Sáng 4/9, tọa đàm giữa các đơn vị xuất bản, công ty sách, người làm công tác khuyến đọc diễn ra tại văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam (Hà Nội).
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - gọi đây là "mạn đàm", nêu ra vấn đề, gợi mở giải pháp để phát triển văn hóa đọc.
"Nền đọc" không cao
Tại chương trình, ông Lê Hoàng trình bày về thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam. Phân tích số liệu xuất bản từ năm 2014 đến nay, ông Hoàng nói chúng ta đã làm ra nhiều đầu sách, doanh thu xuất bản tăng. Điều này cho thấy ngành sách có tăng trưởng, làm ăn có lãi. Nhưng số bản sách tăng (19%) không kịp với số đầu sách (tăng 30%).
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm ở chỗ “nền đọc” của ta không cao, khiến sức mua không lớn.
Dẫn số liệu từ một hội nghị xuất bản ở Jakarta, Indonesia, ông Lê Hoàng cho biết: Học sinh nước này đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học chính thức. Ở Hàn Quốc, cha mẹ và con cùng đọc sách ít nhất 3 ngày/tuần/lần, mỗi lần khoảng 30 phút. Ở Thái Lan, trẻ em dưới 6 tuổi đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người già đọc 44 phút/ngày…
Ông Lê Hoàng cho rằng cản trở chính của việc chúng ta ít đọc, lượng bản sách thấp, thị trường xuất bản non yếu là do chưa hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng.
3 nguyên nhân chính cản trở văn hóa đọc là: Trường chưa có tiết đọc sách; gia đình thiếu sự quan tâm phát triển thói quen đọc sách từ sớm; ngành xuất bản yếu về thị trường. Các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm và thúc đẩy các hoạt động phát triển văn hóa đọc.
“Những nước quan tâm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, gia đình sẽ tác động tốt đến hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, từ đó dẫn tới hiệu quả kinh tế xuất bản”, ông Hoàng nói.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng muốn phát triển văn hóa đọc phải làm từ gốc rễ, đó là hình thành thói quen đọc sách cho thiếu nhi.
Ông dẫn lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay suốt ngày chỉ cắm mắt vào máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả ‘khám phá kho báu tri thức’ hay ‘nâng cao văn hóa đọc’ như người lớn vẫn hay nói, là một việc quá muộn màng. Vì vậy, nó quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi đang ở trên không”.
Học sinh vùng biên giới Tây Ninh háo hức khi nghe giới thiệu sách trong dự án "Sách hay cho học sinh tiểu học". Ảnh: Liêu Lãm. |
Phát triển văn hóa đọc phải làm từ gốc
Từ những quan điểm ấy, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiến nghị 11 giải pháp. Một số giải pháp quan trọng được nêu như: Thành lập ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc. Ủy ban này sẽ soạn thảo chiến lược, đưa ra kế hoạch dài hạn, tổ chức hoạt động, đôn đốc và giám sát thực hiện.
Thứ hai, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc sách trong xã hội, làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc.
Kết quả điều tra xã hội học sẽ xác định được thực trạng như: Người dân đang đọc như thế nào? Bao nhiêu người có thư viện cá nhân? Họ có mua sách không? Ai giới thiệu sách cho họ đọc?
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân ngày Sách Việt Nam (21/4 hàng năm): Phát động tuần lễ đọc sách; trao giải tôn vinh cá nhân, tổ chức đóng góp phát triển văn hóa đọc; tổ chức hội sách ở nhiều địa phương…
Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện, đặc biệt là thư viện văn hóa khoa học tổng hợp.
Thứ năm, kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của nhà trường các cấp. Hội Xuất bản Việt Nam đã có công văn hồi đầu tháng 7 kiến nghị đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nói về các dự án phát triển văn hóa đọc đã triển khai. Ảnh: Tùng Đoàn. |
Kết hợp hài hòa, cùng nhau thúc đẩy văn hóa đọc
Đại diện các nhà xuất bản, công ty sách, người làm công tác khuyến đọc đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan chủ đề này. Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nói hiện nay, một số giải pháp mà ông Lê Hoàng nêu đã được Vụ Thư viện triển khai.
Những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện rất nhiều chương trình khuyến đọc: Phối hợp Bộ GD&ĐT, Bộ Công an; trang bị tủ sách cho nông thôn, hỗ trợ chương trình “Nông thôn mới”…
“Trước đây chúng ta đã âm thầm thực hiện các chương trình, giờ phải đẩy mạnh thêm. Khi nâng được nhu cầu đọc sách lên cao, ngành xuất bản cũng phát triển được thị trường. Từ hiểu nhau, chúng ta nên kết hợp hài hòa hơn để thúc đẩy văn hóa đọc”, bà Vũ Dương Thúy Ngà nói.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng một trong các giải pháp để phát triển văn hóa đọc là nâng cao chất lượng sách. Sách có hay, tốt mới mang lại giá trị lâu bền.
Những nước quan tâm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, gia đình sẽ tác động tốt đến hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, từ đó dẫn tới hiệu quả kinh tế xuất bản.
Ông Lê Hoàng
“Hiện nay, số lượng sách, bản sách, doanh thu tăng, rõ ràng có nhu cầu đọc sách. Nhìn vào con số này, ta có thể nói văn hóa đọc đi lên. Nhưng điểm đi xuống ở chỗ thị trường hiện nay nhiều sách vô bổ”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Mỗi năm, đa số sách được xuất bản là sách giáo khoa, giáo dục, phục vụ cho việc học tập. Lượng sách nâng cao dân trí, tự học tập, sách giải trí thấp. Chúng ta đang đứng trước cách mạng 4.0, nhưng sách khoa học công nghệ chỉ chiếm 0,8 lượng sách làm ra.
“Theo tôi, chiến lược quan trọng lúc này là duy trì sự phát triển ổn định về số lượng, không quá nặng nề làm bao nhiêu đầu sách; nhưng phải đặt trọng tâm vào chất lượng. Cần tránh tình trạng người đọc đứng trước biển sách mà không biết chọn cuốn nào hay, hữu ích”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Bà Hoài Anh - tác giả sách thiếu nhi - cho rằng tỷ lệ bố mẹ quan tâm việc đọc sách của con trong những năm đầu đời rất thấp. Vì vậy, bà thực hiện các hoạt động thúc đẩy đọc sách trong gia đình.
Theo bà Hoài Anh, ngành xuất bản cần những giải pháp thiết thực, thực chất xây dựng thói quen đọc cho trẻ em. Như vậy, trong tương lai, chúng ta mới có thế hệ đọc sách như nhu cầu tự thân.
Bà Quế Anh - Phó tổng giám đốc Công ty Alpha Books, Giám đốc thương hiệu sách Sống - bàn đến khía cạnh thúc đẩy đọc từ góc độ tác giả trong nước.
Bà Quế Anh cho biết Công ty sách Sống (thuộc Alpha Books) rất nhỏ bé so với các dòng sách khác, nhưng đơn vị này vẫn duy trì bởi muốn có một nơi in sách của tác giả Việt.
“Chúng tôi trăn trở vấn đề sách của tác giả Việt viết cho người Việt. Còn các bạn lại thúc đẩy những khía cạnh khác. Chúng ta mỗi người một công việc, nỗ lực từng chút nhỏ để có thể cùng nhau phát triển văn hóa đọc”, bà Quế Anh nói.