Một hóa thạch của động vật cổ đại vừa được phát hiện có đường kính khoảng 4 cm và có một bộ 18 xúc tu phủ lông mỏng, không giống loài sứa lược ngày nay. Hóa thạch được phát hiện trong một mẫu đá bùn lấy từ những ngọn núi nằm rải rác giữa các cánh đồng lúa và đất nông nghiệp ở miền nam Trung Quốc.
Theo Science Bulletin, sinh vật này được mệnh danh là Daihua. Các nhà khoa học từ Đại học Bristol, Đại học Vân Nam ở Trung Quốc và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của London đã so sánh hóa thạch mới được phát hiện với một sinh vật khác cũng có 18 xúc tu là Dinomischus.
Hóa thạch của sinh vật biển mới được phát hiện ở miền nam Trung Quốc có hình dạng giống như một bông hoa. Ảnh: BuzzFresh. |
Mặc dù trông giống một bông hoa, hoàn chỉnh với "thân cây" neo sinh vật dưới đáy biển, đây là một con vật có bộ xương hữu cơ và được cho là đã lọc nước xung quanh qua các xúc tu đầy lông của nó để lấy thức ăn.
Các nhà khoa học cho rằng sinh vật này thuộc phả hệ sứa lược. Các hóa thạch mới được phát hiện đã lấp đầy khoảng trống trong dòng tiến hóa của loài sứa lược hiện đại.
Nhóm nghiên cứu đề xuất lý thuyết giải thích cách loài sứa hiện đại phát triển từ bộ xương hữu cơ đến vẻ ngoài trong suốt hoặc óng ánh như ngày nay.
Theo Geology In, những chiếc lược của loài sứa lược phát triển từ những xúc tu gắn vào đáy biển của tổ tiên giống như san hô. Sau đó, miệng của chúng mở rộng thành những quả cầu giống như quả bóng bay, trong khi cơ thể ban đầu của chúng giảm kích thước để các xúc tu vốn bao quanh miệng của con vật sẽ hình thành từ sau đầu của chúng.
Sứa lược hiện đại là loài ăn thịt bơi bằng cách sử dụng các dải lược óng ánh dọc theo cơ thể. Các nhà khoa học suy đoán rằng sinh vật cổ đại này có thể đã sử dụng "lược" của mình để bắt con mồi.