Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí ẩn chuyện 'kho báu' trên đảo Hải Tặc

Nhiều người tin rằng, trong suốt thời gian hàng trăm năm tung hoành ở khu vực quần đảo Hải Tặc, bọn cướp biển đã chôn giấu nhiều vàng bạc, châu báu trên các hoang đảo.

Vì một lý do nào đó chúng không kịp mang đi, đến nay vẫn còn đâu đó trên các đảo. Câu chuyện “kho báu bí ẩn trên đảo Hải Tặc” càng được thêu dệt khi có những người ngoại quốc đến đây tìm kho báu.

Những người nước ngoài đi tìm kho báu

Năm 1983, người dân ở xã Tiên Hải (huyện đảo Kiên Hải, nơi có quần đảo Hải Tặc) phát hiện hai người nước ngoài xâm nhập trái phép vào đảo. Khi bị bắt, hai đối tượng khai tên là Richard Charles Knight (quốc tịch Anh) và Frederick Kurt Graham (quốc tịch Mỹ). 

Hai người này dùng xuồng cao tốc đi từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, nhiều bản đồ, hải đồ và nhiều dụng cụ chuyên dụng khác.

Những đồng tiền cổ được người dân lưu giữ trên đảo.
Những đồng tiền cổ được người dân lưu giữ trên đảo.

Câu chuyện này đã xảy ra cách đây 32 năm nhưng vẫn còn in rõ trong trí nhớ người dân đảo. Ông Lương Văn Tâm, một người dân trên đảo kể lại, lần vây bắt hai người khách lạ mà ông đã tham gia truy bắt. Buổi chiều, khi đoàn tàu của ngư dân bắt đầu ra khơi đánh cá thì phát hiện một chiếc canô xé nước lao vút từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre. 

Người dân báo cho công an xã và xã đội để tổ chức tuần tra. Đến mũi Dinh ở bãi Bắc, mọi người phát hiện chiếc canô được kéo lên bãi cát và ngụy trang khéo léo trong mớ nhánh cây nhưng không có người. Mọi người chia ra làm 2 mũi tuần tra kiểm soát khắp đảo. Nhóm của ông Tâm men theo đường tắt từ bãi Bắc xẻ dọc ngọn đồi vào tận trong rừng. 

Khi những người tuần tra định bỏ về thì nhóm ông Tâm ngửi được mùi thuốc xịt muỗi nồng nặc phát ra từ trong rừng, dưới thung lũng. “Chúng tôi phát hiện 2 ông Tây đang nằm phơi bụng ngủ trong rừng. Cạnh mấy ổng còn có leng đào, xà beng, bản đồ, máy rà kim loại, máy quay phim, máy chụp hình... Khi đưa về xã làm việc, do không ai biết ngoại ngữ nên không khai thác được gì, đành chuyển họ về trên”, ông Tâm kể.

Lúc đó, dư luận trên đảo cho rằng, hai ông Tây là hậu nhân của những tên cướp biển từng đóng sào huyệt trên hoang đảo này. Họ có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại để chỉ dẫn tới kho báu chôn giấu ở quần đảo Hải Tặc. Ông Tâm nói, hồi đó, ông công tác ở xã Tiên Hải nên khi 2 người nước ngoài được đưa trở lại để xác định vị trí đào kho báu, ông cũng tham gia. 

Theo lời của họ thì kho báu có thể nằm trong lòng đất dưới thung lũng, nơi có 3 ngọn đồi như trong hình vẽ của bản đồ họ có được. Sau đó, 2 người nước ngoài bị trục xuất vì nhập cảnh trái phép, câu chuyện “kho báu dưới lòng đất” cũng không thấy ai nhắc tới, rồi chuyện đó dần lui vào ký ức của mọi người.

