Các sự cố hàng không liên tục xảy ra với hãng VietJet trong nửa cuối năm 2018. Chưa đầy 1 tháng qua, máy bay của hãng này có 4 lần gặp sự cố. Trong đó 2 lần phải hạ cánh khẩn cấp, 1 lần hạ cánh nhầm đường băng và 1 lần bị văng lốp khi hạ cánh khiến 6 hành khách nhập viện.
Đứng "đầu bảng" về sự cố hàng không
Năm 2018, Cục hàng không Việt Nam 4 lần phát đi thông cáo báo chí về sự cố trong quá trình hoạt động của máy bay, trong đó có 3 sự cố thuộc về hãng hàng không VietJet.
Hiện trường vụ máy bay VietJet bị văng bánh khi hạ cánh tại Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trong buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam đầu tháng 12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Với hàng không, một vụ tai nạn cũng đã là quá nhiều. Hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”.
2 ngày cuối năm với 3 sự cố liên tiếp có thể coi là "vận hạn" lớn với hãng hàng không VietJet. Tuy nhiên khi nhìn rộng ra cả năm 2018, có thể thấy còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động của hãng này.
Từ cuối tháng 10 đến nay, máy bay VietJet đã phải điều hướng, hạ cánh khẩn cấp 5 lần vì lý do cảnh báo kỹ thuật, sau đó được xác nhận là báo động giả.
Trong 6 tháng đầu năm, VietJet có hơn 10.000 chuyến bay chậm giờ, chiếm gần một nửa tổng số chuyến bị chậm của 4 hãng hàng không.
Bộ GTVT nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở
Ngay trong ngày 25/12, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc về sự cố máy bay VietJet hạ cánh nhầm đường băng. Bộ đánh giá đây là sự cố uy hiếp an toàn hàng không nghiêm trọng, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương vào cuộc xử lý.
Hành trình hạ cánh nhầm của máy bay VietJet hôm 25/12. Ảnh: FlightRadar. |
Thậm chí trong sự cố văng lốp máy bay khi hạ cánh tại Buôn Ma Thuột ngày 29/11 của VietJet, lãnh đạo Chính phủ trực tiếp yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tình hình.
Nhiều ý kiến cho rằng VietJet phải chỉnh đốn, rà soát lại chất lượng phi công, hệ thống kỹ thuật cũng như công tác điều hành. Đã đến lúc Cục Hàng không Việt Nam phải có những yêu cầu cụ thể, sát sao hơn với hãng.
Nếu cứ để sự cố tái diễn triền miên, VietJet sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. Nhưng ở góc độ truyền thông, đó còn là sự tổn hại cho cả ngành hàng không của đất nước.
Phải xem lại yếu tố con người
Trao đổi với Zing.vn, cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng hãng hàng không VietJet rõ ràng đang có vấn đề khi liên tục để xảy ra sự cố.
Đại tá Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Báo Nhân dân. |
Xâu chuỗi những sự cố gần đây của VietJet, đặc biệt là vụ hạ cánh nhầm đường băng (ngày 25/12) và vụ hạ cánh gây văng bánh trước (ngày 29/11), cựu phi công lão luyện với hơn 22.000 giờ bay nhận định các sự cố đều có lỗi chủ quan của phi công.
Với kinh nghiệm làm lãnh đạo tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, ông Trung đã gặp rất nhiều phi công có trình độ hạn chế, không đảm bảo chất lượng.
"Tôi từng trực tiếp làm công tác tuyển chọn phi công hàng không. Có những đợt tuyển phải loại 40% đến 50% số ứng viên vì trình độ không đảm bảo", cựu phi công chia sẻ.
Vấn đề ở đây là các hãng tuyển chọn phi công như thế nào để đảm bảo năng lực lẫn kinh nghiệm. Trong bối cảnh có thêm nhiều hãng hàng không tham gia thị trường, ông Trung cho rằng vai trò của "cầm trịch" của Cục Hàng không Việt Nam là vô cùng quan trọng.
"Cục phải siết lại các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, không thể để tình trạng 'láo nháo' trong tuyển chọn phi công", ông Trung nói.
Chiều 25/12, chuyến bay VJ689 của hãng VietJet đã hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh. Đây là sự cố thứ 2 của hãng này trong ngày 25/12.
Cục Hàng không lập tức đình chỉ tổ bay VJ689 để phục vụ công tác điều tra, đồng thời đình chỉ công tác đối với người chịu trách nhiệm chính của VietJet liên quan đến việc khai thác.
Về phía hãng hàng không VietJet, Cục quyết định dừng tăng chuyến để rà soát đánh giá lại vấn đề khai thác sau hàng loạt sự cố hàng không của hãng này trong thời gian qua. Đồng thời Cục thực hiện giám sát đặc biệt với VietJet tại 4 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.
Đến sáng 26/12, chuyến bay VietJet từ Hà Nội đi Đà Nẵng tiếp tục gặp sự cố khi đang tăng tốc cất cánh. Hành khách phải xuống khỏi máy bay và chờ đợi 3 tiếng đồng hồ để khởi hành lại.