Hiện tại, HAGL vừa giành vé dự VCK U15 quốc gia ở Tây Ninh. Họ sẽ có cơ hội để bảo vệ ngôi vô địch. Đội U19 (thực chất là U17) có nhiều có hội tiến sâu tại Giải U19 quốc tế ở Nha Trang.
Còn đội 1 vẫn là thỏi “nam châm” thu hút khán giả khắp nơi trên cả nước. Bên cạnh đó, đội bóng phố núi còn đóng góp 4 cầu thủ (Phan Thanh Hậu, Lương Hoàng Nam, Trần Thanh Sơn và Đinh Thanh Bình) cho đội U20 Việt Nam đi tập huấn tại Đức.
“Chúng tôi đào tạo theo kiểu hình chóp, với đỉnh là đội 1. Các cầu thủ trẻ sẽ trải qua quá trình dài từ U13, U15 cho đến U17, U19 trước khi có thể lên chơi cấp độ cao nhất. Trước kia, giáo án của học viện và năng khiếu khác nhau nhưng hiện tại gần như không khác biệt nhằm giúp cho cầu thủ có sự phát triển tốt nhất”, Trưởng đoàn CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh chia sẻ nhân dịp HAGL đón U18 Mito Hollyhock qua đá giao hữu.
Hợp tác với các CLB Nhật Bản là bước đi đúng đắn của bầu Đức để phát triển cầu thủ trẻ. |
Từ khi học viện HAGL-Arsenal ra đời đến nay, bầu Đức đã tuyển sinh được 4 khóa. Tiêu chí của ông là không bỏ sót tài năng nên những ai không đậu vào học viện sẽ được chuyển xuống lò năng khiếu. Lúc đầu, giáo án đào tạo giữa 2 bên là khác biệt. Tuy nhiên theo thời gian, điều này đã đồng nhất. Cầu thủ từ hai bên được “trộn” vào để thi đấu cùng nhau.
Đội U19 HAGL đang thi đấu tại Nha Trang nòng cốt là khóa III của học viện, nhưng trong số đó có 9 người trưởng thành từ năng khiếu. Tương tự đội U15 của HLV Chu Ngọc Cảnh phần lớn là các cầu thủ năng khiếu, có tăng cường thêm 2-3 thành viên từ lớp của HLV Guillaume Graechen.
Thành quả của bầu Đức
Tâm huyết của bầu Đức đã được đền đáp phần nào khi cầu thủ đội một HAGL có chỗ đứng tại ĐTQG, đồng thời trở thành thần tượng của giới trẻ. Những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn… được yêu mến nhờ tài năng cũng như cách cư xử chuẩn mực.
Một số người đã được ra nước ngoài thi đấu. Hiện tại, một nhà môi giới đang liên hệ để đưa Văn Thanh đến châu Âu chơi bóng. Còn Văn Toàn là đích nhắm của các tuyển trạch viên CLB Shimizu S-Pulse – đội bóng đang thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Nhật Bản (J.League 1).
Với cơ sở vật chất hiện đại và nguồn cầu thủ dồi dào, HAGL hứa hẹn trình làng nhiều ngôi sao trong tương lai. |
Một ngày, chi phí mà bầu Đức bỏ ra để nuôi đội bóng khoảng 300 triệu đồng. Tính ra hàng năm, số tiền này lên đến cả trăm tỷ. Nếu ông dùng nó để đầu tư cho đội một, HAGL có thể chiêu mộ những ngoại binh giỏi, hướng đến thành tích cao tại V.League.
Nhưng ông muốn tạo điều kiện tối đa cho cầu thủ mình tự đào tạo phát triển. Điều đó giúp HAGL tận dụng tối đa tài nguyên hiện có, đồng thời giảm chi phí mua sắm lực lượng.
Hiện tại, HAGL là CLB hiếm hoi ở V.League được 2 CLB J.League tin tưởng để bắt tay lâu dài. Cuối năm nay, bầu Đức sẽ đích thân qua Nhật Bản để bàn về việc hợp tác với một trường Đại học danh tiếng, nơi sản sinh nhiều tuyển thủ bóng đá quốc gia. Đây là bước đi tiếp theo để củng cố chỗ đứng tại đội bóng phố núi tại thị trường này.
Để đào tạo và quản lý hơn gần 150 cầu thủ, HAGL sử dụng gần 20 HLV, trợ lý HLV. Phần lớn trong số họ là những cựu cầu thủ của đội bóng phố núi hoặc không may mắn bị chấn thương sớm, lỡ cơ hội trở thành tài như Lê Văn Vũ, Khuất Hữu Long, Chu Ngọc Cảnh, Huỳnh Văn Ảnh, Trần Duy Quang, Nguyễn Quốc Tuấn, Dương Minh Ninh, Đinh Hồng Vinh…