Chiều 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các dự án trên địa bàn. Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã khảo sát loạt công trình trọng điểm nối kết liên vùng.
Đề xuất được huy động nguồn lực triển khai một số dự án
Báo cáo với Thủ tướng, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế có mức tăng trưởng khá cao. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Dự kiến cả năm 2022, tỉnh vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt hơn 48%, đứng thứ 15/63 địa phương xếp theo thứ tự từ thấp đến cao...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trong thời gian tới, Bình Dương đề xuất cho phép tỉnh huy động nguồn lực triển khai một số dự án; áp dụng mức trần dư nợ vay của ngân sách địa phương như TP.HCM và Hà Nội để tiến hành các thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đề xuất Trung ương cho tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Thủ Dầu Một...
Ngoài ra, địa phương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan một số nội dung về cơ chế, vốn liên quan các dự án: đường Vành đai 4 TP.HCM; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An.
Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng Bình Dương cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Trong quá trình đó, tỉnh cần tăng cường quản lý xây dựng đô thị; quản lý, sử dụng đất đai; đảm bảo môi trường; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, nhất là nơi tập trung nhiều công nhân...
Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận Bình Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Địa phương cũng luôn là tỉnh năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để phát triển. Giai đoạn gần đây, Bình Dương luôn nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương chiều 3/12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Định hướng để địa phương phát triển hơn thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, bởi theo ông, "doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển được".
"Phải xem khó khăn của doanh nghiệp như việc của mình, xem thành công của họ như thành quả của chính mình, thậm chí hy sinh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tỉnh rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu, khó khăn tiếp cận vốn… Từ đó, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Quan trọng hơn, Thủ tướng đề nghị Bình Dương quan tâm làm tốt công tác quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Tỉnh cần hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong tháng 6/2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Đối với những vị trí "đất vàng", Thủ tướng nhắc nhở tỉnh phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, từ đó thu hút người lao động đến địa phương, phát triển đồng bộ các loại hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…. Từ đó, Bình Dương sẽ phát triển bền vững các dự án đô thị, bất động sản.
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.