"Sản phẩm văn hóa không đơn thuần mang tính giải trí, nó ảnh hưởng đến cuộc sống, xã hội, đến bản sắc dân tộc. Văn hóa còn có sức mạnh kinh tế rất lớn, hỗ trợ phát triển đất nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của giá trị văn hóa và bản sắc con người Việt Nam trong phát triển các lĩnh vực của đất nước.
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Bộ VH-TT&DL) bày tỏ tâm đắc với quan điểm này. Ông kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ đầu tư xứng đáng để phát huy nguồn lực kinh tế từ các giá trị văn hóa.
- Truyền thống văn hóa và bản sắc con người Việt Nam luôn được nhắc đến và thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong bối cảnh đất nước khó khăn. Nhìn lại đại dịch Covid-19 vừa qua, ông nghĩ gì về nhận định này?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như một khẳng định về vai trò đặc biệt của văn hóa với sự phát triển đất nước, con người Việt Nam.
Ngày nay, Đảng có nhiều chủ trương về phát triển văn hóa, coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của đất nước”, “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội”, hay “văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội”.
Văn hóa là những giá trị mà con người Việt Nam đúc kết qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài trong lịch sử, từ đó hình thành phong tục, tập quán, những giá trị chung của dân tộc như đoàn kết, yêu nước, nghĩa tình, cần cù lao động... Đây là những giá trị quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn.
Trong đại dịch Covid-19, giá trị văn hóa thể hiện qua tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” và đã tạo ra sức mạnh. Mỗi khi có dịch bệnh, chiến tranh, con người Việt Nam đều hướng về đất nước, từ đó tạo ra sự gắn kết lớn lao, tinh thần dân tộc vĩ đại. Đó là giá trị quan trọng mà văn hóa đem lại.
Văn hóa luôn được xem là mục tiêu của sự phát triển, vì văn hóa tạo nên con người (tất nhiên ở góc độ nào đó con người cũng tạo ra văn hóa). Mất văn hoá là mất tất cả! Chúng ta phải xây dựng văn hóa, xây dựng con người bởi phát triển văn hóa mới là sự phát triển bền vững nhất.
Sở dĩ đất nước có được như ngày hôm nay là bởi chúng ta đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong lịch sử. Những khó khăn đó đã hun đúc nên những tính cách cụ thể, nét văn hóa của con người Việt Nam.
Ví dụ, ít có dân tộc nào xây dựng được một biểu tượng thiêng liêng như biểu tượng Vua Hùng của người Việt. Trải qua thời gian, dù có sự khác biệt về hệ tư tưởng, các thời đại đều coi Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc, giá trị thời kỳ Hùng Vương là giá trị xuyên suốt, tạo ra sức mạnh đoàn kết cho dân tộc. Nhờ sức mạnh tinh thần đoàn kết đó, chúng ta đã vượt qua mọi kẻ thù.
Câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên ra trận và dựng xây đất nước tươi đẹp như hôm nay. Đây là lý do chúng ta đề nghị và được UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như một sự tri ân đối với biểu tượng văn hoá của dân tộc.
Nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng tinh thần đoàn kết, yêu nước của người Việt Nam được phát huy nhiều hơn trong hoàn cảnh khó khăn, như chiến tranh, hay dịch bệnh.
Thiết nghĩ, chúng ta cần duy trì những giá trị văn hóa này trong cả lúc khó khăn lẫn thuận lợi, để văn hoá Việt Nam thực sự là hành trang tốt, động lực cho sự phát triển xã hội. Tất nhiên, cách thể hiện của các giá trị này mỗi hoàn cảnh một khác.
Ví dụ: Lòng yêu nước khi chống giặc ngoại xâm là hy sinh bản thân, hy sinh lợi ích gia đình, cùng nhau ra trận, thì trong thời bình, lòng yêu nước thể hiện bằng việc lo phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, hay đơn giản chỉ là ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Phải có sự chuyển hóa nhanh chóng nội hàm cụ thể của các giá trị văn hoá mới tạo được động lực giúp đất nước phát triển.