Những phát hiện cổ vật

Thời gian gần đây, nhiều tiền cổ liên tục được phát hiện ở khu vực đảo Hải Tặc, ngư dân đào rồi bán tống bán tháo cho người sưu tập với tâm lý, không bán cũng sẽ bị thu hồi do là tài sản quốc gia. Tuy nhiên, cũng có nhiều cư dân ở Hòn Tre giữ khá nhiều tiền cổ với niềm tin rằng, đó là một sợi dây nối quý báu để họ hiểu hơn về vùng đất mà họ đang sống, nơi hiếm hoi trên địa cầu mang danh “Hải Tặc” một cách hẳn hoi trên bản đồ hành chính. 

Một cụ già lớn tuổi ở thị xã Hà Tiên nhận định: “Ban ngày trời quang, từ Hà Tiên này vẫn có thể nhìn thấy mấy hòn đảo nhô lên trên biển. Thế nhưng, tôi sống ở đây từ nhỏ tới lớn nên biết là mấy hòn đảo đó chỉ có cư dân sinh sống vài chục năm trở lại đây mà thôi. Tôi đã nhìn thấy nhiều đồng tiền được tìm thấy ngoài đó rồi đem vào bờ và khẳng định thời của tôi chưa bao giờ thấy chúng xuất hiện. Ngày xưa, nó là đảo hoang mà lại có chôn tiền thì chắc chắn tiền đó không phải của dân thường rồi”.

Ông Trần Văn Tuấn, một người chuyên sưu tầm tiền cổ sống tại TP HCM thỉnh thoảng đến Hà Tiên để lùng mua cổ vật. Theo lời ông này, một số hiện vật ông mua được có giá trị rất lớn ở thời điểm nó lưu hành. Tuy nhiên, do hiện tại nó không phải là hàng hiếm nên giá trị không cao. 

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của ông Tuấn, chắc chắn vẫn còn rất nhiều cổ vật siêu giá trị đang lẩn khuất ở đâu đó, có thể trong một kho tàng chưa được khám phá hoặc đang được chính những người dân địa phương vứt lăn lóc ở đâu đó trong góc nhà mà không biết là cổ vật cũng nên.

Theo người dân Hòn Tre, vụ hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo tìm kho báu khiến người dân trong vùng xôn xao suốt mấy năm liền. Tuy nhiên, phương tiện dò tìm không ai có trong khi cái ăn cái mặc cho cuộc sống lại cần hơn nên câu chuyện về kho báu dần dần chìm vào quên lãng. Cách đây vài năm, người dân đảo Hòn Tre lại xôn xao khi hàng trăm đồng tiền cổ bất ngờ được tìm thấy dưới biển. Mọi người đổ xô đi mò tiền cổ và một lần nữa dấy lên niềm tin rằng, kho báu của hải tặc vẫn còn nằm đâu đó bí ẩn quanh đảo Hòn Tre.

Anh Nam, một thanh niên địa phương cho biết, trong một lần đi lặn biển bắt hải mã, sắt phế liệu, tình cờ anh mò được những đồng tiền có màu vàng, hoa văn lạ mắt nằm vùi trong lớp cát đá ở bãi Bắc. “Tôi cũng không biết những đồng tiền này ở đâu mà cứ lặn mò trong cát là dính. Mò hoài có hoài, nhiều lắm”, anh Nam nói. 

Ngày đầu tiên, Nam lặn mò được khoảng 50 đồng tiền lạ đem về khoe với mẹ, anh chị và những người ở xóm. Thấy hiện tượng lạ, nhiều người đổ xô ra bãi Bắc lặn mò. “Trên phạm vi khoảng chừng 4 m2 bãi biển có đến hàng chục người lặn, vậy mà tiền đâu không biết cứ dính hoài. Người nào người nấy mò được vài chục đến cả trăm đồng chứ không ít”, Nam cho biết.

Bia chủ quyền trên đảo Hải Tặc do chính quyền VNCH dựng trước năm 1975.
Bia chủ quyền trên đảo Hải Tặc do chính quyền VNCH dựng trước năm 1975.

