Các tay súng của Taliban tiến vào Kabul hôm 15/8 cùng lời hứa từ các tướng lĩnh của họ: không trả thù những người đã chống đối Taliban suốt hai thập kỷ qua.
Taliban đã lặp lại lời hứa này nhiều lần sau khi tiến vào Kabul. Khi được hỏi về cam kết, một phát ngôn viên Taliban thậm chí gắt gỏng với phóng viên: “Chẳng lẽ chúng tôi phải đưa ra tuyên bố ân xá mỗi ngày hay sao?”.
Thật sự những lời hứa về một cách tiếp cận ôn hòa hơn của Taliban không làm yên lòng một bộ phận lớn người dân ở Afghanistan, Guardian nhận định.
Những người này biết rõ quá khứ của Taliban. Họ cũng nắm được thông tin về những khu vực bị Taliban chiếm đóng trước khi lực lượng này áp sát Kabul.
Vào tháng 5, một video đã ghi lại cảnh hành quyết hàng loạt các binh sĩ Afghanistan ở phía bắc đất nước dù họ đã đầu hàng. Một tháng sau, ở miền Nam, các tay súng Taliban đã tiến hành lục soát từng nhà và trả đũa nhiều người, theo Guardian.
Một đơn vị Taliban trên đường phố Kabul. Ảnh: New York Times. |
Lời hứa không trả thù
Trong cuộc phỏng vấn với Văn phòng Thông tin và Truyền thông Chính phủ Afghanistan vào ngày 17/8, phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid tái khẳng định những cam kết của lực lượng này về việc không hậu thuẫn các chiến dịch khủng bố nhằm vào phương Tây, theo Guardian.
Theo thông điệp từ ông Mujahid, các tổ chức viện trợ nước ngoài được Taliban khuyến khích ở lại.
Taliban cũng đưa ra cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ Afghanistan “trong khuôn khổ đạo Hồi”. Tuy nhiên, ông Mujahid đã không trả lời cụ thể về vấn đề này.
Trong thập niên 1990, khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, hầu hết trẻ em gái bị cấm đi học và phụ nữ không được tham gia thị trường lao động.
Không những vậy, nữ giới chỉ được phép xuất hiện ở nơi công cộng khi mặc trang phục che kín người và có người thân là nam giới đi cùng. Phụ nữ dưới chế độ Taliban lúc đó còn có nguy cơ bị hành hung và thậm chí hành quyết vì vi phạm các quy tắc của lực lượng này.
Giờ đây, phát ngôn viên của Taliban ngồi trả lời phỏng vấn với một nữ phóng viên chỉ đeo khăn trùm trên đầu thay vì trang phục trùm kín người, trước ống kính máy quay. Tất cả phát đi thông điệp rằng Taliban "đã khác", ngay cả trong cách đối xử với phụ nữ.
Phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid . Ảnh: AFP. |
Các báo cáo đi ngược lời hứa
Lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Kabul vào năm 1996, các chiến binh Taliban bị cáo buộc đã tra tấn và sát hại cựu Tổng thống Afghanistan Mohammad Najibullah, kéo lê thi thể ông sau một chiếc xe tải qua các đường phố, sau đó treo xác ông lên cột đèn.
Ngày 15/8, khi Kabul một lần nữa bị bao vây bởi Taliban, lãnh đạo của lực lượng này ra lệnh cho các tay súng của họ không ồ ạt tiến vào thành phố để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách hòa bình.
Trong nhiều thập kỷ, đối tượng bị Taliban tấn công không chỉ bao gồm quân đội và cảnh sát Afghanistan mà cả quan chức chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và những người có tầm nhìn khác với Taliban.
Khi Taliban tiếp quản các thành phố ở Afghanistan trong thời gian gần đây, một số trường nữ học đã đóng cửa. Một số cơ sở giáo dục khác vẫn hoạt động song các lớp học được phân loại theo giới tính.
Các tay súng Taliban được cho là đã yêu cầu một phụ nữ làm việc tại ngân hàng đi về nhà với lập luận rằng nam giới có thể thay thế vị trí của cô. Truyền thông Afghanistan đưa tin ở một số tỉnh miền Nam, bao gồm cả Ghazni, âm nhạc đã bị cấm sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Một cơ sở thẩm mỹ ở Kabul ngừng hoạt động sau khi Taliban tiến vào thành phố. Ảnh: Anadolu Agency. |
Khi Taliban dần ổn định tình hình ở Kabul, cảm giác bị đe dọa trong thành phố ngày càng tăng. Những phụ nữ làm việc cho đài truyền hình nhà nước nhận được thông báo thôi việc (trong khi đại diện Taliban trả lời phỏng vấn nhà báo nữ trên truyền hình). Một số phụ nữ bị tấn công vì không mặc trang phục trùm kín người.
Các chiến binh Taliban cũng bị cáo buộc tiến hành lùng sục nhiều ngôi nhà ở Kabul, một số người dân Afghanistan báo cáo rằng người thân của họ bị hành hung và bắt đi.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng báo cáo một vụ thảm sát đàn ông dân tộc thiểu số Shia Hazara, vốn là mục tiêu của Taliban từ lâu.
Bette Dam, nhà nghiên cứu có nhiều năm tìm hiểu về Taliban, nhận xét: “Việc phương Tây phải đối phó với một chính phủ sử dụng các biện pháp hà khắc là một vấn đề tương đối nan giải”.