có kho báu thì đã đào lên từ lâu rồi, đâu đến lượt họ. Còn hai phiến đá lớn phát hiện khi đào đất làm nhà thì vẫn còn đó, một phiến tôi đắp xi măng làm chỗ hóng mát, hút thuốc; phiến còn lại cho người cháu làm bậc thềm. Hai phiến đá này có khi người xưa làm bậc thềm cũng nên” - ông Cồ nói với chúng tôi.
Vợ chồng ông Cồ cảm thấy khổ sở vì lời đồn đoán vô căn cứ. |
Còn theo anh Trương Văn Mỹ, con trai của ông Cồ và anh Trương Văn Mềm (em họ anh Mỹ) lời đồn đại về kho báu đã lan truyền khắp nơi, nhiều người ở tận Sài Gòn cũng tìm xuống hóng tin, dò tìm.
“Khoảng ba tháng trước, có một đoàn do ông Tám Bảnh ở Sài Gòn dẫn đầu đã mang thiết bị xuống xin dò tìm. Họ dò hoài có thấy gì đâu. Khi dò đến gian chính căn nhà, nơi đặt bàn thờ thì máy bị hỏng, không dò được nữa. Họ đành ra về nhưng nói sẽ quay lại” - anh Mỹ kể.
Anh Mềm nói thêm, đoàn nào xuống đây nếu muốn dò tìm đều phải được sự cho phép của chính quyền địa phương. Anh Mềm khẳng định: “Gia đình tôi đã báo cáo sự việc với UBND thị trấn Ba Chúc. Do thông tin nhạy cảm, bất cứ ai xuống dù chỉ là hỏi han về kho báu hay xin dò tìm tôi đều nói cứ xin ý kiến địa phương trước. Nhiều đoàn nói có giấy tờ của sở này, bộ kia nhưng UBND thị trấn không chấp thuận thì vẫn chưa được đồng ý dò tìm”.
Theo anh Mềm, suốt mấy năm qua gia đình khá phiền phức và khó chịu về tin đồn có kho báu. Anh cho biết: “Có nhiều nhóm người lén lút mang thiết bị đến rà kiếm. Họ sợ bị gia đình phát hiện nên đi đường vòng phía sau vào nhà hoặc đi vào ban trưa, lúc nhà vắng vẻ. Nhưng chúng tôi đều cương quyết yêu cầu họ trình báo với UBND thị trấn Ba Chúc”.
Chính quyền vào cuộc
Từ khi xuất hiện tin đồn, công tác an ninh càng được chính quyền địa phương chú trọng. Khi chúng tôi đánh tiếng là khách đường xa hỏi thăm gia đình ông Cồ, vừa nói chuyện ít phút đã thấy dân quân xã và đại diện chính quyền đến hỏi thăm, xác minh.
Phiến đá lớn được người đời đồn đoán là cửa kho báu hiện đang được ông Cồ dựng làm ghế hóng mát. |
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Nguyễn Hữu Chi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc, cho biết, chính quyền địa phương đã nghe gia đình phản ánh về vụ việc này. Khoảng hai tháng nay có nhiều người mang máy móc tới nhà ông Cồ rà vàng, tìm kho báu cổ. Hành động này khiến gia đình hết sức bất bình.
“Địa phương cũng đã làm việc với gia đình ông Cồ, bước đầu nhận định chưa đủ căn cứ khẳng định có mỏ vàng hay kho báu dưới nền nhà. Chúng tôi vẫn theo dõi sát vụ việc này nhằm ổn định trật tự cho địa phương, tránh việc các nhóm rà vàng gây phiền hà cho gia đình” - ông Chi cho hay.
Cũng theo ông Chi, gia đình ông Cồ có thông báo có người tới rà kho báu gây phiền phức. Nhưng khi chính quyền địa phương đến nơi thì họ đã bỏ đi nên chưa xác định được các nhóm này là ai. Địa phương chỉ nghe người dân nói họ là các nhóm ở TP HCM, Bình Phước…
“Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định thông tin có kho báu của vua Gia Long tại Ba Chúc chỉ là lời đồn đoán, truyền miệng trong dân chúng, tương tự như vụ việc từng xảy ra ở Cô Tô. Gia đình ông Cồ cũng không yêu cầu chính quyền khai quật để làm sáng tỏ” - ông Chi thông tin thêm.
Mảnh đất Ba Chúc, Tri Tôn, tỉnh An Giang xa xưa thuộc xứ Hà Tiên, vốn là nơi hoang địa, đầy chướng khí, hùm beo, rắn, sấu. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, cư dân bắt đầu đến đây khai canh lập ấp, sinh sống phồn thịnh.
Em trai ông Cồ, ông Trương Văn Ô (85 tuổi) nói: “Ở đây có kho báu hay không thì không ai rõ. Nhưng cứ đào xuống đất là có gạch, những viên gạch đỏ tồn tại hàng trăm năm dưới đất sâu vẫn còn nguyên góc vuông, góc nhọn”.
Năm 2013, dư luận từng xôn xao về tin đồn có kho báu cả ngàn tấn vàng của vương quốc cổ Phù Nam nằm vùi dưới thành cổ ở vùng Bảy Núi (xã Cô Tô, Tri Tôn, An Giang). Tuy nhiên, sau đó thông tin này được xác định là vô căn cứ.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.