Anh Nam cho biết thêm, khi mới lặn mò được những đồng tiền vàng, nhiều người giàu có trên đảo hay tin đã tìm đến hỏi mua với giá 10.000 đồng/đồng nhưng mẹ anh không chịu bán. Hiện nay, gia đình Nam chỉ còn giữ được 8 đồng tiền lạ, trong đó có những đồng tiền có lỗ, có đồng thì một mặt in nổi những chữ bằng tiếng Trung Quốc, mặt sau trạm nổi hình rồng hoặc hình một người đàn ông đội vương miện như hoàng đế. 

Một vài đồng tiền khác có chạm nổi hình một người phụ nữ đội vương miệng tựa như nữ hoàng nhưng hình ảnh rất mờ. Trên tất cả các đồng tiền đều không thể hiện rõ do quốc gia nào xuất khố và niên đại hay mốc thời gian nào.

Thực hư chuyện “Phật vàng” trên đảo Hải Tặc

Cho đến giờ, nhiều người dân vẫn còn bán tin bán nghi chuyện mua bán cổ vật là pho tượng vàng mà ngành chức năng phát hiện tại nhà một người dân ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Pho tượng này được cho là vớt ở vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Hải Tặc. 

Theo hồ sơ của Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh An Giang, khoảng 7h30 ngày 13/1/2011, cơ quan này phối hợp với Công an xã Vĩnh Hanh và Công an huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra nhà bà Thanh Thủy, phát hiện pho tượng Phật có màu vàng cất giấu cạnh tủ chén trong nhà bếp, phủ tấm vải che kín. 

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và niêm phong pho tượng trước sự chính kiến của chính quyền cùng nhân dân địa phương. Pho tượng đang chuẩn bị bán cho nhóm nhóm buôn bán cổ vật từ TP HCM, giao kèo nhận “hàng” vào 9h cùng ngày với giá 300.000 USD (khoảng 6,3 tỷ đồng).

Theo lời khai của nhóm môi giới, pho tượng Phật này do một ngư dân ở Kiên Giang đánh cá vớt được. Sau đó, pho tượng được trao đổi, mua bán qua nhiều người, chủ hàng cuối cùng (theo nhóm môi giới) là một người đàn ông trạc tuổi 50, không rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú… nhờ nhóm môi giới vận chuyển về cất giấu tại nhà bà Thanh Thủy. 

Cơ quan chức năng xác định ban đầu, pho tượng Phật bằng kim loại vàng 14k, cao 116 cm, vòng ngực 76 cm, vòng eo 85 cm, đường tròn đế 116 cm, cân nặng 81,9 kg. Đặc điểm, hiện trạng mặt, ngực, hai tay và chân màu sậm, phần còn lại phủ sơn đen đã đóng rêu. Về cấu trúc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang nhận định, kỹ thuật đúc định hình bên trong, sau đó đắp khối bên ngoài để tạo tác nên có khả năng là cổ vật. 

Ngày 15/2/2011, Chi cục Quản lý thị trường An Giang đã mời Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng, Sở Tài chính, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh để khảo sát sơ bộ về pho tượng Phật.

Quan sát ban đầu cho thấy, nhóm buôn bán cổ vật đã lấy mẫu ở đế và vạt áo để thử chất lượng vàng. Về thông tin “pho tượng Phật được vớt lên từ biển”, theo nguyên lý, các đồ vật nằm lâu dưới đáy biển sẽ có dấu hà đóng vào, màu sơn hoặc mạ xi sẽ bị nước biển ăn mòn. Tuy nhiên, cả mặt ngoài và mặt trong pho tượng Phật này chỉ bị dính chút ít bùn đất. Kết quả giám định cho thấy, pho tượng phật này làm bằng đồng, không phải là vàng như nhận định ban đầu. Đồng thời, niên đại tượng cũng được xác định vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 và có xuất xứ từ miền Bắc, Việt Nam.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Đảo Hải Tặc: Huyền thoại 400 năm và những bí ẩn đến ngày nay

Thời gian gần đây rộ lên các vụ cướp biển trên vùng biển vịnh Thái Lan mà nạn nhân là tàu thuyền của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/bi-an-chuyen-kho-bau-tren-dao-hai-tac-366426.bld

Theo Tô Châu/Lao Động

Bạn có thể quan tâm