Vùng xanh lá nằm giữa Kabul. Đồ họa: Washington Post. |
Nằm giữa thủ đô Kabul là khu vực được phòng ngự kiên cố với tên gọi “vùng xanh lá”. Nơi đây tập trung trụ sở các đại sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế, và nơi ở của những nhân vật quyền lực, theo Washington Post.
Trước mối đe dọa từ Taliban đối với lượng người nước ngoài ồ ạt tới Afghanistan từ năm 2001, vùng xanh lá của Kabul từ những tòa nhà văn phòng ban đầu đã dần trở thành một pháo đài được bao quanh bởi tường chống bom, chốt kiểm soát, và camera an ninh.
Nhưng sau 20 năm đứng vững, vùng xanh không còn là nơi an toàn khi Kabul thất thủ.
Một cảnh sát Afghanistan kiểm tra phương tiện tại một cổng vào "vùng xanh lá" tại Kabul năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Vùng xanh lá ngay giữa thủ đô Kabul
Vùng xanh lá được đặt tại khu vực Wazir Akbar Khan giàu có của Kabul. Sau khi lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đánh bại Taliban vào năm 2001, diện tích vùng này mau chóng được mở rộng.
Tháng 5/2017, một chiếc xe tải lớn nổ tung bên ngoài Đại sứ quán Đức, một trong những cổng vào vùng xanh lá. Vụ đánh bom làm chết hơn 90 người và hàng trăm người bị thương.
Sau vụ đánh bom, người dân Afghanistan lên tiếng phản đối chính quyền vì không bảo vệ được thành phố. Đáp lại, chính quyền Kabul tiếp tục mở rộng vùng xanh.
Tốc độ mở rộng nhanh chóng của vùng xanh phản ánh tần suất tấn công ngày càng tăng của Taliban vào Kabul trong những năm gần đây. Đây là sự thay đổi chiến thuật của Taliban nhằm bù lại điểm yếu của mình trước sức mạnh không quân Mỹ bên ngoài thành phố.
Bên trong vùng xanh lá là những tiện nghi hiếm thấy ở những nơi khác tại Kabul. Máy phát điện sẽ được khởi động trong những lần cúp điện thường xuyên của thành phố. Phòng ốc trong vùng xanh luôn được sưởi ấm vào mùa đông, trong khi bể bơi giúp xua tán cái nắng mùa hè.
Một góc vùng xanh tại thủ đô Kabul vào năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Ở một quốc gia có quy định cấm uống rượu đối với gần như mọi người dân, thức uống có cồn luôn có sẵn tại đa số đại sứ quán. Người ta có thể bắt gặp hình ảnh những con công cảnh thơ thẩn trong khuôn viên trụ sở Liên Hợp Quốc.
Nhưng khi sống trong vùng xanh lá, các nhân viên ngoại giao chọn đánh đổi an toàn cá nhân với việc mất tự do.
“Dù ra ngoài gần như mọi ngày, tôi chỉ có thể đi đến một số chỗ. Rất khó để có thể hiểu được” cảm nhận của người dân địa phương, Đại sứ Đức tại Afghanistan Peter Prügel cho biết.
Kể cả việc đi lại trong vùng xanh cũng được giới hạn nghiêm ngặt. Nhân viên an ninh thường cấm nhân viên ngoại giao không được đi bộ tới các đại sứ quán lân cận mà phải lái xe trên những đoạn đường ngắn qua chốt kiểm soát và gờ giảm tốc.
“Chúng tôi hoàn toàn ở trong một chiếc bong bóng”, một nhân viên ngoại giao người Canada nói với Reuters.
Phiền toái và rủi ro với người địa phương
Không phải ai cũng đón nhận sự hiện diện của vùng xanh ngay giữa lòng thủ đô Kabul. Tại Kabul, vùng xanh được xem là nguồn gốc của tâm lý bất mãn và là di sản không thể gột rửa của hai thập kỷ can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan, theo Washington Post.
Một số người dân địa phương rất ghét những phiền toái và rủi ro mà khu vực được phòng ngự kiên cố như vậy đem lại.
Tài xế taxi Mohammad Taher, 37 tuổi, luôn tránh né khu vực xung quanh vùng xanh vì các chốt chặn của cảnh sát làm giao thông ở đây ách tắc.
Tuy nhiên, anh Taher bổ sung rằng những người Afghanistan sống tại các văn phòng nước ngoài thường nhận được “mức lương khủng”. Điều này tạo nên cú hích cần thiết cho nền kinh tế, anh nói.
Giao thông thường ách tắc gần vùng xanh. Ảnh: Washington Post. |
“Đôi lúc tôi cảm thấy họ đang sống cuộc sống khác biệt hoàn toàn với chúng tôi”, Tamim, 28 tuổi, một người bán hàng, nhận định về “lối sống phương Tây” bên trong vùng xanh.
Bên cạnh vùng xanh ở trung tâm, phía đông Kabul lại là một khu vực được phòng ngự kiên cố khác với tên gọi “làng xanh lá”, nơi tập trung nhiều công ty và tổ chức từ thiện quốc tế. Người dân tại làng xanh lá từng phải hứng chịu thiệt hại từ một vụ đánh bom xe vào tháng 1/2019.
“Dân làng chúng tôi không thể chấp nhận cái trại này vì mạng sống của chúng tôi bị đe dọa”, Noor Alam, một người bán hàng 46 tuổi, trả lời Reuters. “Sự hiện diện của những trại người nước ngoài gần khu dân sinh thông thường không khác gì mối đe dọa chết chóc với người dân”.
Việc xây dựng và phát triển vùng xanh, bao gồm căn cứ quân sự NATO, giữa một thành phố đông người thể hiện “sự thiếu tôn trọng” đối với người dân địa phương, Thomas Ruttig, giám đốc viện chính sách Afghanistan Analysts Network, nhận định.
Gấp rút sơ tán trước bước tiến của Taliban
Trả lời Reuters vào đầu năm 2019, Sayed Mohammad Roshandil, chỉ huy cảnh sát Kabul, cho biết việc thiết lập vùng xanh là một thành công lớn.
Ông Roshandil cho biết kể từ sau vụ đánh bom gần Đại sứ quán Đức tới đầu năm 2019, an ninh của vùng xanh chưa từng bị chọc thủng. Mỗi ngày, số xe tải được vào vùng xanh được giới hạn ở mức tối đa 150 chiếc, tài xế được xác thực danh tính bằng máy quét sinh trắc học.
Khu vực được canh gác cẩn mật xung quanh Ngân hàng Trung ương của Kabul. Ảnh: Washington Post. |
Tuy nhiên, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho rằng vùng xanh chỉ giúp quan chức chính phủ và nhân viên quốc tế có được “sự đảm bảo về tâm lý”.
“Vùng xanh không an toàn như họ nghĩ”, ông Mujahid trả lời Reuters vào năm 2019.
Nhận định của ông Mujahid dường như đã thành hiện thực vào ngày 15/8, khi nhân viên ngoại giao các nước gấp rút rời vùng xanh lá để sơ tán khi Taliban tiến vào Kabul.
Lúc này, trung tâm ngoại giao của Kabul dường như chỉ còn là cái bóng của chính mình. Sự im lặng bao trùm cả vùng xanh.
Các vị trí trước đó được cảnh sát và nhân viên an ninh canh gác hiện đều bị bỏ trống. Nhiều tài xế khi tới đây buộc phải xuống xe và tự nhấc barie để lái qua.
"Thật kỳ lạ khi ngồi đây và thấy cảnh đường xá trống không, không còn những đoàn hộ tống ngoại giao, xe cỡ lớn có súng gắn trên", Gul Mohammed Hakim, một người bán bánh mì gần vùng xanh, cho biết.
"Tôi vẫn sẽ ở đây làm bánh mì, nhưng sẽ kiếm được rất ít tiền. Những người bảo vệ từng là bạn của tôi nhưng giờ họ đi mất rồi", ông Hakim nói.