Những ngày cận Tết, các đầu bếp nổi tiếng ở Hà Nội vẫn tất bật cho loạt đơn hàng online họ nhận được. Mặt hàng năm nay khá đa dạng, trải đều từ bánh chưng, gà ủ mía, muối hoa tiêu cho đến cốt lẩu. Điểm chung là các món ăn đều phải đảm bảo tính tiện lợi, nhanh gọn và chất lượng khi đến tay người dùng.
Sản phẩm quen thuộc, dễ tiếp cận
"Dịch bệnh khiến kinh tế người dân eo hẹp nên phải tính toán hơn trong việc mua sắm. Tuy nhiên, các sản phẩm như gà, giò, bánh chưng... vẫn luôn nằm trong danh sách chắc chắn phải có. Mặt khác, tôi thấy các sản phẩm đồ ngoại cũng được yêu thích", đầu bếp Nguyễn Văn Khu chia sẻ.
Đầu bếp Khu cho biết nắm bắt được những mặt hàng "hot" trong dịp Tết, anh chú trọng vào các sản phẩm như bánh chưng Tú Lệ và gà ủ mía. Trong khi bánh chưng Tú Lệ nổi tiếng nhờ yếu tố đặc sản vùng miền, gà ủ mía lại là biến tấu mới lạ cho mâm cơm Tết vốn chỉ quen thuộc với gà luộc của nhiều gia đình.
Các sản phẩm như bánh chưng, gà... vẫn luôn nằm trong danh sách phải mua của người Việt dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Văn Khu. |
Theo anh, giá thành cả 2 sản phẩm này đều cao hơn các mặt hàng cùng loại bán trên thị trường. Tuy nhiên, điểm nổi bật của chúng là đều được lựa chọn từ sản vật, nguyên liệu ngon ở các vùng miền. Do đó, dù giá thành cao hơn, chất lượng món ăn trên mâm cỗ là điều khác biệt.
Anh chia sẻ thêm: "Bánh chưng Tú Lệ được nhuộm lá riềng xay, tạo nên màu xanh tự nhiên. Ngoài ra, nó cũng được làm từ loại gạo ngon nhất của Điện Biên và Tú Lệ, kết hợp cùng thịt lợn mán nên nhân bánh sẽ chất lượng hơn.
Gà ủ mía của tôi lại được ướp cùng gia vị từ núi rừng Tây Bắc như hạt dổi, mắc khén hay tiêu rừng trong 24 giờ, sau đó nướng chậm bằng than hoa 3 giờ. Món gà được tạo màu tự nhiên bằng khói cây mía tươi đốt trong 2 giờ. Nhìn chung, đây là 2 món ăn đặc sắc và hợp với nhu cầu ăn uống của người dân Tết này".
Trong khi đó, đầu bếp Nguyễn Tuấn Anh, chủ nhiều chuỗi nhà hàng đồ Thái, steak ở Hà Nội, chia sẻ mình đang "vật lộn" với lượng đặt hàng cốt lẩu trong dịp cận Tết. Mỗi ngày, anh phải làm việc từ 7h đến tận đêm để kịp đáp ứng nhu cầu tăng cao cho loại sản phẩm này.
Đầu bếp Tuấn Anh (ngoài cùng bên phải) thường xuyên phải làm việc tới đêm vì lượng khách quá cao dịp Tết. Ảnh: Duy Anh. |
Anh cho biết sản phẩm cốt lẩu dễ tiếp cận vì tính tiện lợi, phù hợp với các buổi sum họp dịp Tết tại nhà. Ngoài ra, mức giá mỗi gói cốt lẩu chỉ dao động khoảng 120.000 đồng/gói, có thể dùng cho 4-6 người ăn.
"Mỗi ngày, xưởng của tôi sản xuất hơn 1.000 gói và xuất đi hết trong ngày. Cốt lẩu là món ăn phù hợp với xu thế chung hiện nay khi mọi người thích các loại đồ ăn tiện lợi, đóng sẵn và sạch sẽ", anh Tuấn Anh nói.
Trả lời phóng viên, đầu bếp Hùng Râu, CEO chuỗi nhà hàng Thái lớn ở Hà Nội, cũng xác nhận tình trạng "ngập việc" tương tự với các đơn hàng online. Anh có nhận xét chung với đầu bếp Tuấn Anh về xu hướng mua cốt lẩu dịp cận Tết. Đầu bếp này cho biết mình cũng đẩy mạnh sản phẩm cốt lẩu và nhận được lượng đơn lớn.
Dù vậy, sản phẩm chính của anh trong đợt Tết vẫn là bán online gà ủ muối hoa tiêu, tai heo, lưỡi heo, bắp bò... Hiện nay, anh cũng bổ sung thêm món gà Đông Tảo nhằm đáp ứng nhu cầu làm quà Tết của nhiều người.
"Trong tháng cuối năm này, lượng sản phẩm tôi bán ra đã tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với bình thường, nhất là dịp cuối tháng. Tuy nhiên, lợi nhuận không tăng đột biến do giá đầu vào tăng, nhân công phải làm tăng ca", anh chia sẻ.
Nắm bắt trào lưu
Xu hướng mua đồ online đang bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt sau đợt dịch thứ 4. Đồ ăn là mặt hàng được quan tâm bậc nhất, xuất phát từ nhu cầu đặt đồ online trong đợt dịch vừa rồi.
Trả lời Zing, nhiều đầu bếp Việt cho biết họ đang thực sự để tâm đến thị trường này dù nắm trong tay một số chuỗi nhà hàng lớn. Theo họ, việc kinh doanh nhà hàng trong năm vừa qua gặp quá nhiều khó khăn do những lần đóng/mở liên tục. Trong khi đó, lượng đơn online lại ổn định và đem lại doanh thu không kém cạnh.
Các đầu bếp chú trọng mảng kinh doanh online dù sở hữu những chuỗi nhà hàng lớn. Ảnh: Duy Anh. |
Đầu bếp Hùng Râu nói anh mới bắt đầu khai thác mảng kinh doanh online được một năm. So với tưởng tượng, anh cho biết sức mua của loại sản phẩm này quá lớn, nhất là trong dịp Tết. Yếu tố tiện lợi, giảm công sức nấu nướng và hiệu ứng mạng xã hội đã thúc đẩy dòng sản phẩm này lên ngôi.
Ngoài ra, đầu bếp Khu cũng chia sẻ hiện nay nấu ăn ngon dường như là không đủ. Các đầu bếp cần biết cách xây dựng hình ảnh đẹp và chụp ảnh sản phẩm để thu hút khách online, đặc biệt là giới trẻ khi lượng tiêu thụ của nhóm này rất lớn.
Theo tìm hiểu của Zing, bên cạnh các mặt hàng online, những khóa học online về nấu ăn cũng đang được quan tâm đặc biệt. Hiện nay, nhiều đầu bếp đang đẩy mạnh các khóa học online, chủ yếu để người học có thể kinh doanh ngay sau khi "tốt nghiệp". Giá các khóa học không cố định, tùy loại sản phẩm, dao động từ 1 triệu đến hơn 300 triệu đồng/lớp.