Nằm ở độ cao 3.812 m so với mặt nước biển, Titicaca là hồ nước cao nhất thế giới, tọa lạc giữa biên giới của Bolivia và Peru. Với độ sâu trung bình 107 m và là nguồn nước ngọt khổng lồ, Titicaca chính là một trong những cái nôi của văn minh châu Mỹ cổ đại, với nhà nước Tiwanaku kéo dài từ khoảng năm 500-1000.
Khoảng 1.200 năm trước, ở nơi nay là dải đá ngầm nằm giữa hồ Titicaca, những người dân thời kỳ đó đã cất giữ các vật phẩm có giá trị nhất đối với họ. Vào năm 2013, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những đồ vật này sau một cuộc khai quật dưới nước. Nhưng phải đến 6 năm sau, họ mới có thể đưa ra kết luận về ý nghĩa của chúng.
Rất có thể đây là bằng chứng cho thấy một tôn giáo đã xuất hiện ở thời kỳ đó và giúp cho nhà nước Tiwanaku trở thành một đế chế hùng mạnh trong khu vực.
Hồ Titicaca nằm giữa Bolivia và Peru là hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ. Ảnh: AP. |
Vết tích của tôn giáo bí ẩn
Kết quả của cuộc khai quật được công bố trong một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Trong số những tạo tác được vớt lên từ đáy hồ có các đồ vật bằng vàng, kim loại, đá quý cùng với bát hương, điều này cho thấy nhiều khả năng khu vực này là một địa điểm để thực hiện các nghi lễ tôn giáo của nhà nước Tiwanaku cổ xưa.
Các nhà nhân học vẫn đang xâu chuỗi những manh mối về một tôn giáo, thứ đã giúp Tiwanaku trở thành đế chế hùng mạnh ở khu vực. Ở đỉnh cao, lãnh thổ của vương quốc này kéo dài đến tận Chile và Peru.
Người Tiwanaku không để lại dấu vết nào của một lực lượng quân sự tinh nhuệ, và quốc gia này được cho là gây dựng tầm ảnh hưởng thông qua tôn giáo và thương mại.
Những đồ vật được tìm thấy trong quá trình khai quật bao gồm hai huy chương bằng vàng, đại diện cho vị thần của người Tiwanaku và các tấm bài bằng kim loại in hình loài vật linh thiêng của họ, một con vật lai giữa báo và lạc đà không bướu. Các thợ lặn cũng tìm thấy xương của các loài động vật khác, trong đó có ít nhất 3 bộ xương lạc đà không bướu dùng để tế thần.
Một phát hiện bất ngờ khác ở khu vực khai quật, có tên là dãy đá ngầm Khoa nằm ở giữa hồ Titicaca, đó là sự xuất hiện của vỏ sò gai biển. Đây là loài vật sinh sống ở Thái Bình Dương, và sự xuất hiện của chúng ở địa điểm cách bờ biển gần 2.000 km cho thấy hoạt động thương mại của người Tiwanaku đã rất phát triển vào thời kỳ đó.
Địa điểm của dãy đá ngầm Khoa, nơi các nhà khảo cổ phát hiện những hiện vật có giá trị thông tin về tôn giáo của người Tiwanaku. Ảnh: National Geographic. |
Ông Jose Capriles, nhà nhân chủng học, giáo sư đại học Penn State và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết việc phát hiện những vỏ sò này là rất có ý nghĩa.
Tại sao những người Tiwanaku lại bỏ những đồ vật quý giá như vậy dưới đáy hồ trên đỉnh dãy núi Andes? Ông Capriles cho rằng đây là bằng chứng của một tôn giáo đang được hình thành - thứ đã khiến nhà nước Tiwanaku phát triển hùng mạnh.
Nền tảng cho đế chế hùng mạnh
Bằng việc sử dụng những đồ vật quý giá và hiếm có, người Tiwanaku cho thấy đức tin mạnh mẽ vào truyền thống tôn giáo của họ, đây là điều quan trọng để hình thành nên cộng đồng và xã hội. Ông Capriles nhận định: "Những vị thần mà họ tạo ra đã trở thành tổ chức chi phối hành vi của họ".
Tôn giáo mới này đã đặt ra nền tảng cho các cư xử chuẩn mực đạo đức và hành vi xã hội. "Nếu bạn cư xử tốt, bạn sẽ trở thành người bất tử. Nhưng nếu bạn là người xấu, bạn sẽ bị trừng phạt bởi các vị thần", ông Capriles cho biết.
Một đức tin chung cũng có nghĩa là mọi người có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đảm bảo rằng họ sẽ không bị coi là người xa lạ. Nhóm nghiên cứu xác định điều này chính là nhân tố quan trọng giúp nhà nước Tiwanaku mở rộng lãnh thổ.
Tiwanaku được các nhà khoa học xác định là một "nhà nước hiếu khách", đa văn hóa, đưa mọi người đến với nhau bằng việc xây dựng các tượng đài lớn, có thể để phục vụ các lễ hội tôn giáo.
Các hiện vật được phát hiện dưới đáy hồ. Ảnh: Teddy Seguin/National Geographic. |
Ở đỉnh cao của mình, Tiwanaku đã có tầm ảnh hưởng bao trùm khu vực Nam Mỹ trong khía cạnh kinh tế và văn hóa, với dân số có thể lên tới 20.000 người. Nhưng nhà nước này sụp đổ vào khoảng năm 1000 sau Công nguyên một cách bí ẩn trong khi các nhà khoa học vẫn đang đau đầu tìm lời giải.
"Tiwanaku là đế chế châu Mỹ bản địa hùng mạnh nhất mà bạn chưa từng nghe tới", ông Paul Goldstein, nhà khảo cổ học của đại học UC San Diego, cho biết.
"Mỗi khi chúng ta tìm thấy điều gì phản ánh sự phức tạp của xã hội đó, nó cho chúng ta biết thêm những kiến thức về các xã hội khác trên thế giới", chuyên gia này nhận định.
Đế chế Tiwanaku đã ở rất xa trong quá khứ, nhưng đối với ông Capriles, những hiện vật được khai quật dưới đáy hồ Titicaca đã giúp mang sự sống trở lại với nền văn minh này. "Họ cảm thấy biết ơn, và tạo ra những đồ vật để thờ cúng. Họ cũng là những người như bạn và tôi", ông Capriles nhận xét.