Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhìn rác ngập phố Hà Nội, hãy học cách sống không rác thải như sách

Để thực hành được lối sống không rác thì phải hiểu rõ được rác thải đến từ đâu và chúng sẽ đi về đâu.

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều chương trình, tổ chức kêu gọi hành động bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi ra các khu vực công cộng, ra sông hồ, biển và đại dương. Nhưng theo blogger Bea Johnson, mọi chuyện phải bắt nguồn từ việc không còn gì để xả nữa, tức là không rác. Vậy chính xác thì không rác là gì?

Review sach Nha khong rac anh 1
Hình tượng robot xử lý rác trong một bộ phim viễn tưởng. 

Trong cuốn sách đầu tay của mình, Nhà không rác, tác giả Bea Johnson đã chia sẻ câu chuyện của mình về cô và gia đình mình thực hành lối sống không rác trong suốt hơn mười năm qua.

Cô áp dụng quy tắc 5R: Refuse (từ chối những gì bạn không cần), reduce (tiết giảm những gì ta cần và không thể từ chối), reuse (tái sử dụng những gì ta tiêu thụ, không thể từ chối hoặc không thể tiết giảm), recycle (tái chế những gì không thể từ chối, không thể tiết giảm và không thể tái sử dụng), rot (ủ phân những gì còn lại).

Bằng những phân tích của mình, Bea Johnson đã chỉ ra nguồn rác thải sinh hoạt hàng ngày đến từ đâu và chúng ta có thể thay thế, cải thiện nó bằng các sản phẩm bền vững như thế nào để có thể tiến đến được tiến trình không rác.

Tưởng tượng mà xem, trong nhà bếp, rác thải đến từ những túi ni lon đựng thức ăn, hay đến từ vỏ cắt rau củ, đến từ bao bì đựng gia vị và nguyên vật liệu hay chính thức ăn thừa trong gia đình cũng đóng góp phần lớn trong thùng rác nhà bạn. Đó là chưa kể rác trong nhà tắm, trong phòng ngủ và tủ quần áo, trong việc chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, hay những dịp lễ tết, quà tặng. Tất cả đều khiến thùng rác của mỗi gia đình đều trở nên đầy ắp.

Review sach Nha khong rac anh 2
Sách Nhà không rác

Bước "Refuse", tức là từ chối những gì không cần trở thành bước quan trọng nhất trong quy trình không rác của Johnson. Mỗi người cần phải học cách kiềm chế mua những đồ dùng thực sự không cần thiết, hoặc chắc chắn biết sẽ không dùng thường xuyên và tạo thói quen mua đồ dùng tại các cửa hàng không đóng gói bằng cách tự mang túi đựng, bình đựng cá nhân đi.

Và câu nói: “Tôi không có thùng rác ở nhà” trở thành câu cửa miệng của Johnson mỗi khi cô mang theo hàng loạt những chai, những lọ, những túi để mua sắm cho gia đình.

Nhưng thay vì mang lại gánh nặng và tiêu tốn thời gian của Johnson, lối sống không rác ngược lại mang đến nhiều lợi ích chưa từng thấy cho gia đình cô.

Thứ nhất, đó là sự tự tin. Việc sống không rác sẽ giúp sự tự tin của cô đạt tới một tầm cao mới. Ta cần rất nhiều nỗ lực mới có thể thay đổi thói quen và đối diện với ánh nhìn của người khác. Khi vượt qua lần đầu tiên cầm túi đến mua đồ, những lần sau sẽ trở nên thật tự nhiên và sự tự tin của ta được tăng cao hơn bao giờ hết.

Thứ hai, đó là tiết kiệm tài chính gia đình và tăng thời gian quây quần bên gia đình. Khi đã loại bỏ những thứ không cần thiết, cuộc sống bỗng trở nên đơn giản hơn rất nhiều, các bậc cha mẹ cũng sẽ dành được nhiều thời gian bên con hơn thay vì lo lắng về việc chi tiêu lãng phí.

Thứ ba, sống không rác có thể lan tỏa và truyền cảm hứng đến nhiều người hơn, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Nếu đọc được câu chuyện về một người có thể sinh hoạt thường ngày mà không thải ra rác thải, hoặc ít rác thải đến như vậy khiến những người khác trở nên tự tin là mình cũng có thể làm được. Nỗ lực của một cá nhân nhỏ có thể dẫn đến sự thay đổi của một xã hội lớn mà ta chẳng thể nào đoán trước được.

Review sach Nha khong rac anh 3
Tác giả Bea Johnson. 

Đúng với mục đích lan truyền thông điệp của tác giả, cuốn sách Nhà không rác trở nên đặc biệt hơn khi được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường như giấy kraft có thể tái chế, mực in gốc thực vật và không dùng nylon để cán bóng hay phủ bìa sách.

Không giảng giải quá nhiều những đạo lý to lớn hay ép buộc bất cứ ai phải sống giống hệt Johnson, Nhà không rác chỉ đơn giản là những câu chuyện, ví dụ thực tiễn về những điều mà tác giả đã thực hiện, có cả thành công, có cả thất bại, nhưng ít nhất cô đã thử và tìm ra được kết quả riêng cho mình.

Còn tương lai của mỗi chúng ta ra sao thì phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chính bạn ngày hôm nay.




Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm