TS Phạm Bích Ngọc - Trưởng khoa tiếng Italy, Đại học Hà Nội - là người tham gia hiệu đính cho cuốn sách Ngôn ngữ cử chỉ của người Italy. Ảnh: TIMES. |
Theo chia sẻ của ông Phạm Hoàng Hải - nguyên Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Italy (ICHAM) tại Việt Nam - thời gian mới làm việc với các doanh nhân Italy, ông rất bất ngờ với phong cách giao tiếp của đối phương.
“Tôi từng cảm thấy người Italy có vẻ khó gần khi vừa nói vừa sấn tới, vung tay loạn lên. Nhưng sau này tìm hiểu về văn hóa của nước họ, tôi nhận ra đây là một loại ngôn ngữ đặc biệt”, ông Phạm Hoàng Hải kể lại tại buổi giới thiệu Tủ sách năm châu diễn ra vào sáng ngày 16/10.
Quả thực, người Italy sở hữu một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phong phú. Qua đó họ có thể biểu đạt tình cảm, tâm tư của mình.
Tiếp cận văn hóa Italy từ nghiên cứu cử chỉ
Ngôn ngữ cử chỉ đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong văn hóa giao tiếp của người Italy, góp phần làm nổi bật sự đa dạng và giàu bản sắc của đất nước này. Theo TS Phạm Bích Ngọc - Trưởng khoa tiếng Italy, Đại học Hà Nội - người Italy được coi là một trong những dân tộc sử dụng ngôn ngữ cử chỉ nhiều nhất trên thế giới.
Cử chỉ của người Italy có thể chia thành hai loại chính: cử chỉ độc lập và cử chỉ kèm lời. Cử chỉ độc lập thường được sử dụng mà không cần lời nói, trong khi cử chỉ kèm lời nhằm minh họa, bổ sung và nhấn mạnh cho lời nói. Sự phong phú này không chỉ thể hiện sự khéo léo trong giao tiếp, mà còn phản ánh chiều sâu văn hóa và tinh thần cởi mở của người Italy.
Các cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách năm châu do công ty TIMES giới thiệu. |
Nhiều năm nay, giảng viên và sinh viên khoa tiếng Italy tại Đại học Hà Nội đã theo đuổi mảng đề tài này. TS Phạm Bích Ngọc chia sẻ Ngôn ngữ cử chỉ của người Ý là cuốn chuyên khảo rất hữu ích cho công việc nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Italy tại Việt Nam. Tác phẩm không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn giúp độc giả Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với nền văn hóa đa dạng của Italy thông qua ngôn ngữ cử chỉ.
Về mặt giá trị thực tiễn, nghiên cứu cử chỉ là chìa khóa giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về văn hóa Italy, đặc biệt trong các tình huống thương thảo và đàm phán. Ông Phạm Hoàng Hải - nguyên Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Italy (ICHAM) tại Việt Nam - chia sẻ: "Trong một buổi đàm phán, nếu chúng ta có những cử chỉ giống họ, ngay lập tức đối phương có thể hiểu rằng chúng ta có vốn kiến thức về văn hóa của họ. Đôi khi cử chỉ còn có sức mạnh hơn cả lời nói".
Điều này minh chứng cho tiềm năng của ngôn ngữ cử chỉ trong việc xây dựng cầu nối văn hóa và thúc đẩy hiệu quả giao tiếp giữa các quốc gia.
Văn hóa Italy chia sẻ những điểm tương đồng với Việt Nam
Bên cạnh hướng nghiên cứu về cử chỉ, văn hóa doanh nghiệp cũng là một đề tài thú vị đối với những người từng có cơ hội làm việc ở cả hai quốc gia như ông Phạm Hoàng Hải.
Mặc dù cách xa hàng nghìn cây số, nhưng Việt Nam và Italy lại có những điểm tương đồng nhất định về văn hóa. "Sẽ có khá nhiều người không biết, nhưng giữa Italy và Việt Nam có một sự tương đồng rất lớn. Sự tương đồng đó đầu tiên là đến từ những giá trị nền tảng của gia đình, trong xã hội, trong cách vận hành xã hội cũng như trong cách vận hành doanh nghiệp”, nguyên Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Italy chia sẻ với tạp chí Znews.
Ông Phạm Hoàng Hải - nguyên Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Italy (ICHAM) tại Việt Nam. Ảnh: TIMES. |
Hơn hết, Italy và Việt Nam đều là những quốc gia có bề dày lịch sử và truyền thống. Italy là nơi khai sinh một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại - Đế chế La Mã. Sự tồn tại lâu dài của quốc gia này đã để lại vô vàn di sản về văn hóa, nghệ thuật, và kiến trúc, có ảnh hưởng sâu sắc trên toàn thế giới. Việt Nam, với lịch sử phong phú và truyền thống văn hóa lâu đời, cũng chia sẻ nhiều điểm tương đồng với Italy.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực doanh nghiệp, cả Italy và Việt Nam đều có một điểm chung rằng nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình gia đình. "Hơn 95% doanh nghiệp của Italy đều vận hành theo mô hình gia đình, cho dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ hay là tập đoàn lớn," ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở cách Italy đã quy chuẩn hóa và phát triển mô hình này qua nhiều thập kỷ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển giao từ thế hệ đầu tiên sang thế hệ thứ hai, một thử thách mà doanh nghiệp Italy đã đối mặt và vượt qua từ nhiều năm trước. Điều này tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam học hỏi từ mô hình quản lý doanh nghiệp của Italy, đặc biệt trong việc quy hoạch và tổ chức hiệu quả hơn.
Ngoài ra, phong cách làm việc và lối sống của người Italy cũng để lại ấn tượng sâu sắc. "Người Italy có một câu mà tôi rất thích. Khi bạn làm việc bằng đam mê, bạn sẽ không coi công việc đó là công việc mà sẽ là niềm vui. Niềm đam mê này giúp nhiều doanh nhân Italy duy trì sự sáng tạo và phát triển những sản phẩm độc đáo, trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phạm Hoàng Hải chia sẻ.
Dù nhiều doanh nghiệp Italy có quy mô nhỏ, nhưng sự đầu tư không ngừng vào nghiên cứu và phát triển đã giúp họ tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đây là một bài học quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi cần chú trọng vào sự khác biệt và đầu tư vào giá trị cốt lõi để tạo lợi thế cạnh tranh.
Sự tương đồng về giá trị gia đình, truyền thống văn hóa, và quản lý doanh nghiệp giữa Italy và Việt Nam mở ra nhiều tiềm năng hợp tác. Bên cạnh đó, những bài học từ trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp gia đình tại Italy có thể là nguồn cảm hứng cho Việt Nam trong việc phát triển và hiện đại hóa.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.