Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đảo Hải Tặc: Huyền thoại 400 năm và những bí ẩn đến ngày nay

Thời gian gần đây rộ lên các vụ cướp biển trên vùng biển vịnh Thái Lan mà nạn nhân là tàu thuyền của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.

Chuyện cướp biển ở đây lộng hành trở lại gợi nhớ về một thời kỳ kéo dài hàng trăm năm vùng biển này bị cướp biển thống trị. Cái tên quần đảo “Hải Tặc” ra đời trong thời trong giai đoạn bất ổn ấy và “chết danh” đến tận ngày nay.

Một nhóm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm cách đất liền (bờ biển Tây) khoảng 20 km mang cái tên rùng rợn: "Quần đảo Hải Tặc". Những hòn đảo này từng là hang ổ của những tên cướp biển khét tiếng một thời, gây kinh hãi cho các tàu buôn vùng biển Tây. Trên một số hòn đảo còn lưu giữ những câu chuyện ly kỳ về những băng cướp biển cách đây hàng thế kỷ.

Hải tặc xưa và nay

Trên bản đồ Việt Nam, Hà Tiên là vùng đất ven biển nằm ở chóp tây nam, nay là thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Hà Tiên thu hút khách du lịch thuộc loại tốt nhất miền Tây với nhiều thắng cảnh đẹp như Bình San điệp thúy (núi dựng một màu xanh), Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây), Đông Hồ ấn nguyệt (hồ phía đông in hình trăng). Khách du lịch một khi đã đi Kiên Giang nhất định phải tìm về Hà Tiên. Mà một khi đã đến Hà Tiên, nhiều người quyết khám phá cho được đảo Hải Tặc.

Đảo Hòn Tre - trung tâm quần đảo Hải Tặc, sát với hải phận Campuchia, nơi từng là căn cứ của hải tặc.
Đảo Hòn Tre - trung tâm quần đảo Hải Tặc, sát với hải phận Campuchia, nơi từng là căn cứ của hải tặc.

Quần đảo Hải Tặc nằm trong vịnh Thái Lan, một bên là đảo Phú Quốc, bên kia là đất liền, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc là Hòn Tre. Những người cao tuổi trên đảo Hòn Tre cho biết, dấu chân những người đầu tiên đặt lên vùng hoang đảo này vào những năm 1950. Khi đó, vùng đảo này rất hoang vu, trở thành điểm đến của dân nghèo khắp nơi tới khai hoang lập nghiệp. 

Mặc dù họ luôn bị ám ảnh bởi cái tên dữ dằn của hòn đảo cướp biển khét tiếng một thời nhưng cái nghèo đã đưa đẩy nhiều người tìm đến vùng hoang đảo. Đến nay, nơi đây đã trở thành một địa phương trù phú với hơn 400 hộ, khoảng 1.800 nhân khẩu trên 6 hòn đảo gồm: Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Đồi Mồi, Hòn Ụ và Hòn Đốc. Trong đó, Hòn Tre là trung tâm xã đảo Tiên Hải với trên 250 hộ.

Theo nhà sử học Trương Minh Đạt (chuyên gia nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên, Kiên Giang), nạn cướp biển ngoài khơi Hà Tiên có từ thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai trị đất Hà Tiên (thế kỷ 17). Cái tên đảo Hải Tặc cũng xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp lừng danh. Quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng nên đã được cướp biển chọn làm hang ổ phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại. 

Khi đó, Hà Tiên là một thương cảng sầm uất có rất nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến trao đổi mua bán. Trong đó, cả tàu của hải tặc cũng trà trộn vào đất liền điều nghiên, theo dõi để dễ dàng thực hiện cướp bóc. Thời điểm hải tặc lộng hành nhất là khi chính quyền Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại. Hải tặc cướp táo tợn, ngang nhiên rượt đuổi các tàu buôn giữa ban ngày.

