Trung tâm nghiên cứu Palo Alto (PARC) là "cái nôi" sinh ra các sản phẩm như máy in laser đầu tiên giúp biến văn bản kỹ thuật số thành tài liệu giấy, giao diện đồ họa với cửa sổ và trỏ chuột, khái niệm Ethernet kết nối mạng máy tính nội bộ.
Năm 1978, PARC cho ra đời Xerox NoteTaker, một trong những chiếc máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta còn có WYSIWYG (What You See Is What You Get), bộ soạn thảo văn bản nền web cho phép người dùng nhìn thấy nội dung xuất hiện trên ô nhập liệu.
Nhiều năm trước khi iPhone ra đời, PARC đã tạo ra PARCTab, chiếc máy tính thu nhỏ có thể truy cập Internet, gửi email.
"Chúng tôi (nhà nghiên cứu tại PARC) luôn phát minh những công nghệ mới dành cho tương lai, hướng đến bước tiến của khoa học công nghệ, giúp định hình và thay đổi thế giới", CEO PARC, Tolga Kurtoglu nói với Digital Trends nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Xerox PARC. Sau nửa thế kỷ, mục tiêu ấy đã được hoàn tất và thành công vang dội.
Alto là chiếc máy tính cá nhân ra đời từ phòng nghiên cứu PARC. Ảnh: parc.com. |
Luôn hướng về tương lai
“Chỉ thị duy nhất mà Xerox giao cho PARC là tạo ra một ‘văn phòng' của tương lai”, theo chia sẻ của Michael Hiltzik, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, tác giả cuốn sách Dealers of Lightning nói về lịch sử của Xerox PARC.
Vào những năm 1970, Bob Taylor - điều hành viên phòng thí nghiệm khoa học máy tính tại PARC - đã nghĩ về những chiếc máy tính không đơn thuần chỉ có tác dụng tính toán, thay vào đó có thể giúp người dùng hoàn thành mọi công việc.
Dưới sự dẫn dắt của Taylor và Bert Sutherland - một trong những nhà khoa học máy tính đầu tiên - PARC đã bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm những phương pháp tương tác mới với máy móc nhằm cải thiện cuộc sống.
Một thời gian sau, Chuck Thacker và Butler Lampson đã tạo ra chiếc máy tính cá nhân đầu tiên có tên Alto. Bob Metcalfe thích tìm hiểu về mạng máy tính nên phát minh ra Ethernet, Gary Starkweather tiếp tục nghiên cứu máy in laser, một thiết bị vốn không được công ty mẹ Xerox coi trọng.
Giao diện đồ họa và chiếc máy in laser được phát triển bởi Xerox PARC. Ảnh: Xerox. |
PARC cũng là nơi làm việc của nhiều nhân vật "huyền thoại" trong làng công nghệ. Larry Tesler, "cha đẻ" tính năng sao chép, cắt dán nội dung trên máy tính, người qua đời vào tháng 2 cũng từng làm việc tại PARC.
Sau 50 năm tạo ra "văn phòng của tương lai", Kurtoglu cho biết năm 2020, sứ mệnh của PARC sẽ thay đổi. Bây giờ, PARC tập trung tạo ra những công cụ giúp cải thiện năng suất công việc mỗi ngày. Một trong số đó là giao diện người dùng thông minh thay cho giao diện đồ họa.
Cụ thể, máy tính sẽ đưa ra gợi ý dựa trên thói quen của người dùng, thậm chí dự đoán và xử lý trước các tác vụ mà người dùng có thể thực hiện.
Để phát triển công nghệ này, PARC đã xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) với sự trợ giúp của Xerox, kết hợp các hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra những công cụ tự động hóa.
Nếu trong quá khứ, giúp máy tính dễ dàng tiếp cận người dùng là mục tiêu của PARC thì giờ đây, nhiệm vụ của họ là giúp người dùng tiếp cận với trí tuệ nhân tạo.
Để phục vụ nhu cầu sản xuất tại nhà, PARC cũng nghiên cứu công nghệ in 3D sử dụng vật liệu như kim loại lỏng giúp rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả hơn bột kim loại. Cuối cùng là nền tảng vạn vật kết nối (Internet of Things) giúp những thiết bị công nghệ tương tác lẫn nhau qua mạng Internet.
Trong suốt 50 năm qua, nơi đây đã chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ mà chúng ta vẫn thường sử dụng ngày nay. Ảnh: Mkaz. |
Tăng cường hợp tác
Năm 1979, đồng sáng lập Apple là Steve Jobs đã ghé thăm PARC. Đây được xem là nơi truyền ý tưởng để ông tạo ra Lisa cùng Macintosh, những chiếc máy tính điều khiển bằng chuột và giao diện đồ họa.
Trước đây, PARC chủ yếu làm việc độc lập hoặc chỉ được giúp đỡ bởi Xerox, tuy nhiên xu hướng giờ đây của PARC là hợp tác với bất cứ ai để hiện thực hóa ý tưởng.
"Chúng tôi luôn tìm kiếm đối tác để có thể đưa công nghệ ra thị trường", Kurtoglu chia sẻ. Điều đó có nghĩa PARC sẽ tích cực làm việc với nhiều bên để cải thiện sản phẩm, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Đó chính là tầm nhìn của PARC trong 50 năm tới.