Arsenal thua trận Premier League thứ 2 liên tiếp. Nếu như thất bại trước Man City có “công” phá hoại chủ yếu của David Luiz, trận thua trước Brighton lại chứng kiến hàng thủ Arsenal sụp đổ ở những phút thi đấu cuối cùng. Có lẽ không nhiều người biết Brighton chưa từng ghi bàn sau phút 93 trong suốt chiều dài lịch sử Premier League, nhưng họ đã làm được điều đó trước hàng thủ Arsenal.
Có Luiz hay không Luiz thì Arsenal vẫn thua và hàng thủ vẫn bị chỉ trích. Tuy nhiên, chúng ta có thể lấy David Luiz làm hình ảnh đại diện để lột trần gương mặt thảm hại của Arsenal.
David Luiz trải qua màn trình diễn thảm họa bậc nhất cuộc đời cầu thủ của mình trước Man City. Ảnh: Getty Images. |
Khi sai lầm quen thuộc như hơi thở
Vài người hâm mộ đang bênh David Luiz. Họ cho rằng sai lầm là điều có thể chấp nhận được đối với cầu thủ vừa trở lại chơi bóng sau 3 tháng xa rời sân cỏ. Tuy nhiên, những người hâm mộ mù quáng của Luiz quên mất trước trận đấu thảm họa với Man City, Luiz nhiều lần bị đánh giá là “trung vệ không biết phòng ngự”.
Huyền thoại Martin Keown cho rằng Luiz nên đi học lại những kỹ năng cơ bản của hậu vệ. Trong khi đó, Gary Neville chua ngoa hơn với phát biểu: “Luiz giống như nhân vật game bóng đá đang được điều khiển bởi cậu bé 10 tuổi”.
Vào thời điểm Arsenal chiêu mộ Luiz, cựu cầu thủ của họ, Nigel Winterburn, từng khuyên Arsenal nên trao băng đội trưởng cho Luiz (thay thế cho Laurent Koscielny đã được bán sang Bordeaux).
Anh này cho rằng Arsenal từ lâu đã thiếu vắng bóng thủ lĩnh và hậu vệ nhiều kinh nghiệm như Luiz có thể lấp được khoảng trống này. Arsenal thừa nhận HLV Unai Emery từng nghĩ tới khả năng này, nhưng sau khi tính toán lại vẫn quyết định trao băng đội trưởng cho Granit Xhaka.
Chẳng lẽ Arsenal không biết David Luiz có hẳn lịch sử hoành tráng các sai lầm cơ bản trong phòng ngự. Lật lại trận thua thảm họa 1-7 mà Brazil gánh chịu trước Đức tại World Cup 2014, có ít nhất 3 bàn thua của Brazil mà Luiz phải gánh chịu trách nhiệm. Thú vị ở chỗ, đó là trận đấu mà Luiz đeo băng đội trưởng đội tuyển Brazil.
Luiz bị Luis Suarez 2 lần cho bẽ mặt bằng những cú "xâu kim" năm 2015. Ảnh: Getty Images. |
Năm 2015, Luiz đầu quân PSG và chạm trán Barcelona ở Champions League. Niềm tin vào Luiz lại tiếp tục lung lay dữ dội khi anh bị Luiz Suarez sỉ nhục bằng 2 tình huống “xỏ háng”. Năm 2018, Luiz trở lại Chelsea và mắc sai lầm nghiêm trọng trong trận hòa của "The Blues" trước Man United. Cùng năm đó, anh có tình huống truy cản siêu nghiệp dư, gián tiếp dẫn tới việc Son Heung-min đi bóng từ giữa sân thẳng vào khung thành Chelsea.
Và đỉnh điểm là mùa bóng này. Trước 2 sai lầm khủng khiếp ở trận gặp Man City, Luiz đã từng lĩnh 1 thẻ đỏ và 3 lần biếu đối thủ penalty. Anh kéo áo Mohamed Salah dẫn tới việc Arsenal thua Liverpool 1-3. Anh lĩnh thẻ đỏ trong trận gặp lại Chelsea và tiếp tục ăn thẻ đỏ trước Man City.
Arsenal và những căn bệnh vượt thời gian
Một cầu thủ mắc sai lầm có hệ thống như David Luiz được Arsenal chiêu mộ vốn dĩ đã cho thấy sự bế tắc về lựa chọn của Arsenal. Thế nhưng, đến mức độ từng được cân nhắc giao tấm băng đội trưởng lại càng tố cáo sự túng quẫn đến tội nghiệp của "Pháo thủ".
Trong các đại gia ở Premier League, Arsenal có lẽ là đội bóng thiếu ổn định nhất trong nhiều năm qua. Kể cả trong những năm cuối thời Arsene Wenger đến sau này, "Pháo thủ" vẫn luôn chật vật với 3 căn bệnh: Phòng ngự thiếu ổn định, chấn thương tràn lan và thi đấu mà không có thủ lĩnh.
Gael Clichy cho rằng cách mà Arsenal sụp đổ trước Man City mới đây khá giống với "Pháo thủ" từng dẫn Newcastle 3-0 rồi bị ngược dòng hòa 4-4 năm 2011. Đây cũng là mô tuýp đại diện cho những cú ngã quen thuộc của Arsenal trong các cuộc đua Premier League suốt thập niên qua: Luôn chơi tưng bừng trong giai đoạn nhất định rồi sụp đổ vào thời khắc quan trọng.
Suốt một thập niên qua, Arsenal luôn chật vật bởi những vấn đề quen thuộc như chấn thương, thiếu thủ lĩnh, hàng thủ tệ. Ảnh: REX. |
Kể từ khi Premier League trở lại, Arsenal cũng là đội bóng chứng kiến nhiều chấn thương nhất. Ở trận gặp Man City là trường hợp của trung vệ Pablo Mari cùng tiền vệ Granit Xhaka, rồi đến trận Brighton là ca chấn thương của thủ thành Bernd Leno. Từ thời Wenger đến nay, chấn thương luôn là nỗi ám ảnh của Arsenal. Rốt cuộc đó là cái dớp, giáo án tập luyện chưa hợp lý hay hệ thống y tế của "Pháo thủ" có vấn đề? Hay cả ba?
Và cuối cùng là vấn đề thiếu thủ lĩnh. Việc cầu thủ mắc sai lầm thành thói quen như David Luiz mà từng được tin tưởng để bạt đeo băng đội trưởng cho thấy hành trình đi tìm thủ lĩnh như Patrick Vieira năm xưa của Arsenal gian nan thế nào.
"Pháo thủ" từng tin tưởng Mesut Oezil, nhưng rồi rốt cuộc đau lòng chứng kiến tiền vệ này biến từ niềm hy vọng thành “cục nợ” ăn lương cao nhưng không làm gì. Niềm tin dành cho Xhaka cũng bị phản bội khi cầu thủ này cũng là một trong những khởi nguồn của các sai lầm.
3 vấn đề vừa liệt kê bên trên cho thấy rất rõ, chuyện Arsenal bước từ kỷ nguyên của Wenger sang thời của Unai Emery hay Mikel Arteta, thì những bế tắc mà họ phải đối mặt vẫn không thay đổi. Rõ ràng, những rào cản ghìm chân "Pháo thủ" lại thuộc về hệ thống chứ không hoàn toàn là vấn đề phát sinh do thay đổi HLV hay trục trặc về triết lý. Có lẽ Arsenal cần cuộc đại cách mạng trên toàn hệ thống mới hy vọng trở lại là một quyền lực lớn ở Premier League.