Một thời gian dài, vùng biển Tây qua khu vực này đến Vịnh Thái Lan hầu như do bọn hải tặc cai quản vì không có bộ máy chính quyền. Xuất phát từ đây, các toán cướp biển tấn công và khống chế các tàu buôn lớn của Trung Quốc và các nước phương tây từ vịnh Hà Tiên - Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan. Cướp biển vẫn còn tiếp tục hoành hành cho đến thời Pháp thuộc và kéo dài về sau nữa. 

Nỗi ám ảnh chúng để lại cho các tàu thuyền đi biển vẫn còn dư âm kéo dài qua hàng thế kỷ. Khi có bàn chân con người đến khai phá những đảo hoang trên quần đảo Hải Tặc thì không còn thấy bóng dáng của cướp biển cũng như dấu tích nào về căn cứ một thời của chúng trên hoang đảo này. Song, vẫn còn nhiều vụ cướp tàu thuyền của ngư dân đi biển xảy ra quanh khu vực quần đảo khét tiếng một thời. Chỉ tính từ những năm 2000 - 2004, đã có hàng trăm vụ cướp biển đánh cướp tàu khai thác hải sản của ngư dân trên vùng biển Tây, thậm chí ngay trong khu vực quần đảo Hải Tặc.

Ông Lê Trọng Thảo - một ngư dân ở thị xã Hà Tiên từng bị bọn hải tặc cướp tàu ngay trong quần đảo Hải Tặc - cho biết: Bọn cướp vô cùng liều lĩnh và hung tợn, chúng vào tận vùng biển gần đất liền của thị xã Hà Tiên để cướp tàu rồi dẫn về các vùng đảo hoang hoặc sang hải phận Campuchia để giữ. 

Ông Thảo kể lại lần bị cướp tàu vào năm 2001: “Buổi sáng, tàu tôi bắt đầu rời Hà Tiên ra đảo Hòn Tre, vừa chạy được chừng 10 km thì phát hiện có một chiếc xuồng cao tốc với nhiều tên lăm lăm súng bám theo. Biết gặp chuyện chẳng lành, tôi tăng tốc chạy về đảo Hòn Tre lánh nạn nhưng không kịp. 

Chỉ một lúc sau, xuồng của chúng với động cơ công suất lớn đã bắt kịp tàu tôi. Chúng nhảy lên tàu khống chế anh em thủy thủ, kêu tôi điều khiển tàu về hải phận Campuchia. Hải tặc ra giá 20 triệu đồng để chuộc tàu và người, tôi năn nỉ quá chúng mới bớt chút đỉnh, nhận tiền rồi thả tàu về”.

Sau ông Thảo còn có một số tàu của ngư dân khác cũng bị cướp biển khống chế lôi về các quần đảo hoang ở Campuchia rồi ra giá để người nhà mang tiền sang chuộc. Riêng ông Thảo thì độ nửa tháng sau ông lại “tái ngộ” bọn hải tặc một lần nữa khi đang đánh bắt gần vùng biển giáp ranh với Campuchia. 

“Nhưng may là khi chúng đang rượt đuổi tàu tôi thì gặp tàu của biên phòng đi tuần tra nên bỏ chạy mất hút ra khỏi hải phận Việt Nam", ông Thảo cho hay.

Cột mốc đảo Hải Tặc.
Cột mốc đảo Hải Tặc.

Mạc Thiên Tích chống hải tặc

Theo tài liệu cũ và nhiều bậc cao niên ở khu vực Hà Tiên, vào thế kỷ 17 và 18 khu vực này từng là căn cứ đáng sợ của cướp biển. Các tàu buôn lớn của Trung Quốc và phương Tây thường xuyên bị các toán cướp thoắt ẩn thoắt hiện lao đến từ quần đảo Hải Tặc khống chế tàu, bắt người, giết người và cướp tài sản. 

Bọn cướp biển này thường hoạt động ở khắp cả một vùng rộng lớn, từ Vịnh Hà Tiên - Rạch Giá, đến mênh mông Vịnh Thái Lan chung quyền sở hữu của liên quốc gia. Đến thời Mạc Thiên Tích, bọn hải tặc bị quân của ông đánh cho tan tác nên chủ yếu hoạt động lén lút chứ không công khai rầm rộ như trước.

