Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Chính trị: Khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, mất dân chủ

Để thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Bộ Chính trị đề ra nhiều nhiệm vụ. Trong đó, phải khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, mất dân chủ...

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 của Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại

Bộ Chính trị đánh giá trong 5 năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết và đã đạt kết quả bước đầu.

Theo đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có chuyển biến tích cực. Trong kế hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương, địa phương đều đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm.

Bo Chinh tri yeu cau khac phuc tinh trang mat dan chu anh 1

Bộ Chính trị yêu cầu khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Ảnh: TTXVN.


Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, chưa giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa.

Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa chưa được quán triệt thường xuyên, có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Bộ Chính trị nhận định nguyên nhân có phần do vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.

Trong khi đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Trước thực tế đó, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Bộ Chính trị, phải xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Định kỳ kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng đối với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa.

Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Mặt khác, chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự.

Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo... và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng, xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị khoá mới gồm 17-19 người

Hội nghị Trung ương 12 thống nhất trình Đại hội XIII số lượng ủy viên Trung ương khoảng 200 người. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị giữ như khoá XII với 17-19 người.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm