Ông Nguyễn Ngọc Hồi (thứ 7 từ phải sang) đại diện đoàn trao tặng sách cho GS Arndt Graf (thứ tám từ phải qua). Ảnh: Hồng Trí. |
Trong khuôn khổ chương trình tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt, ngày 15/10, đoàn công tác của Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố dẫn đầu, đã có chuyến thăm, làm việc với khoa Đông Nam Á học, Đại học Goethe Frankfurt.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện bộ môn Đông Nam Á, GS Arndt Graf đã chia sẻ về lịch sử hình thành, phát triển của trường. Theo đó, bộ môn Đông Nam Á học được hình thành từ những năm 1960 bởi GS Otto Karow, ngày nay thuộc Viện Ngữ văn Đông Á của Khoa Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa Đại học Goethe.
Bộ môn có chương trình, các khóa học tiếng Việt cho sinh viên. Cũng vì thế, thư viện của trường rất quan tâm trang bị sách dạy tiếng Việt, sách về văn hóa, xã hội Việt Nam để sinh viên, bạn đọc quan tâm có tài liệu tham khảo.
Ông Holger Warnk, giảng viên, đồng thời là quản lý thư viện khoa đã chia sẻ thêm nhiều thông tin thú vị liên quan đến hệ thống thư viện của trường cũng như sách về Việt Nam. Thư viện Đại học Goethe tính đến năm 2023 có 11,63 triệu các ấn phẩm (bao gồm cả các ấn phẩm giấy và điện tử).
Trường có 7 thư viện, trong đó riêng thư viện số 5 đoàn ghé thăm thuộc Khoa Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa có khoảng 500.000 ấn phẩm các loại. Tổng lượng người dùng có thẻ thư viện hơn 100.000 người. Tuy nhiên, thư viện rộng cửa đón chào độc giả, ai cũng có quyền vào thư viện, xem các ấn phẩm tại chỗ chứ không chỉ là sinh viên của trường.
Đoàn được tham quan thư viện số 5, trải nghiệm các tiện ích sách giấy, sách điện tử, công tác lưu trữ tài liệu liên quan đến Việt Nam. Ghi nhận của phóng viên, nhiều đầu sách tiếng Việt của các nhà xuất bản Việt Nam có mặt trên các giá sách của thư viện, chủ yếu về lịch sử văn hóa, ngôn ngữ, tộc người... Trong đó có tài liệu xưa được lưu trữ ở chế độ hạn chế độc giả tiếp cận.
Ông Holger Warnk cũng giới thiệu cho đoàn tham quan phòng trưng bày sách Việt Nam, viết về Việt Nam xưa và nay. Trong đó, có nhiều đầu sách giấy quý từ khi kỹ thuật in phương Tây xuất hiện tại Việt Nam được sưu tầm như Học trò khó phủ (Trương Vĩnh Ký viết, Bản in Nhà hàng C. Guilland et Martinon, 1883), Chuyện khôi hài (Trương Vĩnh Ký viết, Bản in Nhà hàng C. Guilland et Martinon, 1884), Lục súc tranh công (Nhà in Qui Nhơn, 1911)...
Chia sẻ tại cuộc gặp, ông Nguyễn Ngọc Hồi thông tin tới đại diện bộ môn Đông Nam Á học về sự quan tâm của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tới sách, xuất bản và văn hóa đọc.
Đoàn rất vui mừng trước sự quan tâm của trường về chương trình giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên, người nước ngoài. Cũng vì thế, khi tham gia hội sách quốc tế Frankfurt, đoàn sắp xếp chuyến thăm, gặp gỡ để trao tặng các đầu sách tiếng Việt về văn hóa, lịch sử, xã hội... cho bộ môn, để bổ sung vào hệ thống thư viện của khoa, trường thêm đầu sách tham khảo cho sinh viên, độc giả có nhu cầu.
Nhiều đầu sách Việt Nam được lưu trữ tại thư viện thuộc Khoa Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa. Ảnh: Đình Ba. |
Tại buổi gặp, đại diện nhiều đơn vị xuất bản, thư viện của Thành phố với Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh... đã giới thiệu thêm về hoạt động xuất bản của Thành phố, các đầu sách có giá trị tham khảo thiết thực dành cho sinh viên, độc giả của trường như bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh, Hý kịch Việt Nam, Tuồng hát cải lương khảo và luận...
Tiếp nhận hơn 200 đầu sách trao tặng của đoàn, GS Arndt Graf bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tin tưởng rằng, thư viện cũng như khoa sẽ sử dụng thật tốt những đầu sách này trong hoạt động giáo dục, đào tạo của trường.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.