Thế nhưng, vùng biển Tây này chỉ yên ắng trong khoảng thời gian vài chục năm, khi tổng trấn Mạc Thiên Tích còn hưng thịnh. Các toán cướp biển hung ác tung hoành trở lại trong khu vực quần đảo Hải tặc sau khi chính quyền Mạc Thiên Tích suy vong. Mạc Thiên Tích là danh thần đời chúa Nguyễn. Ông sinh năm Mậu Tuất 1718 và mất năm Canh Tý 1780, thọ 62 tuổi. 

Ông là con Tổng binh Mạc Cửu - một quan “phản Thanh phục Minh” bên Trung Quốc, bị nhà Thanh truy sát, phải sống lưu vong, đến khai phá đất Hà Tiên. Để đối phó với quân Xiêm thường xuyên xâm lược, Mạc Cửu xin chúa Nguyễn bảo hộ vùng đất Hà Tiên mình đã khai phá, rồi được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu. Khi Mạc Cửu qua đời năm 1735, Mạc Thiên Tích đã 29 tuổi, ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc.

Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc xâm lấn của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp. Đây cũng là giai đoạn vùng biển Hà Tiên yên ắng nhất, bọn cướp biển bị Mạc Thiên Tích tiêu diệt gần hết.

Khoảng năm 1767, do Xiêm La có loạn, con của vua Xiêm là Chiêu Thúy sang Hà Tiên lánh nạn. Trình Quốc Anh tự xưng vương nước Xiêm, rồi lấy cớ truy lùng một hoàng tử Xiêm La, đã mang quân tiến chiếm Hòn Đất (thuộc Hà Tiên). Quân của Trình Quốc Anh đã ở lại Hòn Đất ba tháng để truy lùng vị hoàng tử Xiêm lưu vong nhưng không tìm ra. 

Trước khi rút về nước, Trình Quốc Anh cho thành lập trên đảo một căn cứ hải quân và để lại một toán quân, chúng trở thành cướp biển lộng hành. Mạc Thiên Tích mang quân ra chiếm lại Hòn Đất vào năm 1770 đánh tan bọn cướp biển. Giữa năm 1771, Trình Quốc Anh đích thân chỉ huy đạo quân 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên. Trình Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. 

Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tích cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn. Khoảng năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích tàn quân chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích phải chạy sang Xiêm. Hà Tiên vắng chủ, hải tặc lại lộng hành kéo dài…

Chưa có một con số ước đoán về số tài sản mà bọn hải tặc đã cướp được trên con đường giao thông biển sầm uất này, nhưng chắc chắn là rất nhiều. Theo các tài liệu cũ, ngoài vàng vòng châu báu trên các chuyến tàu buôn, bọn hải tặc cũng không bao giờ bỏ qua các mặt hàng gốm sứ cao cấp có xuất xứ từ Trung Quốc, đồ thủ công mĩ nghệ, đá quý từ khu vực Trung Đông. 

Có một điều chắc chắn rằng, đối với những tài sản cướp được, bọn hải tặc không bao giờ giữ lại trên thuyền vì sợ làm mồi cho những cuộc thanh trừng đẫm máu trên biển với các băng cướp khác. Theo ước đoán, rất có thể nhiều tài sản cướp được bọn hải tặc đã cất giữ ở đâu đó trong những sào huyệt trên hoang đảo. Đó là lý do mà có những người cất công đi tìm kho báu bí ẩn trên quần đảo Hải Tặc.

Cảnh sát biển VN chạm trán cướp biển: Bắn thẳng vào cabin

Nếu cướp biển cố tình nhổ neo hoặc chặt neo thì được phép sử dụng vũ khí ngăn chặn, kết hợp cảnh cáo qua kênh 16.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/dao-hai-tac-huyen-thoai-400-nam-va-nhung-bi-an-den-ngay-nay-364326.bld

Theo Tô Châu/Lao Động

Bạn có thể quan tâm