Đó là quan điểm giáo dục xuyên suốt cuốn sách Mẹ luôn đồng hành cùng con của tác giả Dương Văn. Việc làm cha mẹ luôn song hành với việc làm bạn của con, đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành, đồng thời con cái chính là sự phản chiếu tấm gương cha mẹ.
Tác giả Dương Văn là giáo sư, từng du học ở Anh về phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em. Dương Văn nhiều năm giành được các danh hiệu “Người mẹ kiệt xuất”, “Nhà giáo dục xuất sắc”… Bà tâm niệm làm mẹ cũng là một nghề.
Cuốn sách Mẹ luôn đồng hành cùng con sau khi xuất bản tại Trung Quốc năm 2007, đến nay đã được tái bản 20 lần và cũng là một trong 10 cuốn sách về giáo dục gia đình bán chạy nhất ở Trung Quốc năm 2007.
Từ cô thợ may tới một giáo sư, người mẹ kiệt xuất
Nhìn vào tóm tắt tiểu sử của tác giả Dương Văn, người đọc có thể nghĩ bà được sinh ra trong gia đình có điều kiện tốt. Nhưng sự thật ngược lại, để có được những thành tựu trên, bà đã không ngừng nỗ lực để thay đổi số phận.
Sách Mẹ luôn đồng hành cùng con bản tiếng Việt. |
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Dương Văn được cử đến làm việc tại một xưởng may. Với ước mơ trở thành sinh viên đại học, cô gái trẻ thường dậy vào lúc ba giờ sáng và học đến sáu giờ sáng rồi cùng đồng nghiệp ra xe để đi làm. Để được tham gia lớp bổ túc trên huyện cho kỳ thi đại học, Dương Văn phải một mình vượt qua thung lũng giữa đêm tối , “ra sức bấm móng tay để cảm giác đau đớn xóa đi nỗi sợ hãi trong lòng”.
Dương Văn kết hôn và sinh con năm 24 tuổi. Từ đây, chính tình yêu thương dành cho cậu con trai đã làm thay đổi cuộc đời bà. “Trước hết, chúng tôi quyết tâm làm một người cha, người mẹ có trách nhiệm. Chỉ khi được sống trong một gia đình trách nhiệm, con trẻ mới cảm nhận được sự an toàn trong tương lai”, tác giả cuốn sách đưa ra phương châm nuôi dạy con ngay khi con trai chào đời.
Cũng theo bà, “cha mẹ là người có ảnh hưởng sâu sắc đối với con trẻ trong quá trình trưởng thành”. Ảnh hưởng từ kiến thức, khả năng, trí tuệ đến tính cách, phẩm chất đạo đức, tác phong và khuynh hướng của trẻ.
Bà cho rằng, không ngừng học tập, học tập suốt đời là một thái độ sống. “Cùng là đứa trẻ đó, nếu được lớn lên trong gia đình theo mô hình học tập và môi trường không đề cao sự học tập, sau 8-10 năm, lượng thông tin mà trẻ tiếp nhận sẽ khác nhau, thói quen, trí tuệ, trải nghiệm… cũng sẽ khác nhau, số phận con người có thể cũng vì thế mà có sự thay đổi”.
Vì vậy, trong cuộc sống gia đình, trong công việc bà không ngừng cố gắng học hỏi, tìm tòi hướng đi mới để con trai noi gương, rèn luyện tinh thần trước khó khăn không bỏ cuộc và luôn kiên trì trong học tập. Đồng thời, trong quá trình trưởng thành của con chưa từng thiếu vắng sự đồng hành của người mẹ, mục tiêu sự nghiệp giáo dục của mẹ trước tiên là thông qua quá trình học tập, nghiên cứu không ngừng để đưa ra thuyết khoa học về giáo dục trong gia đình để nuôi dạy con trai.
Bên cạnh việc đề cao giáo dục gia đình, tác giả Dương Văn còn chú trọng bồi dưỡng tố chất cho con thông qua các hoạt động thường ngày, từ chơi trò chơi đến đọc sách. Tuy nhiên, bà không dùng điểm số là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con trẻ.
Vai trò không thể thiếu của người cha
“Nếu nói người mẹ là bến cảng thì người cha chính là hoa tiêu dẫn đường cho những chuyến đi xa của con”. Điều này nói lên vai trò định hướng, sự ảnh hưởng về ý chí của người cha đối với con.
Theo tác giả Dương Văn, nếu một người cha bỏ ra nhiều tâm huyết khi con còn nhỏ, thì sau này không chỉ xây dựng được mối quan hệ cha con tốt đẹp, mà quan trọng hơn “sau 5 tuổi, con trai sẽ xuất hiện sức mạnh khiến con khát khao rời xa thế giới của người mẹ và bước vào thế giới của người cha”.
Từ người cha, trẻ sẽ học được những kiến thức về cơ thể đàn ông, cảm nhận được tinh thần của nam giới, đặc biệt là học được cách dùng phương thức của đàn ông để giải quyết các mối quan hệ và “dần dần bản lĩnh nam giới của trẻ sẽ ăn khớp với yêu cầu của xã hội”.
Cuốn sách cùng đề cao vai trò người cha trong quá trình khôn lớn của con. |
Bởi vậy, nếu người cha không tích cực tham gia vào quá trình trưởng thành của con sẽ gây ra những trở ngại cho mối quan hệ giữa hai cha con. Thậm chí, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì “ảnh hưởng của người cha với con rất nhỏ” đồng thời cũng dễ xảy ra xung đột.
Tác giả Dương Văn cũng nhấn mạnh, hãy yêu con bằng một “tình yêu vươn xa”. Thực tế cha mẹ nào cũng mong muốn được gần bên con cái, nhưng để con trưởng thành và tự lập bước vào xã hội, cha mẹ đôi khi cần “từ bỏ” những cảm nghĩ, tình cảm cá nhân.
Chính sự nỗ lực, học hỏi không ngừng và biết “từ bỏ” đã mang lại cho tác giả Dương Văn cùng chồng bà nhiều “trái ngọt”. Năm 2003, cậu con trai bà cùng lúc được 6 trường đại học ở Anh gọi nhập học.