Tranh "Diana and Endymion" của Louis-Jean-Francois Lagrenee. Ảnh: Fineartamerica. |
Hai vợ chồng người bạn tôi mà ở đây tôi xin được nhắc tới dưới những cái tên khác là Art và Judy Smith nhằm bảo mật danh tính, đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong hôn nhân giữa hai người. Sau khi cả hai trải qua hàng loạt cuộc ngoại tình, họ quyết định ly thân.
Gần đây, họ lại quay về bên nhau, một phần cũng bởi cuộc chia tay đã khiến lũ trẻ của đôi vợ chồng này cảm thấy rất khó khăn. Giờ thì Art và Judy đang cùng nỗ lực hàn gắn cuộc hôn nhân rạn nứt và cả hai vợ chồng đều hứa rằng sẽ không quay lại với những người tình cũ, nhưng dư vị của sự nghi ngờ và cay đắng vẫn còn tồn tại.
Điều này vẫn in sâu trong tâm trí của hai vợ chồng và rồi một buổi sáng, Art gọi điện thoại về nhà khi anh đang trong một chuyến công tác xa nhà vài ngày. Một giọng đàn ông trầm trả lời điện thoại. Cổ họng Art nghẹn lại ngay tức khắc, trong khi tâm trí anh cần lời giải thích. (Phải chăng mình bấm nhầm số. Người đàn ông đó đang làm gì ở nhà mình vậy?).
Không biết phải nói gì lúc đó, Art buột thốt lên: “Có bà Smith ở nhà không?”. Người đàn ông trả lời một cách thành thực: “Đang ở trong phòng ngủ lầu trên và thay đồ”.
Trong khoảnh khắc, cơn thịnh nộ quét qua người Art. Anh thầm hét lên: “Cô ấy lại quay lại với những cuộc tình vụng trộm! Giờ thì cô ta lại còn cho gã người tình qua đêm trên giường của tôi! Và thậm chí hắn ta còn dám cả gan nhận điện thoại!”. Những cảnh tượng chợt lướt qua trí óc Art, anh sẽ lao về nhà, giết chết tên người tình của vợ và dộng đầu Judy vào tường.
Nhưng vẫn chưa tin nổi vào tai mình, anh nói vào điện thoại giọng đứt quãng: “Ai... đang... nói... đấy?”. Giọng nói bên kia vỡ tiếng, chuyển từ giọng nam trung sang tông giọng cao vút và câu trả lời cất lên: “Ba à, ba không nhận ra con sao?”.
Đó chính là cậu con trai 14 tuổi của Art và Judy, đang ở thời kỳ vỡ giọng. Art lại há hốc miệng thêm lần nữa trong thứ cảm xúc hòa trộn giữa sự tin tưởng, vui sướng đến phát điên và cả nỗi thổn thức.
Trường hợp như cuộc gọi về nhà của Art cũng có thể xảy ra với tôi hay thậm chí là với bất cứ ai trong thế giới loài người, loài động vật duy nhất có lý trí, nhưng vẫn tồn tại những khoảnh khắc phi lý trí, những cách thức cư xử như ở loài vật.
Sự biến đổi đơn thuần chỉ là một quãng tám cao độ trong giọng nói, trong đó chỉ thốt ra được khoảng sáu âm tiết tách biệt nhưng đủ khiến hình ảnh được gợi lên từ người nói chuyển từ một đối thủ không đội trời chung sang một đứa trẻ hoàn toàn vô tội và trạng thái tình cảm của Art cũng chuyển từ cơn điên giận có thể dẫn tới giết người sang tình cảm âu yếm của người cha.
Những gợi ý, ẩn ý giản đơn như thế nêu lên sự khác biệt giữa hình ảnh của hai con người một già, một trẻ, giữa người quyến rũ và không quyến rũ, kẻ hung tợn và người yếu đuối.
Câu chuyện của Art là minh chứng cho thứ sức mạnh mà các nhà động vật học gọi là những dấu hiệu: ám chỉ rằng dấu hiệu đó có thể rất nhanh chóng được nhận dạng và rằng bản thân dấu hiệu có thể không quan trọng, nhưng lại có thể được sử dụng để chỉ ra một tập hợp đáng kể và phức tạp bao gồm những đặc điểm về sinh học chẳng hạn như: giới tính, tuổi tác, sự hung hãn hay các mối quan hệ.
Những dấu hiệu là rất cần thiết trong ngôn ngữ giao tiếp của các loài động vật - bởi quá trình mà một con vật thay đổi cách thức cư xử có thể có ở một cá thể khác diễn ra theo cách thức nó có thể thích nghi với một trong hai hay là với cả hai con vật.
Những dấu hiệu nhỏ nhặt vốn chỉ tiêu tốn rất ít năng lượng (chẳng hạn như thay đổi một vài âm tiết ở âm vực rất thấp) có thể tạo nên những hành vi cư xử tiêu tốn rất nhiều năng lượng (chẳng hạn như liều mạng sống nhằm cố gắng giết chết đối thủ kinh dịch nào đó).
Những dấu hiệu ở loài người và những loài động vật khác được tiến hóa nên thông qua chọn lọc tự nhiên. Chẳng hạn, thử quan sát hai cá thể độc lập thuộc cùng một loài, khác biệt đôi chút về kích thước cơ thể và sức mạnh, cạnh tranh trực tiếp với nhau về nguồn tài nguyên có thể đem lại lợi ích cho một bên nào đó. Đối với cả hai cá thể, sự đối địch đó có thể đem lại lợi ích bởi nó giúp trao đổi những dấu hiệu, những dấu hiệu này vốn thể hiện chính xác sức mạnh tương đối của từng cá thể, từ đó mới cần tới một cuộc chiến.
Thông qua việc tránh khỏi cuộc chiến, cá thể yếu hơn có thể tránh khỏi nguy cơ bị thương hay cái chết trong khi cá thể mạnh hơn thì lại tiết kiệm được năng lượng và bớt đi nguy hiểm rình rập.
Những dấu hiệu ở động vật được tiến hóa nên theo cách thức nào? Chúng thực sự truyền tải điều gì? Vậy những dấu hiệu đó được tạo ra hoàn toàn dựa trên ý kiến chủ quan hay thể hiện một tầm ý nghĩa sâu xa hơn nào khác? Điều gì có thể giúp tăng độ tin cậy và giảm thiểu khả năng dối trá?
Giờ thì chúng ta sẽ khám phá những câu hỏi kể trên về những dấu hiệu cơ thể của con người, đặc biệt là những dấu hiệu về sinh dục. Tuy nhiên, sẽ hữu ích nếu chúng ta bắt đầu bằng cách nhìn nhận một cách tổng quát về những dấu hiệu tìm thấy ở các loài động vật khác, mà từ đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn thông qua việc tiến hành những thí nghiệm kiểm chứng, không thể áp dụng trên con người.
Như những gì chúng ta sẽ thấy: các nhà động vật học có thể hiểu rõ về những dấu hiệu ở động vật thông qua những cách thức biến đổi cấu trúc giải phẫu đã được chuẩn hóa của cơ thể loài vật. Một vài người đã yêu cầu được phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng kết quả thu được không giống với một thử nghiệm được kiểm chứng rõ ràng.