- Ông lý giải thế nào khi những giá trị văn hóa của Việt Nam luôn tạo được sự lan tỏa với thế giới, như những câu chuyện cảm động trong đại dịch ở Việt Nam vừa qua cũng khiến thế giới lay động, ngợi ca?
- Trong hoàn cảnh khó khăn, tính cách, phẩm chất, giá trị của con người bao giờ cũng được thể hiện rõ nét nhất. Từ thời chiến tranh, Việt Nam đã có nhiều hình ảnh cảm động, anh hùng đi vào tâm trí và lay động tình cảm của nhân dân thế giới.
Dịch Covid-19 vừa qua cũng có những hình ảnh như vậy, đó là những cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, điểm phát lương thực miễn phí cho người nghèo, hay việc Việt Nam dù còn nhiều khó khăn vẫn chung tay hỗ trợ các quốc gia chống dịch...
Những con người anh hùng được sinh ra bởi một đất nước anh hùng, một nền văn hóa anh hùng. Nền văn hóa của Việt Nam rất dễ tạo ra hình ảnh cảm động, anh hùng. Với chúng ta, đó có thể là việc làm bình thường, nhưng điều này không phải hiển nhiên ở các nền văn hóa khác, các quốc gia khác. Vì thế khi nhìn vào, họ rất ngưỡng mộ văn hóa, con người Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, chúng ta tận dụng được giá trị văn hóa, phát huy được tính cộng đồng - việc mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đến tinh thần chung sức, đồng lòng, tin tưởng tuyệt đối của toàn dân.
- Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng đang chịu không ít ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác trên thế giới?
- Chúng ta đang ở trong xã hội rất phức tạp, có xu hướng đề cao cá nhân. Xu hướng này bắt nguồn từ ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa dẫn đến đề cao các giá trị phương Tây, vốn coi trọng chủ nghĩa cá nhân.
Thêm vào đó, sự hình thành và phổ biến của phương tiện truyền thông mới đã đưa những nền văn hóa khác vào Việt Nam. Khi giá trị mới chưa được định hình, giá trị cũ chưa mất đi thì những gì lấp lánh, hào nhoáng thường được nhiều người theo đuổi.
Các phương tiện truyền thông mới giúp khẳng định cái tôi cá nhân dễ hơn, con người dễ bộc lộ bản thân trên mạng xã hội mà không bị sự chi phối như trước kia. Đó chính là lý do vấn đề xuống cấp đạo đức trong xã hội, không phù hợp với đạo đức Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.
Những hiện tượng như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền, Phúc XO... là chỉ báo cho việc tính cá nhân đang được thể hiện một cách thái quá trên mạng xã hội. Không có những người này thì sẽ có những người khác vì bối cảnh xã hội tất yếu sẽ tạo ra những cá nhân như vậy.
Tính cá nhân là sự thay đổi so với văn hóa truyền thống Việt Nam. Tốt hay xấu phụ thuộc vào nhiều trường hợp. Tính cộng đồng tốt vì tạo ra sự đoàn kết, lòng yêu nước, tạo ra sự hài hòa duy trì đạo đức xã hội. Nhưng tính cá nhân lại tạo sự năng động, sáng tạo.
Song, thực tế cho thấy việc đề cao cá nhân trong nhiều trường hợp dễ dẫn đến hỗn loạn khác trong xã hội, khi cần đoàn kết sẽ rất khó gắn kết các cá nhân.
Để phát triển văn hóa, cần nhận thức cá nhân hay cộng đồng là hai mặt của một vấn đề, có ưu - nhược điểm riêng. Khi chuyển đổi trạng thái chống dịch sang trạng thái bình thường mới hay từ bình thường mới sang bình thường, phải biết đặc điểm văn hóa nào tốt cho sự phát triển đất nước để có sự điều chỉnh.
- Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam. Ông nhận định thế nào về nguồn lực này?
- Nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn lực tinh thần và vật chất. Về tinh thần, nếu khơi gợi được giá trị văn hóa, niềm tự hào dân tộc, sự đoàn kết, tự tin của dân tộc, chúng ta sẽ bước đi vững chắc hơn. Vì khi có tự hào dân tộc, chúng ta sẽ nỗ lực để niềm tự hào trở thành hành trang tiến về phía trước. Ngược lại, sẽ không có sự đột phá trong phát triển đất nước.
Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi sự đa dạng văn hóa đang bị đe dọa, các quốc gia đang có nguy cơ mất bản sắc văn hóa và mất căn tính quốc gia, dẫn đến sự phát triển không bền vững. Không ai mong muốn sự phát triển dù đầy đủ về vật chất, lại không giữ được bản sắc văn hóa riêng. Quốc gia nào cũng kỳ vọng văn hóa được gìn giữ để khẳng định vị thế đất nước mình trong thế giới toàn cầu hóa.
Có nhà văn nổi tiếng từng nhấn mạnh “tôi không sợ mất nước, chỉ sợ mất văn hóa. Mất nước có thể lấy lại, nhưng mất văn hóa là mất tất cả”. Văn hóa là căn tính của một dân tộc, là đặc trưng của dân tộc nên phát triển theo hướng nào cũng không thể đánh mất văn hóa. Đây là yếu tố then chốt trong phát triển đất nước, là mục tiêu của sự phát triển.
Hiện nay, các sản phẩm văn hóa nước ngoài đang tràn vào Việt Nam, khiến người Việt có nguy cơ đam mê văn hóa nước ngoài, xa rời bản sắc của mình. Xem nhiều phim Trung Quốc, có khi chúng ta hiểu biết lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam. Khi thanh niên Việt Nam thích bài hát, xem phim Hàn Quốc, dần dần họ sẽ có xu hướng đề cao văn hóa Hàn Quốc hơn, thậm chí mong muốn có phong cách Hàn Quốc… Như vậy, rõ ràng các sản phẩm văn hóa không đơn thuần mang tính giải trí, nó ảnh hưởng đến cuộc sống, xã hội, đến bản sắc dân tộc.
Không chỉ vậy, văn hóa có sức mạnh kinh tế rất lớn, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.
Sản phẩm văn hóa không đơn thuần mang tính giải trí, nó ảnh hưởng đến cuộc sống, xã hội, đến bản sắc dân tộc. Văn hóa còn có sức mạnh kinh tế rất lớn, hỗ trợ phát triển đất nước.
Từ tháng 9/2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 để phát huy, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa.
Hàng năm, chúng ta chi rất nhiều tiền để nhập khẩu các sản phẩm văn hóa, nhưng tại sao không xuất khẩu được phim ảnh, thời trang, âm nhạc Việt Nam? Nếu làm được việc đó sẽ đem lại nguồn lực kinh tế lớn cho đất nước.
Hãy thử nhìn ra thế giới. Năm 2018, riêng tiền bán vé trên toàn thế giới của ban nhạc BTS (Hàn Quốc) là hơn 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng) - lớn gần bằng tiền chi thường xuyên cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Bảo tàng Louvre của Pháp mỗi năm thu hút khoảng 10 triệu khách tham quan. Trong khi tổng khách du lịch đến Việt Nam năm 2018 chỉ khoảng 16 triệu người. Chỉ một bảo tàng của họ đã thu hút số khách bằng quá nửa lượng người đến đất nước ta. Hay xuất khẩu các sản phẩm giải trí của Mỹ năm 2018 nhiều hơn xuất khẩu vũ khí của quốc gia này...
Như vậy, văn hóa có tiềm năng kinh tế rất lớn, đem lại thu nhập và tạo ra công ăn việc làm, giúp xã hội phát triển bền vững. Tại sao lại không tập trung cho lĩnh vực đó khi các ngành công nghiệp văn hoá vừa lồng ghép được yếu tố văn hóa Việt Nam để phổ biến cho thế giới, vừa đem lại tiềm lực kinh tế cho đất nước?
