Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính quyền Nguyễn Khánh đẩy nhanh tử hình anh Trỗi như thế nào?

Chính quyền Nguyễn Khánh rất muốn đẩy nhanh việc tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi. Chính tài liệu của chính quyền này đã “thừa nhận” điều đó.

Sau khi bắt được anh Nguyễn Văn Trỗi và người đồng đội Nguyễn Hữu Lời khi đang thực hiện nhiệm vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara tại cầu Công Lý, chính quyền Nguyễn Khánh rất muốn đẩy nhanh việc tử hình anh. Chính tài liệu của chính quyền này đã “thừa nhận” điều đó.

Trong Phông Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) có lưu giữ hồ sơ nói về quá trình xét xử anh Nguyễn Văn Trỗi. Hồ sơ này gồm 4 tài liệu cho biết tiểu sử, quá trình tham gia cách mạng của anh Trỗi, mô tả lại sự kiện ngày 9/5 tại cầu Công Lý, việc anh Trỗi bị bắt, tự nhận tội về mình...

Chinh quyen Nguyen Khanh xu tu anh Troi anh 1
Anh Trỗi (bên trái) và anh Lời lúc bị bắt cùng với quả mìn. Ảnh tư liệu.

Bên cạnh đó còn hé lộ một số thông tin cần chú ý như chính quyền Nguyễn Khánh định thi hành án tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi vào cuối tháng 8/1964, sau đó việc thi hành án phải tạm ngưng cho đến 10/1964.

Tài liệu biên bản Hội đồng ân xá ngày 17/6/1964 cho biết Hội đồng ân xá nhóm họp tại phòng Bộ Tư pháp, số 47 đại lộ Thống Nhất Sài Gòn vào lúc 17h ngày 17/8/1964 để xét các đề nghị ân xá và bày tỏ ý kiến về các khoản ân giảm cho phạm nhân được hưởng. Trong phiên họp này, Hội đồng ân xá xem xét hồ sơ xin ân xá của 4 tội nhân, trong đó có anh Nguyễn Văn Trỗi.

Tài liệu này cũng cho biết anh Trỗi sinh năm 1940 tại xã Thanh Quýt, quận Điện Bàn (Quảng Nam), thợ điện, con của Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Thị Tuất, có vợ, không có tiền án.

Tài liệu này viết (nguyên văn): “Ngày 9/5/1964, nhờ có mật báo, cảnh sát quận 3 đã bắt được Nguyễn Văn Trỗi đang chuyền dây điện cho một tên Việt cộng dưới ao rau muống gần cầu Công Lý. Nguyễn Văn Trỗi thú nhận đã gia nhập tổ chức Việt cộng khu Sài Gòn - Gia Định do Lê Đức Hiền làm tổ trưởng và chính Trỗi đã dụ được Nguyễn Hữu Lời gia nhập tổ chức. Ngày 7/5/1964, y đã nhận được của Lê Đức Hiền 800 USD để mua dây điện và 16 cục pin dùng để giật mìn phá cầu Công Lý trong dịp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mac Namara sang Việt Nam. Ngày 11/5/1964, Nguyễn Hữu Lời có phận sự xuống ao rau muống kéo dây điện cột vào cây dừa cách cầu 100 thước. Còn Lê Đức Hiền lo việc đặt mìn và nối dây điện vào khối pin 72W cho nổ.

Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị bắt quả tang khi đang thi hành công tác phá hoại nói trên. Tại nha cảnh sát Đô Thành, chúng xác nhận đã hành động như trên, Nguyễn Văn Trỗi nhảy qua cửa sổ tầng lầu 2 để tự vẫn, nhưng chỉ bị trầy xương chân mặt mà thôi.

Trước tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 Chiến Thuật, ngày 10/8/1964, Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời đã xác nhận những hành động của chúng.

Tòa đã tuyên xử: Nguyễn Văn Trỗi tử hình và tịch thâu toàn bộ tài sản về tội phản nghịch, toan phá hủy và toan mưu sát”.

“Sau khi xem xét, Hội đồng ân xá đề nghị bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi, vì việc bảo vệ an ninh cho chánh khách các quốc gia bạn của Việt Nam Cộng hòa cần được thực hiện một cách hữu hiệu bằng cách thực hành bản án tử hình tên Việt cộng này”.

Chinh quyen Nguyen Khanh xu tu anh Troi anh 2
Sắc lệnh số 2-CTP ngày 22/8/1964 của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa v/v bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi.

Ngoài biên bản trên, hồ sơ nói về quá trình xét xử anh Nguyễn Văn Trỗi còn có:

Quyết định ngày 22/8/1964 của Hội đồng Nội các trong phiên họp ngày 19/8/1964 v/v thi hành bản án xử Nguyễn Văn Trỗi về việc đặt plastic phá hoại cầu Công Lý.

Sắc lệnh số 2-CTP ngày 22/8/1964 của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa v/v bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi, sinh năm 1940 tại xã Thanh Quýt (Quảng Nam) do tòa án Quân sự tại Mặt trận Vùng 3 Chiến thuật ngày 10/8/1964 xử phạt tử hình về tội phản nghịch, toan phá hủy và toan mưu sát.

Một mảnh giấy viết tay ghi: Vì tình hình sau ngày 25/8/1964, Bộ Tư Pháp đã tạm ngưng vụ hành quyết cho đến ngày 7/10/1964 đã hành quyết tại trung tâm cải huấn Chí Hòa.

Qua các tài liệu trên, có thể thấy chính quyền Nguyễn Khánh đã rất muốn đẩy nhanh việc tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi và định việc này vào cuối tháng 8/1964. Tuy nhiên, việc này phải tạm ngưng lại vì sau ngày 25/8/1964 (sau các phong trào biểu tình chống Nguyễn Khánh tình hình chính trị bất ổn, các cuộc binh biến diễn ra liên tiếp...). Sau đó, chính quyền Nguyễn Khánh định tử hình anh Trỗi ngày 7/10/1964.

Chinh quyen Nguyen Khanh xu tu anh Troi anh 3
Bài viết trên báo Nhân Dân ngày 13/10/1964 ca ngợi hành động của các du kích Venezuela.

Tuy nhiên, những ngày trước khi đưa anh Trỗi ra xử bắn, ở phía bên kia bán cầu, một tổ chức du kích Venezuela do mến mộ và xúc động gương chiến đấu dũng cảm của anh Trỗi nên đã truy bắt tên trung tá tình báo không quân Hoa Kỳ Michael Smolen để đổi lấy anh. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan này vừa được trả tự do thì chính quyền Sài Gòn trở mặt, vội vàng đưa Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường Chí Hòa xử bắn vào lúc 9h45 ngày 15/10/1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài.

Trong những giây phút cuối cùng, trước họng súng kẻ thù, anh Trỗi không hề run sợ, dõng dạc hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi / Đả đảo đế quốc Mỹ / Đả đảo Nguyễn Khánh / Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! / Việt Nam muôn năm!”.

Sau sự hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ đã lấy hình tượng đó để ca ngợi anh. Nhà báo Trần Ðình Vân (Thái Duy) sau khi tiếp xúc với chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi (sau 19 ngày anh cưới chị thì bị bắt) đã cho ra đời Sống như anh, một tác phẩm được các đơn vị bộ đội lấy làm tài liệu giáo dục, cùng nhau đọc và học tập noi gương anh Trỗi.



Cù Dung - Minh Châu

Bạn có thể quan tâm