Tại sự kiện, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ về các kỹ năng để phụ huynh và các bạn nhỏ cùng nhau khám phá thế giới sách, nuôi dưỡng tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng.
Nhà văn Văn Thành Lê (phải), trò chuyện về “Đọc cùng con, lớn cùng con”. |
Trong buổi trò chuyện, nhà văn Văn Thành Lê nhận định: “Giá trị anh tạo ra sẽ định hình tên của anh”. Theo Văn Thành Lê, mỗi cá nhân có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo cuộc đời, thông qua suy nghĩ, lời nói (viết), việc làm hằng ngày, trên nhiều phương diện, nhất là công việc.
“Trong xã hội hiện đại, tên tuổi của một người không chỉ đơn thuần là một danh xưng mà còn là biểu tượng cho những giá trị mà họ mang lại. Mỗi hành động, mỗi quyết định, mỗi đóng góp của chúng ta đều góp phần xây dựng nên một hình ảnh cá nhân của mỗi người”, Văn Thành Lê nói.
Theo anh, đó không chỉ ở việc một người tạo ra những giá trị lớn lao mà còn bao hàm cả những hành động nhỏ bé, thường ngày. “Việc đồng hành cùng con trong việc đọc sách chính là một trong những hành động ấy”.
Không gian trò chuyện ấm áp với sự tương tác của phụ huynh, bạn trẻ, độc giả yêu mến tác giả Văn Thành Lê. |
Nhà văn Văn Thành Lê nhấn mạnh, đọc sách cùng con không chỉ đơn thuần là đọc to những câu chữ mà còn là một quá trình tương tác, trao đổi giữa con cái và cha mẹ.
“Cha mẹ có thể đặt câu hỏi, cùng con phân tích nội dung, lắng nghe cách suy nghĩ, cảm nhận của con qua câu chuyện con đọc. Qua đó, trẻ em sẽ được rèn luyện khả năng tư duy, khả năng giao tiếp và phát triển trí tưởng tượng cũng như rèn luyện cho có thói quen đọc sách và tình yêu sách”, Văn Thành Lê chia sẻ.
Nhà văn Văn Thành Lê nói về sự “mầu nhiệm” của sách chính là ở khả năng chuyển hóa.
Theo đó, nếu các bậc phụ huynh dành thời gian của mình cho việc đồng hành cùng con trong việc đọc sách, định vị, lựa chọn cho con những đầu sách gần gũi, đúng với nội dung, chủ đề mà trẻ yêu thích sẽ giúp cho trẻ dễ dàng tìm đến với sách, đọc nhiều sách hơn và không bỏ đi thói quen tích cực này.
Các bé tham gia buổi talkshow đã rất thích thú sách của chú Văn Thành Lê. |
Cũng là người viết văn, làm thơ cho thiếu nhi, với Văn Thành Lê, các tác phẩm dành cho thiếu nhi là những tác phẩm có tính giải trí cao - cho phép trẻ được phiêu lưu vào những thế giới màu sắc, mới mẻ mà ở đó những bài học mang tính giáo dục được khéo léo lồng vào một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhất.
Văn Thành Lê cho biết, đó cũng chính là điều mà anh gửi gắm trong các tác phẩm của mình, là sự hòa mình của trẻ vào với thiên nhiên, khám phá thiên nhiên xung quanh mình thông qua những trang sách dành cho thiếu nhi.
Nhà văn 8X này dẫn chứng, Trên đồi mở mắt và mơ, Bên suối bịt tai nghe gió của anh chính là những ví dụ sống động liên quan nội dung sách giúp trẻ yêu thiên nhiên, mỗi khi trẻ mở sách ra là có thể hòa mình vào cảm xúc bình yên, chạm vào những ước mơ bay bổng, hồn nhiên nhất.
Từ sách, trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người và về thế giới xung quanh. Trẻ em sẽ học được cách yêu thương, chia sẻ và trân trọng cuộc sống. Những đứa trẻ lớn lên cùng sách sẽ hình thành văn hóa đọc trong gia đình, rồi dần lan rộng ra đến bạn bè, người thân xung quanh, đến cả cộng đồng.
Cả gia đình cùng tham dự sự kiện và được tặng sách từ chính tác giả Văn Thành Lê. |
Nhà văn Văn Thành Lê nhấn mạnh, đồng hành cùng con trong việc đọc sách không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ mà còn giúp cha mẹ thư giãn, giảm stress và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, định hình hình ảnh bố mẹ trong tâm trí con trẻ. Hay nói cách khác, đó là sự gắn kết giữa bố mẹ - con cái thông qua nhịp cầu đọc sách cùng nhau.
Sự nuôi dưỡng của sách ngoài kiến thức, tâm hồn còn là tình cảm của phụ huynh và trẻ. Nói “lớn cùng con” qua trang sách chính là ở chỗ này. Đặc biệt, theo Văn Thành Lê, từ mỗi trang sách góp phần định hình hình ảnh của trẻ trong tương lai.
Những người trẻ Cộng đồng A2A - Trạm đọc và nhà văn Văn Thành Lê đã kết nối những người yêu sách cùng ngồi lại tìm cách cho con cái tiếp cận sách tốt hơn. |
Cộng đồng A2A - Trạm đọc gồm những bạn trẻ yêu sách, muốn lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách đến cộng đồng thông qua các chương trình tặng sách, kết nối tác giả sách, những người có ảnh hưởng cộng động để trò chuyện về sách, từ đọc đến viết, từ đọc đến ứng dụng sách vào đời sống công việc. Đến nay, Cộng đồng A2A - Trạm đọc đã tổ chức nhiều buổi talkshow thu hút phụ huynh, người trẻ tham dự với các diễn giả như TS Phạm Thị Thúy (giảng viên, tác giả sách), nhà văn Nguyễn Đinh Khoa (kiến trúc sư, tác giả sách), nhà văn Văn Thành Lê…
Được biết, Văn Thành Lê quê Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, hiện làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh là tác giả sung sức, viết nhiều và hầu như ở lĩnh vực nào anh cũng tạo được diện mạo của riêng mình.
Văn Thành Lê là tác giả của nhiều tác phẩm như Hình như là tình yêu (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 2008), Con gái tuổi Dần (Tập truyện, NXB Trẻ, 2009), Trạm điện thoại ở thiên đường (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 2011), Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (Truyện vừa thiếu nhi, NXB Trẻ, 2011), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (Tập truyện - NXB Thời Đại, 2012), Không biết đâu mà lần (Truyện dài, 2014), Châu lục thứ 7 (Tập truyện, 2014), Ngày xưa chưa xa (Tản văn & thơ, 2015), Thừa ra một người (Tập truyện, 2016), Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu (Truyện thiếu nhi, 2016), Trên đồi, mở mắt, và mơ (Truyện thiếu nhi, 2017), Như cánh chim trong mắt của chân trời (Chân dung văn học, 2017)…