Chúng ta mong muốn xây dựng được nền công nghiệp văn hóa như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay những nước xung quanh, ta hoàn toàn có thể theo kịp họ.
Bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho thấy ta cần ý thức hơn về sức mạnh của văn hóa với sự phát triển của đất nước - điều chưa làm tốt thời gian qua.
- Nhìn lại cũng thấy Việt Nam có rất nhiều nét văn hóa đặc trưng được thế giới đánh giá cao, nhưng vì sao chúng ta chưa thể biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực kinh tế?
- Sản phẩm văn hóa dù có logic đặc biệt vẫn phải phát huy tiềm năng kinh tế. Văn hóa tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế. Ví dụ, sản phẩm hàng hóa mang giá trị văn hóa Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Chỉ là một cốc nước, một sản phẩm nhưng có in hình Khuê Văn Các, tháp Rùa hay các biểu tượng văn hóa của Việt Nam thu hút khách du lịch hơn khi họ đến đất nước ta. Họ sẽ lựa chọn sản phẩm đó thay vì sản phẩm của Trung Quốc. Đấy chính là lợi thế gia tăng do văn hoá tạo ra.
Việt Nam có những nét đặc trưng văn hóa không nơi nào có được như áo dài, phở... gây ấn tượng với thế giới. Những bộ phim, bài hát của Việt Nam nếu đi đúng xu hướng, đáp ứng được thị hiếu bao giờ cũng được hâm mộ, có doanh thu cao hơn các bộ phim, bài hát nước ngoài… Thực tế, chúng ta có rất nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng, có chiều sâu nhưng phát triển đơn lẻ, chưa tạo thành xu hướng và có chỗ đứng trên toàn cầu.
Văn hóa có những yếu tố thuận lợi trong cạnh tranh, cộng với việc thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân - đó là những điều kiện giúp văn hóa Việt Nam phát triển. Vấn đề là phải tạo được làn sóng, xu hướng về văn hóa, khai thác được các giá trị đó ngay trên chính thị trường của mình, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.
- Tổng bí thư cũng đề cập đến nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo ông, các hệ giá trị này nên được xây dựng và hướng tới tiêu chí thế nào?
- Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia là câu chuyện hết sức khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới, bởi chúng ta đang sống trong một xã hội phức tạp với sự thay đổi rất nhanh chóng. Song, không phải khó mà không làm được.
Hệ giá trị có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng, rút ngắn con đường đi đến mục tiêu, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự đúc kết.
Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người là việc rất quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong Nghị quyết 33 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI (ngày 9/6/2014), vấn đề này đã được nhắc đến và thực tế đang triển khai.
Năm 2019, chúng tôi vừa kết thúc một đề tài Nhà nước nghiên cứu về xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người như một cơ sở khoa học để xây dựng nên hệ giá trị quốc gia. Tất nhiên, là kết quả khoa học sẽ có tranh cãi, nhưng về cơ bản, có thể xác định một số giá trị cần thiết phải đề cao.
Ví dụ, giá trị căn bản nhất là yêu nước. Không yêu nước thì không hình thành được quốc gia, dân tộc.
Giá trị thứ hai là đoàn kết. Yêu nước và đoàn kết có quan hệ biện chứng nhưng đoàn kết vẫn có những giá trị riêng của nó. Trong mọi việc, chỉ có đoàn kết mới giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Ngoài ra, bối cảnh xã hội hiện nay đặt ra yêu cầu cần đề cao hơn nữa giá trị về sáng tạo. Muốn xây dựng một quốc gia khởi nghiệp thì yếu tố hạt nhân chính là tinh thần sáng tạo.
Ngoài ra còn có thể có một số giá trị khác như cần cù lao động, nghĩa tình, nhân ái, trung thực… Các giá trị này quan trọng bởi từ định hướng trong phát triển văn hóa sẽ giúp định hướng trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo nên sự phát triển bền vững.
- Vậy vì sao trong suốt một giai đoạn dài, chúng ta không tận dụng được yếu tố văn hóa để đóng góp cho sự phát triển bền vững, thưa ông?
- Trước hết là do nhận thức của chúng ta về văn hoá chưa đầy đủ. Đâu đó chúng ta vẫn nghĩ văn hóa là lĩnh vực giải trí, là cái chưa quan tâm đến cũng chưa “cháy nhà chết người”. Ta cứ đợi phát triển đầy đủ về kinh tế, lo về cơm ăn áo mặc mới quay lại chăm sóc văn hóa, vì thế, văn hóa không theo kịp sự phát triển kinh tế.
Khi kinh tế phát triển quá nhanh, văn hóa không kịp điều tiết sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp trong gia đình và ngoài xã hội liên quan đến kinh tế. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến đạo đức xã hội xuống cấp.
Chúng ta cần nhận thức đúng rằng văn hóa có thể ảnh hưởng ngay lập tức bởi tác động từ chính trị, kinh tế nên cần đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Nếu ta nhìn văn hoá một cách phiến diện thì sẽ không thấy được sức mạnh kinh tế của nó. Và khi biết khai thác tiềm năng kinh tế sẽ thấy văn hóa rất quan trọng, cần đầu tư nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, triết lý phát triển văn hóa phải thay đổi, phải quan niệm văn hóa là mục đích chứ không phải phương tiện của sự phát triển.
Một vấn đề khác về đầu tư tài chính cho ngành văn hóa. Từ năm 1988, chúng ta mong muốn đến năm 2000 sẽ đầu tư 1,8% chi ngân sách thường xuyên của quốc gia cho văn hóa. Nhưng đến 2018, trước Quốc hội, Thủ tướng báo cáo chỉ chi được 1,71% cho lĩnh vực này. Như vậy sau bao nhiêu năm, không những không đạt mục tiêu về thời gian mà đầu tư cho văn hóa vẫn ở mức thấp.
Trong khi đó, cơ sở vật chất cho ngành văn hóa gặp nhiều khó khăn. Từ trung tâm văn hóa, trung tâm chiếu phim cho đến nhà văn hóa, dường như rất ít được xây dựng mới. Đặc biệt, còn ít các công trình tương xứng với tầm vóc thời đại Hồ Chí Minh. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, nhưng ta rất hiếm có công trình văn hóa tương xứng với niềm tự hào về sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội như thế.
Không những thế, dưới sức ép của phát triển kinh tế, cơ hội tiếp cận người dân với văn hóa rất khó khăn. Họ tiếp cận siêu thị dễ hơn trung tâm văn hóa thì hẳn nhiên văn hóa rất khó phát triển.
Quan trọng hơn cả là nguồn nhân lực. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những con người hiểu và tâm huyết. Nếu coi văn hóa chỉ là giải trí, ai cũng có thể làm được, chất lượng cán bộ văn hoá sẽ gặp vấn đề. Khi cán bộ văn hoá mà không am hiểu về văn hóa sẽ tạo ra hai thái cực, mà cả hai thái cực đều nguy hiểm.
Một là vì không hiểu nên để văn hóa phát triển tự do, không có định hướng, mà văn hóa thì không thể phát triển tự do vì nó còn là đạo đức, tư tưởng, những cái chúng ta cần đề cao, định hướng.
Hai là vì không biết nên cái gì cũng cấm, trong khi văn hóa phải có sự sáng tạo. Có những sáng tạo rất kỳ lạ nhưng lại là động lực để phát triển văn hóa, nếu không hiểu sẽ cho mọi sự sáng tạo là không phù hợp, từ đó cản trở sự phát triển văn hóa.
Vì vậy, tôi rất kỳ vọng nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ có đầu tư hơn nữa nhân lực ngành văn hóa để phát huy vai trò quan trọng của nó trong sự phát triển của đất nước.
- Xin cảm ơn ông!