Trong phần đầu cuốn De Gaulle và Việt Nam (1945-1969) (NXB Đại học Sư phạm phát hành tháng 4/2019, bản dịch của Lê Hồng Phấn, Hoàng Thị Hằng, Bùi Thị Hệ), tác giả Pierre Journoud đã viết về mối quan hệ giữa cựu hoàng Duy Tân, mà người Pháp gọi là hoàng thân Vĩnh San, với nhà lãnh đạo Pháp De Gaulle và kế hoạch bất thành về việc đưa cựu hoàng về cầm quyền tại Việt Nam.
Ông vua đam mê môn vô tuyến điện
Theo nghiên cứu của tác giả, trong thời gian lưu đày tại đảo Réunion ở Ấn Độ Dương, cựu hoàng Duy Tân đã theo đuổi niềm đam mê với môn vô tuyến điện.
Trước mối đe dọa gia tăng từ chủ nghĩa Quốc xã từ năm 1936, cựu hoàng đã nhiều lần yêu cầu được tham gia quân đội Pháp, đồng thời khước từ một số đề nghị bí mật trốn về Việt Nam vì ông muốn trở về một cách công khai, đàng hoàng.
Nhờ sở hữu một đài thu thanh rất mạnh mà cựu hoàng Duy Tân đã nghe được lời hiệu triệu nhân dân Pháp đứng lên kháng chiến chống phát xít Đức của De Gaulle, phát trên đài phát thanh BBC của Anh ngày 18/6/1940. Ngay lập tức, cựu hoàng gia nhập một dạng kháng chiến bí mật trên đảo và việc này khiến ông bị giới cầm quyền đảo Réunion, lúc đó đang theo phái Vinchy (là tay sai của Đức), tạm giữ hành chính trong một thời gian.
Đến năm 1942, khi đảo Réunion quay sang theo De Gaulle, cựu hoàng đã tham gia công tác trên chiến hạm Léopard của lực lượng nước Pháp tự do. Một số tài liệu trước đây nói là cựu hoàng đã gia nhập quân đội từ khi đó với cấp bậc hạ sĩ, nhưng sách của Pierre Journoud cho rằng, ông chỉ làm hợp đồng với tư cách là phụ tá và sau đó được nâng lên phó, rồi trưởng trạm phụ trách vô tuyến điện.
“Mặc dù ông đã nhiều lần làm đơn xin ra trận nhưng nhà cầm quyền quân sự Pháp, từ lâu vẫn nghi kỵ ông hoàng dân tộc chủ nghĩa có quá khứ nổi loạn này, nên mãi đến tháng 1/1941 mới chấp nhận đưa ông vào quân đội Pháp với quân hàm Chuẩn úy”, sách De Gaulle và Việt Nam viết.
Cựu hoàng Duy Tân trong quân phục quân đội Pháp. |
Pierre Journoud cho biết đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 9/1945, cựu hoàng làm tiểu đoàn trưởng trong quân đội chiếm đóng nước Đức và được thưởng Huân chương Kháng chiến. Bộ chỉ huy quân đội Pháp dự tính sau đó đưa ông về Ban tham mưu Sư đoàn 9 Bộ binh thuộc địa, lên đường sang Viễn Đông. Trước đó, ngày 16/7, ông đã đăng trên báo Combat (Chiến đấu) một chúc thư chính trị, trong đó, ông chủ trương Việt Nam phải giành độc lập.
Từ đó, tên của ông bắt đầu lan truyền trong giới cầm đầu quyền lực ở Pháp như một người thương thuyết tiềm năng của chính phủ, trong khi tại Việt Nam, một nhóm sĩ quan và người thuộc phái De Gaulle đang từng bước chuẩn bị cho sự trở lại ngai vàng của cựu hoàng có thể xảy ra.
Cái chết đột ngột của cựu hoàng
Và cuộc gặp gỡ quan trọng đã diễn ra ngày 16/12. Hoàng thân Vĩnh San, người đầu năm 1941 mới ở cấp bậc Chuẩn úy mà lúc này đã đeo lon Thiếu tá, đã được tiếp kiến De Gaulle, người mà ông thực lòng ngưỡng mộ và cựu hoàng đã bày tỏ quan điểm của mình với vị tướng này.
Sau cuộc hội kiến, cựu hoàng đã nói với ông Eugène Thébault, Chánh văn phòng Thống đốc đảo Réunion rằng cuối cùng chính phủ Pháp cũng quyết định đưa Duy Tân trở lại ngai vàng nước Nam và De Gaulle dự định đích thân đi cùng ông trong những ngày đầu tháng 3/1946, thời gian chuẩn bị dư luận và soạn thảo một loạt hiệp định để hai chính phủ ký kết.
Tuy nhiên ngày 26/12/1945, trên đường về đảo Réunion, chiếc phi cơ Lockheed Lodestar đã bị rơi ở M’Baiki giữa khu rừng nhiệt đới thuộc Cộng hòa Trung Phi hiện nay. Không một hành khách nào sống sót. Trong số 6 người tử nạn, có cựu hoàng Duy Tân.
“Theo một số nhân chứng ít ỏi, cái chết đột ngột của ông hoàng đã khiến cho De Gaulle thất vọng sâu sắc vì không còn người làm cha đỡ cho ‘ý đồ bí mật’ giải quyết vấn đề Đông Dương, trong bối cảnh chính trị mỗi ngày một thêm khó khăn”, sách viết.
Trong cuốn hồi ký Để phục vụ tướng De Gaulle do NXB Plon, Paris xuất bản năm 1982, tướng Boissieu đã viết: “Có phải sự mất tích đó là một trong những nguyên nhân khiến De Gaulle từ chức vào ngày 20/1/1946”.
De Gaulle và Việt Nam (1945-1969) là bản rút ngắn của luận án tiến sĩ ngành Lịch sử Quan hệ Quốc tế, tập trung vào mối quan hệ giữa Pháp, Mỹ và Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, đã được tác giả Pierre Journoud bảo vệ năm 2007 tại Đại học Paris I Panthéon, Sorbonne. Công trình này đã được trao giải thưởng Jean-Baptise Duroselle - giải thưởng dành cho những luận án xuất sắc về Lịch sử Quan hệ Quốc tế.
Ông Journoud khi đó là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quân sự Pháp, đồng thời là cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử châu Á hiện đại. Hiện nay, ông là giáo sư môn Lịch sử tại Đại học Paul-Valéry Montpellier III.